Doanh nghiệp đề phòng rủi ro tỷ giá cuối năm

Khánh Phương| 22/09/2019 06:00

Trước diễn biến thị trường tiền tệ quốc tế trở nên khó lường và tỷ giá trung tâm liên tiếp được điều chỉnh từ đầu tháng 8/2019 đến nay, doanh nghiệp đang vay ngoại tệ có lý do để lo ngại về nguy cơ thiệt hại tỷ giá ngoài mong muốn.

Doanh nghiệp đề phòng rủi ro tỷ giá cuối năm

Dư nợ tín dụng ngoại tệ

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng huy động vốn 6 tháng đầu năm 2019 là 6,09%, tăng trưởng tín dụng là 7,33% và tổng phương tiện thanh toán là 6,05%. Tuy nhiên, các số liệu về hoạt động ngân hàng công bố gần đây không cho thấy được tăng trưởng tín dụng và tiền gửi ngoại tệ của hệ thống ngân hàng.

Số liệu chia sẻ về tăng trưởng tín dụng ngoại tệ gần nhất là trong một báo cáo của NHNN tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế Quốc hội ngày 25/4/2019, theo đó cho biết tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đến ngày 17/4/2019 đạt 7,62% so với đầu năm, cao hơn gấp đôi so với mức tăng trưởng tín dụng VND là 2,93% tại thời điểm đó.

Về dư nợ cho vay xuất khẩu, theo báo cáo của NHNN 6 tháng đầu năm 2019 cũng tăng 15,5% so với đầu năm, tức đạt gần 250 nghìn tỷ đồng vào cuối tháng 6/2019, tương ứng khoảng 11 tỷ USD. Đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp xuất khẩu, dù được tiếp cận lãi suất vay ưu đãi, mà vừa qua một loạt ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên thêm 0,5% xuống chỉ còn 5,5%, nhưng đôi khi những rủi ro về tỷ giá có thể xóa nhòa lợi ích nhận được từ chính sách lãi suất vay ưu đãi.

Theo báo cáo tài chính bán niên của một số ngân hàng có thế mạnh về ngoại hối, như Vietcombank dư nợ cho vay ngoại tệ vào cuối tháng 6/2019 đạt gần 91,3 nghìn tỷ đồng, tăng gần 7% so đầu năm. Tại BIDV là hơn 100 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh 12% so với đầu năm; Vietinbank là gần 85 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so đầu năm. Như vậy, chỉ riêng ba ngân hàng TMNN này thì dư nợ cho vay ngoại tệ đã lên tới hơn 276 nghìn tỷ đồng.

Lo ngại rủi ro tỷ giá

Trong bối cảnh đồng USD liên tục tăng giá mạnh trên thị trường quốc tế cùng với diễn biến phá giá mạnh đồng nhân dân tệ của Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC), những áp lực lên tiền đồng là rất lớn trong thời gian gần đây. Hệ quả là trong tháng 8/2019 vừa qua, tỷ giá trung tâm do NHNN niêm yết phải điều chỉnh tăng mạnh thêm 60 đồng so với tháng trước, cao hơn cả mức tăng tổng cộng chỉ có 45 đồng của ba tháng trước đó cộng lại, dù nguồn cung ngoại tệ đổ vào trong nước tiếp tục dồi dào.

Dù thị trường ngoại hối trong nước vẫn nằm trong tầm kiểm soát, nhưng trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung vẫn đang ở mức cao, cộng với diễn biến các nước thay phiên nhau làm suy yếu đồng tiền của mình, thì rủi ro lên tỷ giá trong những tháng kế tiếp là khó nói trước.

Trong nhiều năm trở lại đây, NHNN thường cam kết giữ ổn định tỷ giá và kiểm soát tỷ lệ mất giá đồng nội tệ không quá 2% mỗi năm. Sự cam kết này đã giúp các doanh nghiệp lường trước được rủi ro tỷ giá trong dự toán hoạt động kinh doanh, cũng như có các giải pháp bảo hiểm thông qua các sản phẩm hợp đồng kỳ hạn hay quyền chọn ngoại tệ. 

Đáng lưu ý là theo Thông tư số 42/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN, các ngân hàng thương mại chính thức chấm dứt việc cho vay ngoại tệ đối với các doanh nghiệp có nhu cầu vay ngoại tệ trung dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ. Thay vào đó, các doanh nghiệp có nhu cầu ngoại tệ ngắn hạn phải chuyển từ vay sang mua ngoại tệ trên thị trường hoặc vay vốn bằng VND.

Tuy quy định trên nhằm thực hiện lộ trình kiểm soát cho vay ngoại tệ theo hướng thu hẹp các nhu cầu vay vốn, chuyển dần quan hệ huy động vốn và cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua bán ngoại tệ, từ đó hướng đến việc giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ trên tổng dư nợ tín dụng, tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, thì trong ngắn hạn nhu cầu ngoại tệ để tất toán các khoản vay ngoại tệ đúng hạn có nguy cơ tăng đột biến theo thời điểm trên, do đó cũng có thể gây ra những áp lực lên tỷ giá. 

Trong nhiều năm trở lại đây, NHNN thường cam kết giữ ổn định tỷ giá và kiểm soát tỷ lệ mất giá đồng nội tệ không quá 2% mỗi năm. Sự cam kết này đã giúp các doanh nghiệp lường trước được rủi ro tỷ giá trong dự toán hoạt động kinh doanh, cũng như có các giải pháp bảo hiểm thông qua các sản phẩm hợp đồng kỳ hạn hay quyền chọn ngoại tệ.

Tuy nhiên, với sự khó lường của thị trường tiền tệ quốc tế như đã nói, cũng như những áp lực không nhỏ lên tiền đồng trong thời gian gần đây, thì những doanh nghiệp vay ngoại tệ có lẽ cần sớm tất toán các khoản vay ngoại tệ nếu có điều kiện, hoặc nhanh chóng bổ sung các giải pháp đề phòng rủi ro tỷ giá trong thời gian còn lại của năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp đề phòng rủi ro tỷ giá cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO