Nhiều đề xuất cho rằng nên mở cửa xuất khẩu biên mậu để cứu người chăn nuôi trong thời điểm khó khăn này |
Người chăn nuôi thua lỗ nặng
Theo ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá heo hơi cả nước đã xuống dưới 60.000đồng/kg. Ngày 31/10, giá heo hơi tại nhiều địa phương đã tụt xuống mức 58.000đồng/kg. Với mức giá trên, nhiều người chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nhỏ lẻ bị thua lỗ, vì thời gian qua giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng đã đẩy giá thành chăn nuôi heo lên mức 60.000đồng/kg.
Chia sẻ về tình trạng này, giám đốc một công ty chăn nuôi tại Đồng Nai cho biết, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và hiện chiếm hơn 80% trong cơ cấu giá thành. Với giá thành khoảng 60.000 - 65.000 đồng/kg, trừ các doanh nghiệp chăn nuôi lớn có thể tiết giảm chi phí và bù đắp lợi nhuận ở các lĩnh vực khác, còn hầu hết người chăn nuôi đều thua lỗ nặng.
Giá heo hơi liên tục giảm là do nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh. Kể từ sau Covid-19, giá cả nhiều loại hàng hóa, dịch vụ tăng cao trong khi thu nhập của người dân không tăng, thậm chí giảm trong bối cảnh nhiều công ty, xí nghiệp bị thu hẹp thị trường và giảm đơn hàng đã phải cắt giảm giờ làm việc. Vì vậy, dù thịt heo là thực phẩm phổ biến nhưng nhiều gia đình vẫn giảm sử dụng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang sử dụng thịt gia cầm và các loại thực phẩm khác và giảm ăn thịt heo.
Nhiều số liệu thống kê cũng cho thấy, hiện lượng tiêu thụ thịt heo bình quân trên đầu người Việt Nam đã giảm mạnh so với trước đây. Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Ipsos, nếu như năm 2018, bình quân mỗi người Việt Nam tiêu thụ 31,4 kg thịt heo/năm thì đến năm 2022 số lượng này giảm còn 23,5 kg/năm.
Ngược lại, số lượng tiêu thụ thịt gia cầm tăng 8,5%/năm. Cụ thể, năm 2020, bình quân mỗi người Việt tiêu thụ 17kg gia cầm/năm thì đến năm 2022 tăng lên 20 kg/năm. Điều này đồng nghĩa với việc khoảng 8kg thịt heo/người/năm đã được thay thế bằng thịt gia cầm và loại thịt, cá khác.
Điều đáng nói là trong khi nhu cầu tiêu dùng giảm thì sản lượng thịt heo lại tăng mạnh. Hiện các công ty đang tái đàn trở lại khi dịch tả lợn châu Phi đang được kiểm soát, đồng thời có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực chăn nuôi. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối háng 9/2022, ước tính số heo của cả nước là 24,73 triệu con, tăng 8,8% so cùng thời điểm năm 2021. Sản lượng heo hơi xuất chuồng 9 tháng đầu năm 2022 đạt 3,2 triệu tấn, tăng 5,8% so cùng kỳ năm trước.
Nhu cầu giảm và sản lượng tăng đã khiến giá heo hơi giảm mạnh. Ông Nguyễn Phúc Khoa - Chủ tịch HĐQT Công ty Vissan cũng cho biết: “Giá heo hơi hiện nay đang quá thấp, dự báo đến cuối năm giá thịt heo nếu tăng thì cũng chỉ đến mức 70.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi sẽ bị thiệt thòi”.
Nhận định của giới phân tích cho rằng, với đà này, nhiều khả năng giá heo hơi sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Và năm 2023 vẫn đầy khó khăn với ngành chăn nuôi heo khi mà giá nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi tiếp tục ở mức cao, nhất là trong bối cảnh đồng USD đang tăng giá mạnh và Nga vừa đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc với Ukraina.
Giá heo hơi liên tục giảm khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng |
Xuất khẩu là cứu cánh
Trong khi giá heo hơi ở Việt Nam đang liên tục giảm thì giá thịt heo ở Trung Quốc lại tăng mạnh kể từ cuối tháng 8 đến nay. Một khảo sát được tiến hành ở Trung Quốc cho thấy, từ đầu năm đến nay, giá heo giết mổ ở nước này đã tăng 60% và giá hiện tại đã cao hơn cùng kỳ năm ngoái 125%. Còn theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC), giá thịt heo tại 36 trung tâm buôn bán lớn của nước này cũng đã tăng 30% so cùng kỳ năm trước.
Trước việc giá thịt heo liên tục tăng cao ở Trung Quốc và hiện đã gấp rưỡi giá heo ở Việt Nam, nhiều nhà chăn nuôi đặt vấn đề nên chăng cho phép xuất khẩu heo sang Trung Quốc qua đường mậu dịch biên giới. Bên cạnh đó, có thể đưa heo sang các nước lân cận như Thái Lan, Lào… Bởi, thời gian qua, giá heo hơi tại Thái Lan cũng tăng phi mã vì thiếu hụt nguồn cung. Và hiện tại, giá heo hơi tại nước này đang ở mức 80.000đồng/kg. Vì vậy, xuất khẩu biên mậu chính là cứu cánh của người chăn nuôi trong thời điểm khó khăn hiện nay.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Trí Công cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương cần đánh giá về nhu cầu thị trường, nguồn cung, qua đó có khuyến cáo kịp thời với người chăn nuôi nên nuôi heo ở mức độ nào… Đồng thời, để giảm bớt lượng thịt heo đang dư thừa hiện nay, cần có sự linh động về mậu dịch biên giới để gỡ khó cho ngành chăn nuôi.
Đại diện một công ty chăn nuôi lớn ở Đồng Nai (xin giấu tên) cũng đồng quan điểm mở cửa xuất khẩu biên mậu. Ông cho rằng, tạo điều kiện cho xuất khẩu biên mậu đối với heo hơi là giải pháp cần được cân nhắc, xem xét trong thời điểm này khi nguồn cung đang cao hơn so với nhu cầu trong nước. Bởi nếu không có giải pháp hỗ trợ tiêu dùng thì giá heo hơi sẽ càng giảm, người nuôi sẽ thôi không nuôi nữa, và thực tế trước đó đã cho thấy điều này.
Cụ thể, trong năm 2019 - 2020, khi giá heo hơi lên cao rồi dịch tả châu Phi diễn ra, Việt Nam phải nhập heo sống từ Thái Lan để đáp ứng thị trường. Sau khi thị trường tăng sản lượng thịt heo, Chính phủ không cho xuất khiến giá heo hơi của Việt Nam giảm, người chăn nuôi thiệt hại, lỗ nặng.