Toàn cảnh

Doanh nghiệp không đơn độc trong cuộc chiến chống hàng giả (Bài 2)

Hạo Hiển 03/06/2025 15:58

Không chỉ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, hàng giả còn đẩy các doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính vào thế khó trong việc bảo vệ thương hiệu. Cuộc chiến chống hàng giả vì thế cần sự chung tay từ cả cơ quan chức năng, DN, người tiêu dùng, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ.

DN “khóc ròng”

Hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng trước hết gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng. Không dừng lại ở đó, tình trạng này cũng gây thiệt hại nặng nề cho các DN làm ăn chân chính. Ông Nguyễn Ngọc Luận - Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu kể rằng, cuối năm ngoái, một đối tác của công ty phát hiện có sản phẩm giả mạo thương hiệu Meet More của Toàn Cầu. Qua kiểm tra, ông phát hiện một số cơ sở sản xuất ở tỉnh Lâm Đồng đóng gói cà phê trong bao bì na ná Meet More, chỉ khác một chữ cái trong thương hiệu, tức Meet More bị biến thành Meet Moree.

Theo ông Luận, vụ nhái thương hiệu này đã làm giảm đáng kể lượng sản phẩm bán ra của công ty, giảm uy tín của công ty với người tiêu dùng, khiến công ty ông phải tốn nhân sự và thời gian để giải quyết vụ việc. Nhưng tác động lớn nhất của việc làm nhái, làm giả sản phẩm là khiến những nhà sản xuất, kinh doanh chân chính rất nản lòng.

Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại TP.HCM, cho biết, hiện nay, các DN làm ăn chân chính đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn khi tự mình chống lại vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Mặc dù phải bỏ ra nhiều chi phí và công sức, nhưng kết quả thu được lại rất hạn chế. Ông dẫn chứng một trường hợp cụ thể: có DN là nhà phân phối độc quyền cho một thương hiệu đã phát hiện điểm bán hàng giả ngay tại thị trường nội địa, song khi muốn khởi kiện thì lại gặp khó ở khâu chứng minh. "DN phải chứng minh đó là hàng giả, đồng thời chứng minh được thiệt hại thực tế mà công ty mình phải gánh chịu là điều không hề dễ dàng", ông nói.

Không những thế, theo ông Hưng, quy trình xử lý từ phía cơ quan chức năng còn khá chậm, trong khi chế tài đưa ra không đủ sức răn đe. Điều này khiến nhiều DN cảm thấy nản lòng, thậm chí buộc phải làm ngơ.

hang-gia-2.jpg
Giảm hàng giả bằng cách dùng công nghệ truy xuất nguồn gốc

Công nghệ “tấm khiên” chống hàng giả

Ông Nguyễn Viết Hồng - Tổng giám đốc Vina CHG cho rằng, việc ứng dụng chuyển đổi số để chống hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không chỉ giúp rút ngắn thời gian, tiết kiệm nguồn nhân lực và chi phí, mà còn tạo ra sự linh hoạt và chủ động cho DN.

Để triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực chống hàng giả một cách hiệu quả, DN cần chú trọng ứng dụng các công nghệ chống giả trên nền tảng số, có khả năng nhận diện, xác thực hàng thật giả nhanh, đảm bảo độ bảo mật cao, truy xuất nguồn gốc và minh bạch thông tin, đồng thời hỗ trợ DN quản trị hàng hóa, quản lý kho, kênh phân phối, định danh và theo dõi và truy vết đường đi sản phẩm.

Ông Hồng cũng đề xuất giải pháp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và chống giả bằng việc tích hợp QR code trên bao bì.

Ngoài ra, sự phát triển của các nền tảng thương mại điện tử cũng đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng hệ thống kiểm duyệt và cảnh báo tự động. Một số sàn giao dịch lớn đã ứng dụng công nghệ để kiểm tra nội dung đăng bán, tự động phát hiện từ khóa liên quan đến sản phẩm vi phạm, giúp hạn chế tình trạng hàng giả xuất hiện tràn lan như trước đây.

Tuy nhiên, để công nghệ phát huy hiệu quả thực sự, cần có sự đầu tư nghiêm túc từ DN và cơ chế phối hợp chặt chẽ từ phía các cơ quan quản lý. Bởi công nghệ chỉ là công cụ, việc sử dụng hiệu quả hay không phụ thuộc vào ý chí, cam kết và khả năng triển khai của cả hệ sinh thái chống hàng giả từ nhà sản xuất, nhà phân phối đến người tiêu dùng và lực lượng chức năng.

Không để DN “đơn độc”

Trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, DN chính là tuyến đầu, nơi trực tiếp gánh chịu thiệt hại về doanh thu, uy tín thương hiệu và niềm tin của người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều DN vừa và nhỏ, không đủ khả năng đầu tư hệ thống chống giả công nghệ cao, cũng không đủ nhân lực để theo dõi, thu thập chứng cứ, theo đuổi kiện tụng. Trong khi đó, những đối tượng làm hàng giả thường tổ chức bài bản, tinh vi và sẵn sàng thay đổi hình thức, phương thức hoạt động để né tránh chế tài. Nếu chỉ trông chờ vào nỗ lực cá nhân của từng DN, cuộc chiến này sẽ rất khó đi đến thắng lợi.

Vì vậy, hơn bao giờ hết, việc chống hàng giả cần được nhìn nhận như một trách nhiệm chung, trong đó cơ quan quản lý nhà nước giữ vai trò trung tâm điều phối, hỗ trợ và bảo vệ DN chân chính. Cần có cơ chế pháp lý rõ ràng, minh bạch để xử lý nhanh, mạnh và dứt điểm các vụ vi phạm, đồng thời đơn giản hóa thủ tục để DN dễ tiếp cận công lý. Việc phối hợp giữa các lực lượng như quản lý thị trường, công an kinh tế, hải quan và các hiệp hội ngành nghề cũng cần được thúc đẩy mạnh mẽ để tạo ra một mạng lưới hành động đồng bộ, hiệu quả.

Song song đó, các cơ quan quản lý cần tăng cường tuyên truyền tới người tiêu dùng, trang bị kiến thức để họ trở thành “lá chắn” đầu tiên chống lại hàng giả. Khi người tiêu dùng biết cách nhận diện sản phẩm thật - giả, chủ động kiểm tra nguồn gốc và kiên quyết nói không với hàng kém chất lượng, thì hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả mới thực sự bị đẩy lùi.

Khảo sát của Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2024 cho thấy: 78% DN từng bị làm giả; 36% bị ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu. Một số DN mất đến 30-40% thị phần vào tay hàng giả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp không đơn độc trong cuộc chiến chống hàng giả (Bài 2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO