Bốn doanh nhân tiêu biểu của TP.HCM nói về những thách thức khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và sắp tới là TPP..., nhân dịp ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.
Đọc E-paper
Cuối năm 2015, trong lần trò chuyện về vai trò của đội ngũ doanh nhân TP.HCM trong phát triển kinh tế, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM kể, khi hỏi các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP.HCM về sự thách thức của lần hội nhập này so với thời điểm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đa phần nhất trí là hội nhập sẽ rất nhanh, lộ trình để chuẩn bị không dài và mức độ "thương vong" lớn hơn.
Báo Doanh Nhân Sài Gòn đã có cuộc trò chuyện với ông Chu Tiến Dũng - Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn, bà Lê Thị Thanh Lâm - Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Sài Gòn Food, ông Nguyễn Phương Nam - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Robot, và bà Nguyễn Thị Điền - Tổng giám đốc Công ty May Thêu Đan Giày An Phước.
* Các FTA mang đến nhiều cơ hội cho hoạt động đầu tư, giao thương. Tuy nhiên, một khảo sát gần đây cho thấy, DN Việt chưa biết tận dụng ưu thế từ các FTA, trong khi DN nước ngoài làm rất tốt. Theo ông/bà, nguyên nhân do đâu?
- Ông Chu Tiến Dũng: Việt Nam đã ký kết 14 FTA song phương và đa phương với các nước và khu vực. Đây là cơ hội lớn để DN mở rộng thị trường đầu tư, kinh doanh, hợp tác nhằm gia tăng giá trị trong kinh doanh. Tuy nhiên, cho đến nay, phần lớn DN Việt Nam không những chưa tận dụng được các cơ hội nêu trên, mà còn bị thách thức bởi sức ép ngược lại.
Điều này xuất phát từ một số nguyên nhân như: nhận thức về các FTA và năng lực hội nhập quốc tế của DN còn hạn chế, Việt Nam chưa có nhiều DN mang tầm quốc tế và khu vực. Năng lực hội nhập và mở rộng thị trường nước ngoài của DN còn yếu, còn thụ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chưa chủ động điều chỉnh theo yêu cầu của hội nhập kinh tế. Nhận thức còn hạn chế sẽ là bất lợi rất lớn trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Ngoài ra, dường như chưa có sự phối hợp tốt giữa Chính phủ và DN trong việc chuẩn bị các nội dung cam kết trong các FTA, việc soạn thảo chủ yếu từ sự chủ quan của các cơ quan chính phủ, DN ít có cơ hội tham gia, trong khi đó, việc thực hiện các hiệp định này thành công hay không là do các DN Việt Nam quyết định. Vì thế, các DN Việt Nam hầu như chưa có tâm thế sẵn sàng đón nhận các hiệp định sau khi được ký kết.
Đó là chưa kể các DN cũng còn rất hạn chế trong việc hợp tác, liên kết với nhau để nâng cao chuỗi giá trị, giảm các chi phí khi vươn ra thị trường nước ngoài.
- Bà Nguyễn Thị Điền: DN nhận thấy những lợi thế do các FTA mang lại nhưng vẫn chưa tận dụng được vì nội lực yếu. Muốn khai thác, DN phải trang bị máy móc, thiết bị sản xuất... nhưng đầu tư thì phải có đủ tài lực, trong khi đa phần DN Việt Nam là DN nhỏ và vừa, và chủ yếu là gia công. Rất nhiều DN nhỏ và vừa cho biết họ không quan tâm các FTA sẽ tác động như thế nào đến DN mình, và cho rằng chỉ những DN quy mô lớn mới cần quan tâm, cần phải cải tiến để có thể cạnh tranh với đối thủ đến từ các nước. Đã vậy, muốn đầu tư thì phải vay vốn ngân hàng nhưng vướng lãi suất cao nên vòng luẩn quẩn này cứ lặp lại khiến DN đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
- Ông Nguyễn Phương Nam: Thực tế, 90% DN Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ. Nền kinh tế tư nhân chỉ mới hình thành và phát triển chưa đến ba thập kỷ, nên năng lực quản trị và cạnh tranh còn hạn chế. Ngoài ra, tinh thần hợp tác, liên kết của DN Việt Nam chưa cao, đây cũng là điểm yếu khi vươn ra thị trường thế giới.
Nhiều năm trước, DN trong nước vẫn còn suy nghĩ việc hội nhập kinh tế thế giới là của Nhà nước và Nhà nước phải hỗ trợ, dẫn dắt DN hội nhập, nên tốc độ hòa nhập, cạnh tranh của DN Việt chậm hơn DN nước ngoài. Tuy nhiên, gần đây, nhiều DN Việt Nam đã ý thức được việc phải tự vươn lên, vượt lên chính mình để cạnh tranh ngay trên sân nhà. Nhiều DN đã phát triển thành công ở thị trường nước ngoài và chính họ đã dẫn đường cho thương hiệu Việt Nam phát triển sau này.
* Trong cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch nước và giới doanh nhân mới đây tại TP.HCM, đại diện nhiều DN cho rằng, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của họ trong hội nhập là do các chính sách vĩ mô (thuế, thủ tục hành chính, tiếp cận vốn, lãi suất...) chưa thực sự tạo thuận lợi. Quan điểm của ông/bà về vấn đề này ra sao?
Bà Lê Thị Thanh Lâm |
- Bà Lê Thị Thanh Lâm: Hầu hết DN Việt Nam là DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ nên phần lớn nguồn tài chính dựa vào vốn vay ngân hàng, dù gần đây lãi suất ngân hàng có điều chỉnh nhưng vẫn cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Và chính vì lãi suất cao nên DN không dám mở rộng đầu tư.
Hơn nữa, các nguồn vốn vay ưu đãi hiện nay cũng không dễ tiếp cận và gần như những chính sách ưu đãi không đến được các DN tư nhân. Trong khi chính sách thuế, chẳng hạn như thuế nhập khẩu, không nhất quán, có nhiều kẽ hở, tạo điều kiện cho DN không chân chính luồn lách, né tránh...
Ngoài ra, tôi nhận thấy khả năng cạnh tranh của DN, hàng hóa trong nước cũng bị tác động bởi nhiều yếu tố khác, trong đó có vấn đề truyền thông. Hiện nay, xã hội đang xảy ra tình trạng khủng hoảng thông tin về thực phẩm không an toàn. Nhiều luồng thông tin gây ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng nhưng chúng ta lại không đưa tin tốt về các DN làm ăn chân chính.
Nền kinh tế đang mở rộng cửa, hàng ngoại ồ ạt vào Việt Nam, hệ thống phân phối rơi vào tay DN Thái Lan, giá thực phẩm của họ thực tế không thấp hơn hàng hóa trong nước nhưng lại có quá nhiều thông tin xấu về DN, sản phẩm nội địa khiến người tiêu dùng mất niềm tin với sản phẩm của DN Việt. Do đó, truyền thông cũng phải cùng chúng tôi dấy lên phong trào củng cố niềm tin của người tiêu dùng với hàng Việt, ủng hộ các DN làm ăn chân chính.
Về phía cơ quan quản lý có thể hỗ trợ DN thông qua việc tạo điều kiện để phát triển hệ thống phân phối trong nước, vì đây là "xương sống" để đẩy mạnh hoạt động sản xuất và tiêu thụ hàng hóa của DN, chẳng hạn như ưu tiên mặt bằng, vị trí tốt cho các nhà phân phối trong nước mở rộng hệ thống, hoặc giảm thuế đất, tiền sử dụng đất...
Một khi DN phân phối trong nước đủ mạnh thì các nhà sản xuất Việt Nam sẽ có vị thế khác khi đàm phán đưa hàng vào kênh phân phối hiện đại, thay vì phải phụ thuộc nhiều vào hệ thống phân phối ngoại. Thêm nữa, chúng tôi cũng rất mong muốn các tổ chức, hiệp hội DN, hội ngành nghề có định hướng, kế hoạch hành động rõ ràng để phát huy tối đa vai trò làm cầu nối nhằm gắn kết DN trong nước với nhau, đồng thời là tiếng nói đại diện cho DN trong nước tại các kênh phân phối ngoại.
- Ông Nguyễn Phương Nam: Thực tế nhiều năm qua, Chính phủ rất quan tâm đến nền kinh tế và hỗ trợ các DN sản xuất, kinh doanh bằng nhiều giải pháp. Tuy nhiên, cũng còn nhiều hạn chế, chậm trễ, chưa rõ ràng... trong quá trình thực hiện nên hiệu quả cũng chưa đạt như mong muốn.
Mức thuế của Việt Nam vẫn còn cao so với nhiều quốc gia có mức thuế thấp hơn và lãi suất bằng 0, chưa nói đến rất nhiều chi phí khác làm ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm nên khó cạnh tranh hơn. Trong tình hình hội nhập hiện nay, Nhà nước cần có thêm các chính sách hỗ trợ DN phát triển thị trường nước ngoài và ưu đãi xuất khẩu mạnh hơn nữa, có các chương trình, chính sách quảng bá rộng rãi cho các DN, các hội ngành nghề tiếp cận nhiều hơn.
