Trong nước

Doanh nghiệp kỳ vọng cơ hội đầu tư từ quy hoạch chung TP. Thủ Đức

Hưng Khánh 06/02/2025 11:25

Đồ án quy hoạch chung TP. Thủ Đức thuộc TP.HCM đến năm 2040 vừa được công bố, xác định Thủ Đức là đô thị loại 1 thuộc TP.HCM, là trung tâm phía đông về kinh tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ, văn hóa, giáo dục đào tạo...

Tại Hội nghị công bố Đồ án quy hoạch chung TP. Thủ Đức thuộc TP.HCM đến năm 2040 và xúc tiến mời gọi đầu tư vào TP. Thủ Đức, do UBND TP.HCM tổ chức sáng nay (6/2), TP. Thủ Đức được xác định là đô thị loại 1 thuộc TP.HCM, giữ vai trò đầu mối giao thông quan trọng của vùng Đông Nam Bộ với các loại hình vận tải gồm đường bộ, đường sắt, hàng hải và đường thủy nội địa. Đồng thời TP. Thủ Đức cũng là trung tâm phía đông về kinh tế, khoa học - kỹ thuật và công nghệ, văn hóa, giáo dục - đào tạo phía đông TP.HCM, với quy mô dân số dự kiến đạt khoảng 1,8 triệu người vào năm 2030, 2,6 triệu người vào năm 2040 và khoảng 3 triệu người sau năm 2040.

Quy hoạch mới với nhiều đột phá

Không gian TP. Thủ Đức được chia thành 9 phân vùng tương ứng với 11 trọng điểm phát triển gắn với giá trị văn hóa, lịch sử và tiềm năng lợi thế riêng, đã được nghiên cứu, phản biện khoa học được kỳ vọng phát huy tối đa giá trị của mỗi phân vùng, làm động lực phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, kiến tạo cơ hội việc làm, cung cấp tiện ích xã hội chất lượng cao cho người dân. Trong đó các trọng điểm phát triển cũng là những trung tâm đổi mới, sáng tạo để hình thành nền kinh tế tri thức, phát triển theo xu hướng đô thị thông minh.

shutterstock_2489839199.jpg
Không gian TP. Thủ Đức được chia thành 9 phân vùng tương ứng với 11 trọng điểm phát triển

Quy hoạch chung lần này sẽ tác động tích cực sâu rộng đến nhiều mặt của TP. Thủ Đức, từ công tác quản lý điều hành của cấp chính quyền cũng như hoạt động của người dân và doanh nghiệp, mở ra nhiều hướng phát triển mới nhờ vào tính kết nối và đồng bộ thông qua 9 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 từ Quy hoạch chung được duyệt, từ đó sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn trong công tác cấp phép xây dựng và các nhu cầu chính đáng khác cho người dân và doanh nghiệp.

Hạ tầng giao thông sẽ mở ra nhiều không gian mới như phát triển 09 tuyến đường sắt đô thị và liên vùng kết nội tại TP. Thủ Đức với phần còn lại của TP.HCM và sân bay quốc tế Long Thành, đáp ứng 50 - 60% nhu cầu đi lại; phát triển đô thị theo theo định hướng gắn với giao thông công cộng (TOD); phát triển nhiều tuyến đường mới, có tính kết nối liên vùng như tuyến đường nối Liên cảng Cát Lái - Phú Hữu - Nút giao Vành Đai 3 - Cao tốc TP.HCM - Long Thành Dầu Giây, tuyến nối đường Vành đai 2 vào cao tốc TP.HCM - Chơn Thành.

Không gian đô thị được quy hoạch lấy không gian cây xanh mặt nước làm trung tâm, tổ chức hệ thống sông, kênh, rạch (sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Tắc, rạch Chiếc, rạch Trau Trảu, rạch Gò Công, rạch Ông Nhiêu…) gắn kết với hệ thống công viên cây xanh sử dụng công cộng, hình thành nên khung cấu trúc không gian đặc sắc, đồng thời có vai trò là các hành lang trữ và thoát nước.

TP. Thủ Đức sẽ tăng diện tích đất cho công trình giáo dục cấp đô thị lên gần 5 lần, tăng diện tích đất cho các cơ sở y tế cấp đô thị lên hơn 10 lần, tăng diện tích đất cho các công trình văn hóa và thể dục thể thao cấp đô thị lên khoảng 3 lần, trong đó, bao gồm khu Liên hợp thể thao quốc gia tại khu vực Rạch Chiếc cũng như diện tích công viên cây xanh sẽ đạt 1.800 ha.

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức Hoàng Tùng nhận định rằng, quy hoạch chung TP. Thủ Đức đến năm 2040 được phê duyệt có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của thành phố, là cơ sở pháp lý quan trọng để định hướng phát triển không gian, tổ chức hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, quy hoạch sử dụng đất… nhằm khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2040 đưa TP. Thủ Đức phát triển trở thành đô thị sáng tạo, tương tác cao, khu vực dẫn dắt kinh tế TP.HCM, vùng đô thị TP.HCM thông qua các hoạt động kinh tế tri thức; bước đầu trở thành trung tâm tài chính của quốc gia, hướng tới khu vực quốc tế.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá rằng, Đồ án quy hoạch chung TP. Thủ Đức được phê duyệt đóng vai trò quan trọng trong việc cụ thể hóa quy hoạch TP.HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, được công bố vào đầu năm nay. Đây cũng là cơ hội để tận dụng tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98 của Quốc hội nhằm thúc đẩy sự phát triển của TP.HCM.

Trên hết, quy hoạch này mở ra động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho TP.HCM, khẳng định vị thế là đô thị sáng tạo, tương tác cao và trở thành cực tăng trưởng mới của khu vực. Qua đó, TP.HCM tiếp tục củng cố vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước, vững bước cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên phát triển mới, đánh dấu sự trỗi dậy mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam.

anh-man-hinh-2025-02-06-luc-08.52.28.png
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Đồ án quy hoạch chung TP. Thủ Đức được phê duyệt sẽ mở ra động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho TP.HCM

Để quy hoạch này triển khai có hiệu quả, Chủ tịch Phan Văn Mãi chỉ đạo tổ chức công bố rộng rãi đồ án quy hoạch chung TP. Thủ Đức đến từng địa phương, hộ dân, nội dung phải cụ thể dễ hiểu để thực hiện đúng, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Bên cạnh đó, TP. Thủ Đức phải phối hợp các sở ngành lên kế hoạch chi tiết theo quy hoạch được duyệt, triển khai thủ tục, khảo sát thực hiện, hiện trạng thực tế, có kế hoạch làm việc từng vùng, địa bàn cụ thể để xây dựng kế hoạch phát triển trong từng giai đoạn.

"Chậm nhất tháng 9 năm nay TP Thủ Đức phải hoàn thành các quy hoạch phân khu", ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Đồng thời, cần tập trung nguồn lực hoàn thành khu Thủ Thiêm gắn với trung tâm tài chính quốc tế, hoàn thiện đầu tư khu đô thị đại học, mở rộng khu công nghệ cao trước 2030, tăng cường liên kết các địa bàn giáp ranh, đơn vị bạn như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu... gắn với phát huy thế mạnh lợi thế của từng địa phương.

Doanh nghiệp kỳ vọng cơ hội mới

Ông Trần Việt Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP XNK Nam Thái Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP. Thủ Đức, nhận định rằng không chỉ doanh nghiệp tại TP. Thủ Đức hay TP.HCM, mà cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước đã mong chờ quy hoạch này từ lâu, và nay kỳ vọng đó đã trở thành hiện thực.

