Tại sự kiện, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc Tế Việt Nam đã chia sẻ về vai trò của doanh nhân. Mượn lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Lộc nhấn mạnh: “Doanh nhân là nhạc trưởng tiên phong trong công cuộc phát triển đất nước”. Theo ông Lộc, trong giai đoạn đổi mới đất nước, Việt Nam đã đạt được thành quả giúp hàng chục triệu người dân thoát khỏi cảnh nghèo đói. Trong đó, đội ngũ doanh nhân Việt đã có đóng góp to lớn trong “công cuộc thoát nghèo vĩ đại” này. Trong tương lai, doanh nhân sẽ tiếp tục là lực lượng nòng cốt đưa Việt Nam thoát khỏi mức thu nhập trung bình, trở thành một quốc gia giàu có, hùng cường trong khu vực và trên thế giới.
Ông Lộc cho rằng, ngày nay doanh nhân không chỉ hướng đến lợi nhuận và còn quan tâm đến trách nhiệm xã hội. Doanh nhân không kinh doanh để cho riêng mình. Sự nghiệp và thương hiệu của doanh nhân là để đóng góp cộng đồng, cho đất nước. Vì vậy, đội ngũ doanh nhân xứng đáng được nhà nước quan tâm và tạo cơ hội phát triển.
Theo ông Lộc, hiện nay, hội nhập tự do phát triển, đồng thời chủ nghĩa dân tộc cũng trỗi dậy. Tính tự cường của nền kinh tế các nước được đẩy mạnh. Tuy vậy, ở nước ta, tính tự cường của đội ngũ doanh nhân dân tộc còn hạn chế. Trong giai đoạn tới, việc xây dựng đội ngũ doanh nhân dân tộc làm nòng cốt cho sự phá triển kinh tế là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đội ngũ doanh nhân dân tộc sẽ tiếp tục đóng góp để các quốc gia khác có thể đầu tư vào Việt Nam - một đất nước khởi nghiệp với nhiều cơ hội và giá trị kinh tế, chứ không phải đơn giản là nơi có nguồn lao động và tài nguyên giá rẻ.
Tại sự kiện, các diễn giả cũng đã bàn luận về những thách thức mà cộng đồng doanh nhân Việt Nam phải đối diện, đồng thời đưa ra lời khuyên để phát triển cộng đồng Việt Nam vững mạnh hơn.
Ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) cho biết, theo quy luật đào thải của thị trường, doanh nghiệp phải đối diện với nguy cơ cạnh tranh. Vì vậy, doanh nhân phải luôn trong tâm thế chuẩn bị sẵn sàng đối đầu. Đối với các doanh nhân trẻ, ông Thành khuyên: “Đừng bao giờ nghĩ doanh nghiệp mình nhỏ hay lớn mà hãy xét xem mình đã làm tốt hay chưa. Ta có thể ngưỡng mộ những tập đoàn lớn, nhưng không được có thái độ tự ti. Nếu không thì sẽ không thể phát triển được”.
Đồng quan điểm với ông Thành, ông Trần Lệ Nguyên – Tổng giám đốc tập đoàn Kido bổ sung, mặc dù hiện nay GDP Việt Nam đang phát triển tích cực nhưng các doanh nhân không được chủ quan. Ông Nguyên nhận định: “Tinh thần doanh nhân là phải không ngừng xây dựng. Chưa đến “phút 90” thì chưa được bỏ cuộc”. Trong thời kỳ hội nhập, các doanh nghiệp nước ngoài nở rộ, doanh nhân cần chú ý xây dựng thương hiệu, tạo lập giá trị để đứng vững trên thương trường.
Tại sự kiện, bà Lê Hoàng Diệp Thảo - Tổng Giám đốc Công ty TNHH TNI King Coffee nhận định rằng doanh nghiệp cần xác định đúng thế mạnh của và biết nắm bắt cơ hội trong giai đoạn hội nhập kinh tế. Chia sẻ câu chuyện của chính mình, bà Thảo cho biết, nhờ 25 năm phát triển Trung Nguyên và G7, bà Thảo đã xây dựng được danh tiếng và uy tín trên thị trường trong và ngoài nước. Nhờ đó, bà Thảo chủ động xác định phát triển King Coffee theo chiều rộng, mạnh dạn đưa cà phê Việt Nam ra thế giới. Bà Thảo cũng tham gia Triển lãm thế giới Expo 2020 Duba. Đây là sự kiện quy tụ 192 quốc gia, diễn ra 6 tháng tại Dubai. Tại đây, bà Thảo đã bán hàng cho 120 quốc gia, mở rộng thị trường cho King Coffee.
“Nếu chỉ tập trung vào một thị trường nhỏ, nhiều doanh nghiệp sẽ giành nhau cơ hội. Vì vậy, đừng chỉ tìm kiếm cơ hội trong nước mà nên nhìn rộng ra thế giới. Hiện nay, thế giới có nguy cơ đứng trước khủng hoảng lương thực. Nhu cầu lương thực, thực phẩm có thể tăng. Đó là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng”, bà Thảo khuyên.