Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức (thứ năm từ bên phải) chụp hình lưu niệm cùng đội ngũ CBCNV Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo Chí Cách Mạng Việt Nam. |
1. Lý do là từ tháng 3/1992, dù giấy phép cho ra “bản tin” nhưng Tổng biên tập - luật gia - nhà báo Hồ Ngọc Cứ và Phó Tổng biên tập - doanh nhân - nhà báo Ngô Văn Phương mạnh dạn “lách” nội dung, hình thức Thông tin Công Thương như một tạp chí.
Tháng 4/1999, khi được Hiệp hội Công Thương TP.HCM (năm 2004 đổi thành Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM) mời về phụ trách Thông tin Công Thương, nhà báo Nguyễn Minh Hiền đã cải tổ triệt để “tờ tin” thành tuần báo đúng nghĩa, ra ngày 23/6/1999 với tên gọi Sài Gòn Doanh Nhân.
Hai lần “xé rào” ấy tất nhiên bị cơ quan quản lý báo chí “thổi còi”, nhưng mọi chuyện đã được cho qua. Rồi phải hai năm sau, ngày 12/9/2001, có giấy phép chính thức mới ra bộ mới, vẫn mang tên Sài Gòn Doanh Nhân. Lại phải chờ giấy phép thêm hai năm nữa, đến ngày 16/7/2003, Sài Gòn Doanh Nhân được đổi tên thành Doanh Nhân Sài Gòn cho đến nay.
Như vậy, so với hầu hết những tờ báo khác trong nước, quá trình hình thành Tuần báo Doanh Nhân Sài Gòn là quãng thời gian khá dài, đến 9 năm!
Số báo Doanh Nhân Sài Gòn đầu tiên được làm tại Saigon Software Park - SSP (Trung tâm Công nghệ Phần mềm Sài Gòn). Thời mà Internet vẫn tặc tè quay số thì SSP đã có đường truyền Internet dùng riêng mà mãi mấy năm sau các nơi khác mới có.
Doanh Nhân Sài Gòn đã chọn “trái tim công nghệ” của TP.HCM làm trụ sở để có lợi thế của tốc độ truyền tin băng thông rộng, nhờ thế mà số báo phát hành sáng sớm ngày 12/9/2001 mới có tin thời sự nóng hổi: Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York bị đánh sập, trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ ở thủ đô Washington bị tấn công mấy tiếng đồng hồ trước.
Có thể nói SSP là trụ sở đầu tiên của Doanh Nhân Sài Gòn và từ đó cho đến nay phải thêm 7 lần... dời tòa soạn, tất cả đều thuê mướn!
Chưa nói đến tin tức có vẻ “giật gân” ấy, ngay manchette có chữ “Doanh Nhân” đã làm nhiều bạn đọc ngạc nhiên, bởi dù đã bước sang thời kỳ đầu đất nước đổi mới, từ “doanh nhân” vẫn còn rất xa lạ, ngay trong Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam cũng không có danh từ này, vì cho đến đầu những năm 1990, người ta còn gọi người kinh doanh là “con buôn”, thậm chí “gian thương”.
Từ “Sài Gòn” trên manchette cũng phải khó khăn lắm mới có được. Để có một tờ báo - nói trong phạm vi hẹp - cho giới doanh nhân là cả một quá trình đấu tranh để đổi mới cách nghĩ, cách làm.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến thăm đội ngũ CBCNV Doanh Nhân Sài Gòn vào năm 2006 tại tòa soạn 40D, Phạm Ngọc Thạch, P. 6, Q. 3. Trong ảnh Chủ tịch nước bắt tay TBT Nguyễn Minh Hiền. Bìa trái là Phó TBT Thanh Minh |
Những người gắn bó với Doanh Nhân Sài Gòn không thể quên những thiếu thốn trong những năm đầu ra báo. Được một thời gian ngắn, Doanh Nhân Sài Gòn hết hợp đồng với SSP - đơn vị tài trợ, cũng là đối tác quảng cáo. Khó khăn tài chính ập xuống, tòa soạn phải dời về căn hộ 20m2 trong một chung cư của Tổng biên tập Nguyễn Minh Hiền để “cầm cự”.