Đặc biệt, nếu giảm được các mức thuế, phí, lãi suất thấp hơn càng tốt, các DN sẽ mạnh dạn đầu tư, tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập của người dân cũng sẽ tăng và khi có lợi nhuận họ cũng sẽ đóng góp cho ngân sách và phát triển nền kinh tế đất nước mạnh hơn.
Ông Chu Tiến Dũng |
- Ông Chu Tiến Dũng: Tôi đồng tình với nhận định này, mặc dù Chính phủ đang rất nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhưng năng lực cạnh tranh của Chính phủ, của cả nền kinh tế nước ta vẫn còn thấp hơn các nước tham gia FTA. Vì vậy, DN trong nước bên cạnh sự yếu kém về năng lực cạnh tranh còn phải đối phó với những bất lợi về chi phí thủ tục hành chính, chi phí vốn... nên càng khó khăn trong hội nhập và cạnh tranh bình đẳng với DN ngoại ngay cả trên sân nhà.
- Bà Nguyễn Thị Điền: Chính sách vĩ mô của Việt Nam chưa thực sự tạo thuận lợi cho DN phát triển, chẳng hạn như lãi suất ngân hàng. Trong khi các nước áp dụng mức lãi suất từ 2 - 3%, thậm chí một số nước còn ưu đãi ở mức 0% thì DN Việt Nam phải vay với lãi suất 8 - 9%. Đó là chưa kể DN phải gánh phí công đoàn 3%, phí bảo hiểm xã hội 22%... DN rất cần sự ổn định chính sách vĩ mô, ổn định hành lang pháp lý đối với ngành để tạo động lực phát triển.
* Việc bị DN ngoại "bao vây" từ phân phối cho đến nguồn cung hàng hóa phải chăng cũng xuất phát từ chính bản thân DN trong nước, chẳng hạn như vấn đề chậm đổi mới công nghệ khiến hàng hóa sản xuất ra có giá thành cao hơn, chưa chuẩn bị đúng, đủ tâm thế hoặc phương thức quản trị không còn phù hợp với tình hình mới?
- Ông Chu Tiến Dũng: DN trong nước không cải thiện được năng lực cạnh tranh (về sản phẩm, công nghệ, trình độ quản lý...) thì bị DN ngoại bao vây ngay trên sân nhà là điều tất yếu. Tuy nhiên, vai trò quản lý vĩ mô của Nhà nước cũng hết sức quan trọng.
Nếu Nhà nước không có lộ trình để cho DN trong nước chuẩn bị, củng cố năng lực cạnh tranh, không có các chính sách hàng rào kỹ thuật để bảo vệ DN trong nước, không tích cực cải thiện các điểm yếu về chính sách vĩ mô so với các nước khác thì DN trong nước chắc chắn sẽ bị mất dần thị trường ngay trên sân nhà.
- Ông Nguyễn Phương Nam: Đúng là nhiều DN Việt Nam cũng chậm chạp trong việc đầu tư đổi mới công nghệ, nâng tầm hệ thống quản lý và tiếp cận thị trường nước ngoài.
Đối với các DN nhỏ và vừa nếu chưa đủ khả năng phát triển thị trường nước ngoài trong thời điểm này thì phải quan tâm cải tiến chất lượng, giảm được giá thành sản phẩm, có dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt hơn để giữ vững thị phần trong nước, vì lợi thế của DN Việt Nam là sản phẩm làm ra có chất văn hóa Việt Nam, hiểu được người Việt Nam và sẽ luôn được người tiêu dùng trong nước ưu tiên ủng hộ nếu sản phẩm tốt, dịch vụ hậu mãi chu đáo, uy tín.
* Nếu so với lần hội nhập trước đây (cột mốc là Việt Nam tham gia WTO tháng 11/2006), hội nhập lần này (với những dấu mốc là AEC và TPP) diễn ra trong bối cảnh thế giới bước vào "cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4" mà ở đó đang có những thay đổi sâu rộng từ hệ thống sản xuất cho đến quản trị, theo ông/bà, cơ hội và thách thức có sự khác biệt ra sao?
- Ông Chu Tiến Dũng: Chúng ta đang chứng kiến "cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4" diễn ra trong đời sống hằng ngày, hàng loạt thiết bị công nghệ, mô hình quản trị và kinh doanh dựa trên hệ thống kết nối toàn cầu, ngày càng nhiều người sử dụng các thiết bị công nghệ để kết nối với internet, tiếp cận kho dữ liệu trực tuyến và cộng đồng mạng xã hội, khách hàng lớn, robot đã xuất hiện và dần thay thế một số khâu trong sản xuất, thậm chí là trong lĩnh vực dịch vụ như lễ tân.
Đối với DN, cuộc cách mạng này tạo ra những thách thức về ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý thông tin linh hoạt, kịp thời giữa các bộ phận chuyên trách, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý hoạt động sản xuất nhưng đồng thời cũng đem lại cơ hội là nắm bắt nhanh và đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng, xử lý nhanh khi có sự cố, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
Điểm chung của cả hai lần hội nhập là tạo ra cơ hội mở rộng thị trường, cải cách và thúc đẩy nhanh việc hoàn thiện các thể chế, đặc biệt là thể chế phải phù hợp với nền kinh tế thị trường, từ đó thúc đẩy hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh ngày một thuận lợi hơn cho DN. Tuy nhiên, thách thức đối với DN Việt Nam lớn hơn do xuất phát điểm về năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam thấp hơn so với DN ở các nước phát triển.
Do vậy, để thu hẹp khoảng cách, DN có thể thông qua việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới (trong sản xuất lẫn điều hành) để hiện đại hóa, trở thành DN hiện đại, tiên phong. Ở đây, chiến lược, tầm nhìn của lãnh đạo và trình độ, năng lực của nguồn nhân lực mang tính quyết định.
- Bà Nguyễn Thị Điền: Hội nhập lần này thách thức hơn rất nhiều. Câu nói "Thay đổi hay là chết" rất đúng trong thời điểm hiện nay. AEC đã hình thành, thị trường không chỉ gói gọn trong hơn 90 triệu dân mà đã mở ra với hơn 600 triệu người, nhưng điều bất hợp lý là đơn giá hàng trong nước vẫn cao so với các nước nên khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam rất thấp...
* Trong vai trò nhà lãnh đạo DN, theo ông/bà, đâu là hành trang cần và đủ để DN phát triển bền vững cũng như đủ sức "chiến đấu" trên sân nhà lẫn sân khách trong bối cảnh mới này?
Ông Nguyễn Phương Nam |
- Ông Nguyễn Phương Nam: Trước hết, mỗi DN phải tự tin trong định hướng sản xuất, kinh doanh của mình theo đúng năng lực cốt lõi và thế mạnh. Thứ hai, các lãnh đạo DN rất cần thay đổi tư duy quản lý theo xu hướng hiện đại, nghiên cứu và học hỏi các mô hình quản lý, tiếp thị hiệu quả và phải có sự sáng tạo, khác biệt hơn để thu hút khách hàng. Đặc biệt, đầu tư vào yếu tố con người, các tài năng trẻ luôn là những người tràn đầy sinh lực, nhiệt huyết và sáng tạo để sẵn sàng "chiến đấu" và phát triển DN lên tầm cao mới.
Thứ ba, các DN Việt Nam cần phải tập hợp lại thành một khối mạnh mẽ, dịch chuyển theo dòng chảy chung của cơn sóng kinh tế toàn cầu, đủ sức giữ thị trường hơn 90 triệu dân đang bị "xâm thực" và vươn mạnh ra thị trường thế giới bằng sự khác biệt về "chất" của hàng Việt Nam.
- Ông Chu Tiến Dũng: Tư tưởng người lãnh đạo DN phải luôn đổi mới, sáng tạo, chủ động vượt qua thách thức, có khả năng hoạch định và đề ra chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp trong từng điều kiện cụ thể.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo DN cần xác định đúng và phát huy lợi thế của DN, từ đó xác định đúng chiến lược sản phẩm, thị trường, chiến lược cạnh tranh để có kế hoạch tập trung đầu tư phát triển; đồng thời liên kết với các đối tác để phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường bên cạnh việc ứng dụng các công nghệ tiến bộ, tiêu chuẩn mới trong quy trình sản xuất và quản trị DN.
- Bà Nguyễn Thị Điền: DN phải thay đổi toàn diện. Sự thay đổi phải đến từ tư duy để có hành động và giải pháp phù hợp. Chúng tôi vẫn thường nói với công nhân: "Nếu các bạn không thay đổi tâm thế, cải tạo năng suất thì sẽ tự chết chìm". Trong thời điểm này, DN phải tự cứu mình trước khi chờ người khác cứu. Và để tự cứu mình, ngoài đầu tư trang thiết bị, máy móc, công nghệ quản trị hiệu quả, chúng tôi còn tổ chức đào tạo cán bộ, nhân viên, công nhân...
- Bà Lê Thị Thanh Lâm: DN Việt Nam trước hết phải xây dựng năng lực lãnh đạo, hệ thống quản trị minh bạch (trong tài chính, quan hệ, tư duy...). Nhà điều hành DN phải có tầm nhìn xa, xây dựng chiến lược phát triển lâu dài không chỉ vì những lợi ích trước mắt.
* Cảm ơn ông/bà về cuộc trò chuyện!
>4 thách thức hội nhập của doanh nghiệp Việt
>Giải mã áp lực hội nhập