Từ vụ việc của ROS
Việc Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng nhiều cá nhân liên quan đã bị khởi tố với tội danh thao túng giá cổ phiếu và tăng vốn khống tại ROS để chiếm đoạt tài sản mới đây đã ảnh hưởng đáng kể đến niềm tin thị trường.
Cụ thể, theo kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra, trong giai đoạn 2014-2016, Trịnh Văn Quyết đã tăng vốn khống tại FLC Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng trước khi niêm yết chính thức trên sàn HoSE và bắt đầu kéo giá cổ phiếu tăng gấp hàng chục lần, dẫn dụ nhà đầu tư mua vào để các cổ đông lớn thoát hàng, bất chấp cảnh báo rủi ro.
Đáng lưu ý là không riêng gì ROS, vốn các đơn vị còn lại thuộc Tập đoàn FLC cũng tăng chóng mặt trong thời gian ngắn. Đơn cử như năm 2010, vốn điều lệ của FLC tăng từ 18 tỷ đồng lên 170 tỷ đồng, số vốn tăng lên này được báo cáo nộp đủ nhưng sau đó lại được chi cho một công ty khác là cổ đông lớn của FLC (sở hữu 31% vốn). Việc tăng vốn dễ dàng bằng phương pháp tạo ra các bút toán đối ứng với phần vốn góp thông qua các bút toán cho vay, đầu tư, góp vốn, ứng tiền trước, ký quỹ, đặt cọc đã đẩy vốn điều lệ của FLC tăng vượt 7.000 tỷ đồng tính đến thời điểm hiện tại.
Niềm tin thị trường
Việc tăng vốn ảo là hiện tượng đã diễn ra nhiều năm với không ít công ty cả niêm yết và chưa niêm yết. Quy trình tăng vốn ảo có thể lắt léo, nhưng tựu trung là các cổ đông sáng lập nộp tiền góp vốn, lấy giấy phép thành lập, kinh doanh, rồi lại rút tiền ra. Nhiều doanh nghiệp (DN) ghi nhận vốn tăng thêm nhờ một số cổ đông góp vốn bằng bất động sản, theo đó giá trị bất động sản cũng bị định giá lên rất cao so với giá trị thực, tuy nhiên dòng tiền thực không có, công ty cũng không thể bán vốn là bất động sản góp vào.
Hoặc một số DN phát hành thêm cổ phiếu để hoán đổi nợ và tăng vốn. Theo đó, các công ty này phát sinh những khoản nợ vay để đầu tư hoặc góp vốn vào DN khác, đến thời hạn thanh toán thì liền phát hành cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ, theo đó chủ nợ sẽ thành cổ đông mới của DN. Đáng lưu ý, những chủ nợ này cũng thường có mối quan hệ chằng chịt về sở hữu hay kinh doanh với chính DN ấy.
Quay trở lại với việc FLC Faros, hành vi tăng vốn ảo của DN này rồi đưa lên sàn kéo giá cổ phiếu đã gây mất niềm tin của nhiều nhà đầu tư về sự giám sát thị trường. Thời điểm ROS niêm yết, bản cáo bạch niêm yết cũng chỉ rõ trước ngày chào sàn, FLC Faros đã ủy thác đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho các cá nhân, tổ chức, tuy nhiên công ty tư vấn niêm yết và cơ quan quản lý cấp phép niêm yết dường như lại "bỏ lơ” và thiếu sự cảnh báo.
Thời điểm ROS niêm yết, bản cáo bạch niêm yết chỉ rõ trước ngày chào sàn, DN này đã ủy thác đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho các cá nhân, tổ chức, tuy nhiên công ty tư vấn niêm yết và cơ quan quản lý cấp phép niêm yết dường như "bỏ lơ” và thiếu sự cảnh báo.
Điều ấy gây ra lo ngại liệu còn bao nhiêu DN đã và đang có hành vi tương tự như ROS và có bị thanh tra, phanh phui trong thời gian tới hay không. TTCK trong những phiên gần đây có lẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng từ sau thông tin việc ROS tăng vốn ảo bị phanh phui. Về dài hạn, vụ việc này cũng sẽ gây mất niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng lên mục tiêu nâng hạng thị trường. Cần biết rằng, trong quá khứ cổ phiếu ROS thời điểm giá đỉnh cao đã được lọt vào rổ VN30 và được các quỹ cơ cấu mua vào.
Ngày 6/9/2022, Bộ Tài chính thông tin về việc Bộ trưởng Hồ Đức Phớc có chỉ thị về việc tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn, ổn định TTCK. Ông Phớc đề nghị các đơn vị thẩm định chặt chẽ hồ sơ đăng ký niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán của DN, chú trọng chất lượng, đảm bảo tính chính xác của hồ sơ, đặc biệt là lưu ý các công ty có hiện tượng tăng vốn nhanh và các công ty mới thành lập, doanh thu chưa tương xứng với quy mô vốn, chưa có sản phẩm, định hướng kinh doanh rõ ràng...
Mặt khác, các đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra toàn diện hoạt động của DN kế toán, kiểm toán, của các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ niêm yết. Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ động thanh tra, giám sát việc phát hành tăng vốn của các công ty đại chúng, niêm yết trên sàn chứng khoán, phối hợp các sở giao dịch chứng khoán tăng cường hơn nữa việc công bố thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, kịp thời cảnh báo nhà đầu tư về các hiện tượng bất thường trên thị trường. Các sở cần có cơ chế công bố thông tin, phân tích về hoạt động, tình hình tài chính của DN có mã chứng khoán đang được giao dịch bất thường, đột biến.