Do đâu khó thu thuế ngành thương mại điện tử?

ĐỨC HOÀNG/DNSGCT| 14/12/2016 06:49

Việc quản lý đối với loại hình kinh doanh thương mại điện tử đang đặt ra nhiều thách thức với cơ quan thuế.

Do đâu khó thu thuế ngành thương mại điện tử?

Thời gian gần đây, kinh doanh thương mại điện tử đã trở nên phổ biến tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này có doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm nhưng đóng góp vào ngân sách thuế vẫn rất khiêm tốn. Vì vậy, việc quản lý đối với loại hình kinh doanh thương mại điện tử đang đặt ra nhiều thách thức với cơ quan thuế.

Đọc E-paper

Có thể thấy việc mua sắm trực tuyến đang dần trở thành thói quen của người dân. Doanh nghiệp thì đẩy mạnh giao dịch qua thương mại điện tử để tiết giảm chi phí. Quảng cáo trực tuyến và kinh doanh trên dịch vụ trực tuyến cũng phát triển mạnh.

Grab và Uber được xem là các doanh nghiệp đã thành công trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ, kết nối giữa khách hàng và nhà cung cấp dịch vụ, góp phần đa dạng hóa thị trường vận tải hành khách tại các đô thị lớn.

Những mô hình như Grab và Uber đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp startup cũng xem thương mại điện tử là mảnh đất màu mỡ để khai thác. Theo báo cáo của tổ chức World Startup Report, doanh thu của một số doanh nghiệp thương mại điện tử của Việt Nam ước đạt hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm và thành công trong việc xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của ngành kinh doanh thương mại điện tử đã và đang đặt ra những thách thức rất lớn với công tác quản lý. Để đáp ứng yêu cầu quản lý thuế đối với một lĩnh vực này, từ năm 2012, Tổng cục Thuế đã thành lập Tổ công tác nghiên cứu quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử và bộ phận thường trực tại Hà Nội và TP.HCM.

>>Hiệu quả từ các biện pháp truy thu thuế của Pháp

Tuy nhiên, việc quản lý vẫn rất khó khăn do các doanh nghiệp sử dụng tài khoản cá nhân để thanh toán các khoản phí dịch vụ nước ngoài không kê khai doanh thu tính thuế.

Đa số các doanh nghiệp sử dụng website để quảng bá sản phẩm, hàng hóa, bán trực tiếp cho người tiêu dùng là cá nhân nhưng không xuất hóa đơn bán hàng, không kê khai doanh thu tính thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ngoài ra, trong quá trình tìm kiếm, thu thập thông tin trên báo chí, trên mạng internet, ngành thuế cũng đã phát hiện được nhiều cá nhân tiến hành các giao dịch mua bán tiền “ảo”, chuyển nhượng các vật phẩm “ảo” trong game hay cho thuê ứng dụng để đặt quảng cáo trực tuyến có doanh thu lên đến hàng chục tỷ đồng nhưng chưa kê khai, nộp thuế đầy đủ.

Dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ nhưng các chuyên gia trong ngành cho rằng thất thu trong ngân sách nhà nước từ thương mại điện tử là không nhỏ.

Mặt khác, pháp luật về thuế vẫn chưa theo kịp sự phát triển của ngành thương mại điện tử nên vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Chẳng hạn như nếu xét Grab là mô hình cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ thì phải áp mức thuế GTGT 5%. Nhưng nếu xem Grab là dịch vụ vận tải dựa trên nền tảng internet và công nghệ định vị (GPS) thì sẽ áp dụng mức thuế suất như đối với kinh doanh thương mại điện tử là 3%.

“Để quản lý lĩnh vực này, cơ quan thuế một mặt cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, nâng cao năng lực cán bộ quản lý, một mặt xây dựng cơ sở dữ liệu, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan. Tuy nhiên, để doanh nghiệp hợp tác tốt với cơ quan quản lý thì cần thay đổi tư duy trong cán bộ. Chúng ta thanh tra, kiểm tra thuế của doanh nghiệp để đảm bảo chính sách thuế công bằng chứ không phải gây khó dễ, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Nguyễn Thị Cúc nói.

>>Những sai lầm khiến nhiều trang thương mại điện tử Việt Nam "chết yểu"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Do đâu khó thu thuế ngành thương mại điện tử?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO