Muốn xuất khẩu, đầu tiên hàng hóa phải được người tiêu dùng trong nước lựa chọn - Ảnh: T.Linh |
Trong thời hội nhập, các doanh nghiệp đều hướng ra "biển lớn", tìm cách đưa hàng đến các nước. Điều này sẽ rất tốt nếu doanh nghiệp đã có tiềm lực tài chính tốt, chất lượng sản phẩm đủ sức cạnh tranh với bất cứ hàng hóa của nước nào.
Thế nhưng, có một thực tế là rất nhiều doanh nghiệp chưa có thương hiệu, sản phẩm cũng chưa phải là tốt nhưng vẫn muốn bán hàng ở nước ngoài chứ không "quẩn quanh ở sân nhà". Với tư duy này cộng với kiểu làm ăn chụp giựt, chỉ nghĩ đến lợi nhuận nên sản phẩm của nhiều doanh nghiệp không đat yêu cầu của nhà nhập khẩu, bị trả về.
Việt Nam với hơn 90 triệu dân là thị trường rất hấp dẫn đối với doanh nghiệp nước ngoài, tại sao doanh nghiệp Việt lại bỏ ngỏ? Chia sẻ tại lễ hội Sức khỏe và Dinh dưỡng tổ chức tại TP.HCM cuối tuần qua, ông Aalok Pandit - Giám đốc Truyền thông tiếp thị Hiệp hội Bán lẻ Á - Phi cho rằng, lợi thế của các doanh nghiệp Việt Nam là tài nguyên bản địa đa dạng, phong phú.
Do vậy, cần khai thác tốt, xây dựng nền móng vững chắc bằng những tài nguyên đặc biệt này. Hãy chinh phục được người tiêu dùng trong nước trước khi bước ra thế giới. Thực phẩm, nông sản, gia vị, kể cả rau thơm của Việt Nam là những mặt hàng có thể xuất khẩu sang Ấn Độ và các nước châu Á khác.
Nhưng muốn xuất khẩu, theo ông Aalok Pandit, điều đầu tiên doanh nghiệp cần phải chú trọng là đầu tư cho chất lượng sản phẩm. Hiện nay, phần đông doanh nghiệp Việt là doanh nghiệp nhỏ, chưa có thương hiệu so với các doanh nghiệp của Thái Lan, Singapore, vì thế cần phải phát triển nội lực để có thể đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu. Muốn làm được điều này, doanh nghiệp cần liên kết để từng bước xác lập những tiêu chuẩn với các cấp độ từ thấp đến cao.
Các doanh nghiệp Việt nên kết hợp để tạo nên sức mạnh, phát triển thành từng nhóm để có thành quả tốt hơn. "Có rất nhiều tiêu chuẩn hàng hóa trên thế giới nhưng doanh nghiệp Việt Nam cần tự hào về sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Khi bước ra thế giới với những tiêu chuẩn được thế giới công nhận thì cánh cửa tiếp cận thị trường toàn cầu sẽ rất rộng mở", ông Aalok Pandit nói.
Ông Nguyên Văn Khôi - Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn (Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, xuất hàng sang các thị trường khó tính, doanh nghiệp thường gặp phải cả "rừng tiêu chuẩn" với hàng loạt chứng chỉ chứng nhận về hàng hóa. Đây là những hàng rào kỹ thuật được các quốc gia dựng lên để bảo vệ doanh nghiệp trong nước khi điều kiện về thuế quan đã được dỡ bỏ. Không những thế, doanh nghiệp còn gặp khó khăn về bao bì, nhãn mác, chỉ tiêu chất lượng để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu từ các nước.
Hiện nay, văn hóa tiêu dùng của người Việt đã được nâng cao theo hướng ưu tiên lựa chọn những sản phẩm hàng Việt chất lượng cao, như thực phẩm không chỉ ngon mà phải tốt cho sức khỏe. Bởi thế, các doanh nghiệp phải chú trọng đến chất lượng sản phẩm, bao bì, nhãn mác cũng như uy tín kinh doanh.
Khi đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng trong nước, là doanh nghiệp đã khai thác được một lượng khách hàng không nhỏ. Và khi đã đáp ứng tốt các yêu cầu của người tiêu dùng nội địa cũng có nghĩa doanh nghiệp có khả năng đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của dân nhiều nước.
Ở góc độ quản lý, Bộ Công Thương cần tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền, quảng bá hàng Việt, giúp người tiêu dùng trong nước biết đến sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ uy tín, có chất lượng của doanh nghiệp trong nước. Bộ cần có những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ, thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xây dựng được thương hiệu quốc gia cho nhiều sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.
Điều quan trọng không kém là tập trung nguồn lực đẩy mạnh phát triển thị trường, tổ chức truyền thông, góp phần xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt và tạo điều kiện giúp doanh nghiệp sản xuất nhiều hàng hóa có chất lượng cao, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.