Với vai trò là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, TP.HCM nói chung và TP. Thủ Đức nói riêng sở hữu nhiều khu công nghiệp, khu công nghệ cao, trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút mạnh mẽ doanh nghiệp trong và ngoài nước. Việc quy hoạch bài bản, đồng bộ với hệ thống hạ tầng hiện đại, từ các tuyến đường vành đai, trường đại học đến khu công nghệ cao... sẽ mở ra một chương mới trong sự phát triển của TP. Thủ Đức.

Đồng thời, Đồ án quy hoạch chung sẽ tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư; là cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch phát triển ngắn hạn và dài hạn tại TP. Thủ Đức.

"Tuy nhiên, để quy hoạch chung sau khi công bố có thể phát huy được hết hiệu quả thì cần triển khai sớm, nhanh chóng. Các doanh nghiệp kỳ vọng chính quyền địa phương sẽ có những cơ chế hỗ trợ kịp thời, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý để hiện thực hóa các định hướng phát triển, tạo động lực thúc đẩy kinh tế TP. Thủ Đức và TP.HCM nói chung...", ông Việt Anh nói.

z6291951209674_618b67f20983e8ad7e122910a1a82267.jpg
Theo ông Trần Việt Anh, không chỉ doanh nghiệp tại TP. Thủ Đức hay TP.HCM, mà cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước đã mong chờ quy hoạch này từ lâu

Ông Trần Văn Mười - Chủ tịch HĐQT Công ty Nhà đất Nhân Mười, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP. Thủ Đức cho rằng, việc Đồ án quy hoạch chung được công bố là tin vui đối với cộng đồng doanh nghiệp, mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư muốn phát triển tại TP. Thủ Đức. Nếu được triển khai hiệu quả, quy hoạch chung không chỉ tạo động lực phát triển cho TP.HCM mà còn giúp Thành phố "theo kịp, đuổi vượt" với các nước trong khu vực.

"Sau khi quy hoạch chung đã có, điều quan trọng nhất là tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư tiếp cận các dự án thông qua việc cải thiện hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính và thủ tục đầu tư, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí. Việc triển khai quy hoạch cần được thực hiện nhanh chóng, tránh kéo dài, gây tâm lý chờ đợi và làm nản lòng doanh nghiệp...", ông Mười nhấn mạnh.

anh-man-hinh-2025-02-06-luc-10.58.16.png
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, muốn phát triển bền vững phải căn cứ vào quy hoạch chung

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhấn mạnh rằng quy hoạch đóng vai trò cốt lõi trong việc phát triển bền vững. Quy hoạch chung TP. Thủ Đức, tiếp nối quy hoạch tổng thể của TP.HCM, không chỉ định hướng sự phát triển đồng bộ mà còn là nền tảng để hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm sáng tạo, tương tác cao và phát triển bền vững trong tương lai.

Với một quy hoạch bài bản và tầm nhìn chiến lược, TP. Thủ Đức sẽ ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngược lại, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể kỳ vọng vào những cơ hội đầu tư tiềm năng trong thời gian tới.

"Để làm được điều đó, các doanh nghiệp mong muốn việc phân cấp thẩm quyền được thực hiện mạnh mẽ hơn cho TP. Thủ Đức để Thành phố có thể chủ động hơn trong việc phê duyệt các dự án, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư", ông Châu đề xuất.

Tại Hội nghị, các nhà đầu tư đã được giới thiệu bức tranh đầu tư tổng thể với 535 dự án trên địa bàn TP. Thủ Đức với 5 loại hình đầu tư với tổng nguồn vốn trên 800 nghìn tỷ đồng, gồm: Các dự án đầu tư theo phương thức đấu giá quyền sử dụng đất; Các dự án theo phương thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; Các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP); Các dự án đầu tư theo phương thức khác theo luật đầu tư; Các dự án đầu tư theo nguồn vốn đầu tư công.

TP. Thủ Đức cũng đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 12 dự án phát triển nhà ở trong năm 2024 với tổng vốn đăng ký hơn 33 nghìn tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp kỳ vọng cơ hội đầu tư từ quy hoạch chung TP. Thủ Đức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO