Doanh nghiệp gạo, cà phê kiến nghị miễn thuế GTGT để duy trì năng lực cạnh tranh xuất khẩu
Việc áp dụng thuế GTGT 5% đối với mặt hàng gạo và cà phê xuất khẩu đang tạo ra nhiều hệ lụy về tài chính và thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Trước tình hình đó, các hiệp hội ngành hàng kiến nghị Chính phủ sớm đưa hai mặt hàng chiến lược này ra khỏi diện chịu thuế, nhằm duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu và ngăn chặn nguy cơ suy giảm sức cạnh tranh.
Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) mới đây đã gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đề xuất đưa sản phẩm cà phê nhân sống xuất khẩu ra khỏi diện chịu thuế GTGT.
Theo VICOFA, hiện nay hơn 85% sản lượng cà phê nhân Việt Nam được xuất khẩu, trong khi tiêu thụ nội địa chỉ chiếm chưa đến 15%. Do vậy, phần lớn cà phê nhân khi bị đánh thuế GTGT đều phải thực hiện hoàn thuế sau đó.
Quy trình này không những làm phát sinh chi phí và thủ tục hành chính, mà còn tạo áp lực lớn về tài chính đối với doanh nghiệp khi họ phải tạm nộp thuế trước và chờ hoàn thuế sau.
Bên cạnh đó, VICOFA cảnh báo rằng việc áp thuế GTGT đối với cà phê nhân trong giai đoạn trước năm 2013 từng gây ra hàng loạt bất cập, trong đó có tình trạng gian lận hoàn thuế và thất thu ngân sách. Chính vì vậy, từ năm 2013, cà phê nhân đã được đưa vào danh mục không chịu thuế GTGT.

Tuy nhiên, theo Luật Thuế GTGT số 48/2024/QH15 và Nghị định 181/2025/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1/7/2025), cà phê nhân sống một lần nữa bị đưa trở lại danh mục chịu thuế GTGT 5%.
Việc này, theo VICOFA, không chỉ đi ngược lại tinh thần hỗ trợ xuất khẩu mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến dòng tiền, chi phí sản xuất và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế.
Tương tự, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng đã gửi kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, đề xuất đưa mặt hàng gạo xuất khẩu ra khỏi diện chịu thuế GTGT nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành lương thực.
VFA cho biết, quy định áp thuế GTGT 5% tại các khâu thương mại khiến giá vốn tăng cao, trong khi các tổ chức tín dụng không giải ngân phần thuế này khi cấp vốn lưu động. Điều đó khiến doanh nghiệp phải tự xoay xở nguồn vốn để nộp thuế tạm thời, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh và khả năng thu mua nguyên liệu.
Ngoài áp lực tài chính, VFA còn cảnh báo nguy cơ doanh nghiệp trung gian lợi dụng chính sách thuế để chiếm dụng tiền hoàn thuế, gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Điều này cũng khiến các doanh nghiệp xuất khẩu chính danh gặp khó khăn trong quá trình hoàn thuế, làm chậm trễ kế hoạch sản xuất - kinh doanh và giảm khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam.
Theo số liệu thống kê, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt mức kỷ lục 5,67 tỷ USD, trong khi ngành cà phê cũng lập mốc mới với gần 5,7 tỷ USD. Riêng 6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu cà phê đạt khoảng 5,5 tỷ USD, còn gạo mang về 2,45 tỷ USD.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu biến động và xu hướng bảo hộ gia tăng tại nhiều thị trường nhập khẩu, việc duy trì chính sách hỗ trợ thuế khóa cho các mặt hàng nông sản chiến lược là yếu tố then chốt để giữ vững đà tăng trưởng.
Các hiệp hội ngành hàng cho rằng nếu không có biện pháp điều chỉnh kịp thời, Việt Nam có thể sẽ đánh mất lợi thế trong cuộc cạnh tranh xuất khẩu nông sản quốc tế.