Trung thu năm nay, bên cạnh những đồ chơi truyền thống khá hút khách, lần đầu tiên đồ chơi Việt Nam vào "top" bán chạy và sốt không kém những bộ đồ chơi hàng hiệu xuất xứ Trung Quốc.
>> Rộn ràng đón Tết Trung thu ở Sài Gòn
Các bậc phu huynh lựa chọn đồ chơi thương hiệu Việt cho con em nhân Tết Trung thu - Ảnh: Băng Dương |
Các sản phẩm của Tosy, Winwin Toys, Nam Hoa xuất hiện nhiều trên thị trường với mức tiêu thụ đang tạo kỷ lục...
Hàng Việt lên ngôi
Phố đồ chơi ở Hà Nội ngày càng sầm uất. Hàng Mã, Lương Văn Can, Hàng Quạt… tràn ngập sắc màu rực rỡ của đèn lồng giấy, đèn ông sao, mặt nạ, tóc giả… nhưng ăn khách lại là các loại đồ chơi hiện đại.
Ông Trần Xuân Nội - chủ cửa hàng số 49, Hàng Mã, Hà Nội - cho biết đồ chơi Trung Quốc vẫn áp đảo về chủng loại, số lượng trên thị trường nhưng về độ “hot” ở Hà Nội hiện vẫn là đồ chơi do Việt Nam sản xuất như các sản phẩm đồ gỗ Winwin Toy của Đức Thành, đồ gỗ Etic, đồ gỗ Tân Thuận Đức, đĩa bay hay con quay Tosy.
Sản phẩm con quay Tosy mới xuất hiện nhưng ngày nào cũng có khách mua, có hôm vài chục con. Cùng ra đời với sản phẩm này là bộ Anh hùng Trái đất của Trung Quốc lại bán rất lẹt đẹt, ông Nội nhận xét. Cũng theo nhà buôn này, con số trên đã vượt cả mức tiêu thụ của những loại đồ chơi Trung Quốc từng "đại náo" thị trường hè vừa rồi như bộ huyền thoại sân cỏ GGO, robo Trái cây...
Theo ông Nội, năm nay là lần đầu tiên đồ chơi Việt Nam bán chạy hơn cả đồ chơi Trung Quốc. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho hàng đồ chơi Việt Nam đang dần lấn chiếm thị trường nội địa bị hàng Trung Quốc chiếm lĩnh nhiều năm gần đây.
Theo phía Công ty cổ phần robot Tosy, mùa trung thu năm nay công ty quá tải các đơn hàng mua con quay, cả trong và ngoài nước. Riêng số lượng bán lẻ tháng 7 đã lên tới khoảng 40.000 bộ. Phía nước ngoài cũng đặt hàng khoảng 50.000 trong đơn hàng đầu tiên phục vụ mùa Trung thu này.
Cạnh tranh từ giá thành đến chất lượng
Theo đánh giá của chuyên gia marketing thuộc Công ty Phương Nga, bà Phạm Thị Minh Trân, cách tiếp cận và chiếm lĩnh thị phần nội địa của đồ chơi mang thương hiệu Việt như Tosy cũng khá đặc biệt vì đơn vị này rất chịu khó đầu tư về hình ảnh. Ví dụ như trước khi ra mắt đồ chơi con quay một tháng, khắp các kênh đã xôn xao về thông tin con quay này được ghi danh kỷ lục Guinness thế giới. Đó là một tin đáng mừng. Đây là bài học lớn cho các doanh nghiệp đồ chơi Việt Nam khi tiến hành xâm nhập, quảng bá sản phẩm trên thị trường. |
Theo các chủ cửa hàng đồ chơi tại Hà Nội, giá các mặt hàng đồ chơi Việt Nam hiện nay khá cạnh tranh so với đồ chơi Trung Quốc. Ví dụ, giá trung bình của bộ huyền thoại sân cỏ GGO là 400.000 đồng, dao động 199.000 - 899.000 đồng/bộ, đồ chơi robot Trái cây cũng dao động 155.000 - 395.000 đồng/bộ; đĩa bay TOSY giá khoảng 129.000 đồng, con quay Tosy giá 299.000 đồng, các đồ chơi gỗ có giá khoảng 300.000 đồng.
Những bộ đồ chơi hàng hiệu như con quay Bey Blade của Nhật Bản có giá cũng tới 300.000-800.000 đồng/con, đồ chơi Lego của Đan Mạch hay búp bê Barbie của Mỹ đều lên tới vài triệu đồng/bộ.
So với các dòng đồ chơi truyền thống như mô hình ôtô 75.000-120.000 đồng/chiếc, thú nhựa 80.000-100.000 đồng/con, búp bê Barbie của Trung Quốc cũng có giá 50.000-150.000 đồng/bộ thì sản phẩm Việt Nam không đắt mà độ an toàn cho trẻ em lại cao hơn nhiều.
Cụ thể các sản phẩm đồ gỗ được mài giũa cẩn thận, hạn chế tối đa góc cạnh để trẻ không bị thương khi va đập. Các sản phẩm đồ nhựa được sử dụng nhựa chất lượng cao chứ không dùng nhựa tái chế, giòn và dễ vỡ như hàng Trung Quốc.
Cũng theo đánh giá của các chủ cửa hàng đồ chơi trên thị trường, hầu hết các loại đồ chơi hot trên thị trường hiện nay đều theo môtip ăn theo phim ảnh, đánh vào tâm lý trẻ con mê phim hoạt hình. Trước đây là bộ Yoyo, sau này có robo trái cây và hiện là huyền thoại sân cỏ GGO, đều là dạng sản phẩm ăn theo phim hoạt hình. Khi phim ngừng chiếu trên các kênh thì lượng tiêu thụ đồ chơi trên thị trường sẽ giảm như trường hợp robo trái cây hiện nay. Chưa kể độ rủi ro truyền thông khá cao, như phim hoạt hình Robo Trái cây vừa qua đã chịu phản ứng tiêu cực vì lý do nội dung bạo lực.
Tuy nhiên, các sản phẩm thương hiệu Việt như của Winwin Toys, Tosy, đồ chơi gỗ Nam Hoa chưa chú trọng việc ăn theo phim ảnh, thay vào đó là thương hiệu với hình thức, chất lượng và giá cả. Do đó, sản phẩm đồ chơi Việt đang bước đầu giành lại thị trường của mình.
Các chuyên gia ngành đồ chơi cho rằng hiện tượng đồ chơi Việt bứt phá lên được như trường hợp trên mới chỉ có vài đơn vị. Nguyên nhân chính do số nhà sản xuất đồ chơi Việt vừa ít và sản phẩm chưa đa dạng chủng loại.
Do đó, để đồ chơi Việt có thể làm chủ thị trường cần có chính sách hỗ trợ thêm các doanh nghiệp tham gia thị trường này, mang lại sản phẩm thật sự có ích cho sự phát triển trí tuệ của trẻ, an toàn và chất lượng hơn.