Có những phóng viên cả năm không lĩnh nhuận bút vì không có để trả hoặc quá ít để nhận, đến tổng biên tập cũng không có lương. Mỗi tuần là 7 ngày phải lo cho đủ bài vở vì cả cơ quan chỉ mươi người, phải lo “đàm phán khất nợ” với chủ nhà in.
Và mỗi sáng sớm thứ tư hằng tuần, phóng viên, biên tập viên phải rong ruổi khắp Sài Gòn để bán tờ báo mình làm ra đêm qua. Rồi từng đồng bạc lẻ bán báo dày lên đồng nghĩa với lượng bạn đọc tăng dần, số doanh nghiệp tin cậy ký hợp đồng giới thiệu sản phẩm ngày một nhiều. Những doanh nhân “đợt đầu” sau chủ trương đổi mới, như Nguyễn Hữu Hiền, Phạm Xuân Hồng, Ngô Trung Kiên, Lê Như Ái, Huỳnh Kim Báu, Cao Thị Ngọc Dung... đã nhiệt tình ủng hộ Doanh Nhân Sài Gòn cả vật chất lẫn tinh thần. Như vậy là Doanh Nhân Sài Gòn đã thấy trước những gì mình cần tìm.
Ra đời trong thời kỳ báo chí “nở rộ”, cạnh tranh khốc liệt, dù tiềm lực kinh tế bằng không, dù nhân sự ít ỏi nhưng với tiêu chí “cùng doanh nhân, vì doanh nhân”, Doanh Nhân Sài Gòn lại xin được giấy phép xuất bản Doanh Nhân Sài Gòn Cuối tuần, ngày 18/7/2003.
Doanh Nhân Sài Gòn Cuối tuần là một tuần báo “không giống ai”: khổ báo không phải A3 mà cũng chẳng phải A4, in giấy couche, giá cao ngất; nội dung thì ngoài những bài bàn luận về chuyện kinh tế, chuyện thế giới, chủ yếu là những trang mục giải trí, vui chơi, mua sắm mà doanh nhân rất cần trong những ngày cuối tuần, lại không thể tìm thấy trong những tờ báo khác.
Hai ấn phẩm của Doanh Nhân Sài Gòn chưa đáp ứng đủ nhu cầu bạn đọc nên tháng 4/2007, thị trường báo chí xuất hiện Doanh Nhân Sài Gòn Cuối tháng, rồi tháng 3/2010 ra mắt Doanh Nhân Sài Gòn Cuối tháng phiên bản song ngữ Việt - Anh. Cũng trong tháng đó, phiên bản điện tử của Doanh Nhân Sài Gòn “trình làng”...
Lớn mạnh dần, Doanh Nhân Sài Gòn lần lượt thành lập ba cơ quan đại diện, một ở Hà Nội (phụ trách địa bàn miền Bắc), một ở Đà Nẵng (phụ trách địa bàn miền Trung - Tây Nguyên), một ở Cần Thơ (phụ trách địa bàn đồng bằng sông Cửu Long).
2. Hai mươi năm qua, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, Doanh Nhân Sài Gòn đã có nhiều chương trình lớn không chỉ phục vụ doanh giới mà còn mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.
Trong số báo 38 ra ngày 14/4/2004, Tổng biên tập Nguyễn Minh Hiền đã đưa ra sáng kiến chọn ngày 13/10 - là ngày mà năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới công thương, hoan nghênh giới công thương đã đoàn kết lại thành Công Thương Cứu quốc Đoàn, kêu gọi công thương gia đem vốn làm ích nước lợi dân - là Ngày Doanh nhân Việt Nam để tôn vinh những người kinh doanh giỏi, luôn phụng sự xã hội.
Doanh Nhân Sài Gòn đã tổ chức diễn đàn trên tuần báo để lắng nghe ý kiến của doanh nhân, trí thức và quý vị lãnh đạo về việc có nên có Ngày Doanh nhân 13/10 hằng năm, lập tức Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Phạm Hảo Hớn và bạn đọc ủng hộ, đặc biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất hoan nghênh. Đề xuất Ngày Doanh nhân Việt Nam đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ chấp thuận với quyết định ngày 19/9/2004 do Thủ tướng Phan Văn Khải ký ban hành.
Tháng 10 tới đã là 17 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam được tổ chức long trọng, ấm cúng trên cả nước, không chỉ để tôn vinh đội ngũ doanh nhân mà còn khẳng định đất nước muốn giàu mạnh, không có con đường nào khác là xây dựng nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, mà doanh nhân, doanh nghiệp là đội ngũ tiên phong, là động lực quan trọng.
Tờ "Thông tin Công Thương", phiên bản đầu tiên của Doanh Nhân Sài Gòn |
Tháng 10 tới tròn 17 năm TP.HCM bình chọn và tuyên dương hằng năm những doanh nhân, doanh nghiệp đạt danh hiệu “Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu” và “Doanh nghiệp Sài Gòn tiêu biểu”, cũng là một sáng kiến của Doanh Nhân Sài Gòn ngay sau khi có Ngày Doanh nhân Việt Nam. Xin được nói thêm, hai danh hiệu này là tiền đề để mấy năm sau Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xây dựng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu”.
Một trong những sự kiện làm nên bản sắc Doanh Nhân Sài Gòn là ngày 13/10/2005 đã cho ra mắt Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn, tập hợp gần 500 doanh nhân, nhiều nhất là giới chủ và người điều hành những doanh nghiệp lớn, góp phần gắn kết đội ngũ doanh nhân “biết làm giàu - tôn trọng pháp luật - có trách nhiệm với xã hội”, luôn lấy tư tưởng kinh thương của danh nhân Lương Văn Can làm tôn chỉ hoạt động. Đến nay, dù đã trở thành một tổ chức độc lập, Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn vẫn phối hợp với Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức nhiều chương trình, nhiều sự kiện mang lại lợi ích thiết thực cho doanh giới và xã hội.
Trong những chương trình lớn góp phần làm nên thương hiệu Doanh Nhân Sài Gòn, không thể không kể đến Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can, khởi động từ tháng 3/2011, đến nay đã qua 9 kỳ thi, thu hút trên 23.000 sinh viên nhiều tỉnh - thành tham gia, đã có gần 180 sinh viên có đề án kinh doanh xuất sắc được trao giải với hơn 3,3 tỷ đồng và một số đề án đã trở thành hiện thực, đã thành công trong phong trào khởi nghiệp.
Doanh Nhân Sài Gòn còn tổ chức cuộc thi ảnh “Sài Gòn - Tết”, cuộc thi “Vai trò thương lái trong nền kinh tế thị trường”, đặc biệt cuộc thi ảnh “Tự hào hàng Việt” tổ chức định kỳ nhân dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam hằng năm để hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Gần đây nhất, ngày 7/10/2020, Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam và Đường Sách TP. HCM tổ chức Tuần lễ Doanh nhân và Sách năm 2020 với chủ đề “Đô thị thông minh”. Tuần lễ Doanh nhân và Sách sẽ tổ chức hằng năm, mỗi năm một chủ đề, là sự kiện văn hóa lớn, góp phần cổ vũ đọc và viết sách, chung tay xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam trí - tâm - tài - tín.
Tháng 9 này, Doanh Nhân Sài Gòn bước sang tuổi 20. Xem khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của chính mình, xem thành công của doanh nhân là thành công của chính mình, Doanh Nhân Sài Gòn đang nỗ lực đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức các ấn phẩm theo hướng gần gũi hơn với đời sống doanh nghiệp, luôn là diễn đàn, là bạn đồng hành của doanh giới.
Hai mươi năm - quãng thời gian chưa phải là dài, nhưng cũng không hẳn là ngắn đối với một tờ báo đi lên từ con số không, những 25, 30 năm và dài hơn nữa những cột mốc mới trong quá trình phát triển không ngừng của Doanh Nhân Sài Gòn.
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập (12/9/2001 - 12/9/2021), vào lúc 9 giờ sáng hôm nay Chủ Nhật, ngày 12/9, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức Lễ kỷ niệm trực tuyến với chủ đề: Một đội ngũ - Một tầm nhìn. Chương trình được phát trực tiếp trên Doanh Nhân Sài Gòn online, livestream trên fanpage của Tạp chí tại địa chỉ: https://www.facebook.com/tapchidoanhnhansaigon cũng như fanpage của các hội, câu lạc bộ Doanh nhân, Doanh nghiệp TP.HCM. |