![]() |
Nhận diện thách thức
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, 5 tháng đầu năm 2019, số dự án FDI mới đầu tư vào ngành gỗ là 49, tương đương 73% số dự án FDI của cả năm 2018. Đặc biệt, trên 60% trong tổng số dự án đầu tư vào ngành gỗ là 32 công ty hoạt động trong mảng chế biến gỗ. Điều này cho thấy mức cạnh tranh trong tương lai rất gần là một thách thức đối với các DN chế biến gỗ Việt Nam. Làn sóng FDI cũng kéo theo nhu cầu nhân công tăng lên. Hiện giá nhân công ở các khu công nghiệp đã tăng từ 10-20% nhưng DN vẫn rất khó để tuyển người. Đồng thời, năng suất lao động của DN Việt Nam được xếp vào nhóm thấp nhất khu vực ASEAN.
Song song đó, nền tảng số hóa đang thay đổi rất lớn trong công nghiệp chế biến, quản trị, thiết kế, mua bán hàng... làm thay đổi lớn công nghiệp thiết kế sản phẩm và cách sản xuất ra nó.
Theo ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA): Nếu chỉ dừng lại ở mức duy trì khả năng hiện tại thì cũng đã là bàn thua trong những ngày phía trước của các DN Việt Nam. Vì vậy, chìa khóa để giải các thách thức trên là phải tư duy lại mô hình sản xuất, ứng dụng công nghệ để gia tăng nội lực. Ông Khanh cho hay thêm, với sự tiến bộ của kỹ thuật sản xuất chính xác công nghệ cao, kết hợp công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, robot... công nghệ chế biến gỗ đang mang lại cho DN nhiều cơ hội cải tiến chất lượng, kiểm soát tốt tiến độ, giảm sự lệ thuộc vào lao động, bùng nổ sản xuất...
Đón đầu để thay đổi
Tại hội thảo tư duy lại quy trình sản xuất do HAWA và Công ty Yorkers tổ chức mới đây, hơn 50 DN chế biến gỗ trong nước đều chia sẻ những nhu cầu cấp bách về ứng dụng công nghệ. Theo đại diện công ty Weinig, việc đón đầu công nghệ là một nguồn lực lớn. DN nắm công nghệ càng tốt, dự tính được xa cho quyết định đầu tư của mình, đó sẽ là lợi thế trong tương lai. Nếu đi trước 3-4 năm thì nguồn kinh phí đầu tư càng hiệu quả. Tuy nhiên, DN cũng cần phải tính toán được những rủi ro phát sinh. Cần phải thiết lập khả năng không chỉ sản xuất các sản phẩm đại trà mà còn sản xuất đơn hàng nhỏ, lẻ một cách linh hoạt. Việc đầu tư công nghệ phải bắt đầu từ nhu cầu của chính mình. Quyết định đầu tư thiết bị cần có tư duy cả hệ thống từ kinh doanh, thiết kế, vận hành quản trị, rồi mới ra dây chuyền và trong dây chuyền cần có sự cân bằng giữa thiết bị mới và cũ.
Theo ông Bernd Kahnert - chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Homag: “Vấn đề lớn của DN Việt Nam không chỉ là công nghệ mà còn nhân lực nhận chuyển giao và ứng dụng các công nghệ sản xuất. Thực tế rất khó tìm được nhân lực có trình độ hiểu và có thể vận hành các thiết bị cho nhà máy”.
Theo ông Cao Duy Tâm - Giám đốc Công ty Vetta, để đạt đến doanh số 20 tỷ USD năm 2025, việc đào tạo lao động cho ngành chế biến gỗ Việt Nam là cấp thiết. Hiện cũng đã xây dựng khoa Chế biến gỗ do HAWA hợp tác với Đại học Sư phạm kỹ thuật, nhưng công tác này cần phát triển hơn nữa mới có thể tạo ra sự phát triển bền vững cho ngành. Phía DN cũng phải tái đầu tư nhân lực hiện có. Trong tương lai, những người thợ lành nghề, có thể sử dụng các hệ thống sản xuất tiên tiến sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng.