Ngày 28/11, hội thảo “Vai trò doanh nghiệp trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong hội nhập quốc tế,” do Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.
Theo Báo cáo của WEF về năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2014-2015, chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam chỉ tăng 2 bậc, từ vị trí 70 lên 68 trong 148 nền kinh tế. Bên cạnh đó, Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2014, Việt Nam xếp hạng 78 trên 189 nước.
Trong môi trường hội nhập, các liên kết kinh tế đa tầng, đa nấc với luật chơi mới và mức độ mở cửa thị trường cũng ngày càng sâu rộng sẽ tạo ra không gian phát triển mới, song cũng đặt ra thách thức lớn phải nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp là lực lượng chủ chốt, cấu thành nền kinh tế quốc gia, do đó năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia liên quan mật thiết với nhau và phụ thuộc lẫn nhau.
Nhưng ông Lộc lại đưa ra dẫn chứng thực tế, trong số hơn 500.000 doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động có đến 95%-96% doanh nghiệp cỡ nhỏ (trong đó là 66%-67% là các doanh nghiệp cỡ siêu nhỏ, sử dụng dưới 10 lao động) với khả năng cạnh tranh hết sức hạn chế và đang trên đà suy giảm do tác động của khủng hoảng kinh tế.
Ông Lộc cho rằng, những điểm còn hạn chế trong năng lực cạnh tranh của đa số doanh nghiệp Việt Nam là khả năng hoạch định chiến lược, khả năng phát triển thị trường và thương hiệu cũng như năng lực quản trị còn hạn chế và đặc biệt là năng suất lao động trong khu vực doanh nghiệp còn chưa cao.
Bên cạnh đó, các rào cản về thủ tục hành chính từ môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều bất cập cũng là những yếu tố cản trở, đặt thêm gánh nặng lên vai các doanh nghiệp.
Theo ông Philipp Rösler, Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam cần có một khuôn khổ tài chính ổn định, hạ tầng cơ sở vững mạnh, hạ tầng số hiện đại và đặc biệt là đầu tư đào tạo nguồn nhân lực đồng thời giảm bớt các thủ tục quan liêu, nhằm thúc đẩy được tinh thần kinh doanh (trong cả khu vực tư nhân và khu vực kinh tế công.)
Philipp Rosler cho biết, kinh tế Việt Nam với kết quả và tiềm năng phát triển trong tương lai, nhất là trong tương quan hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015, vai trò tiên phong của Việt Nam trong xây dựng và hình thành Cộng đồng ASEAN đang là tâm điểm chú ý của giới đầu tư, kinh doanh toàn cầu. Do vậy, những ý tưởng, tầm nhìn, thông tin về Việt Nam và ASEAN, thông điệp của lãnh đạo Việt Nam rất được cộng đồng doanh nghiệp quốc tế quan tâm. Với ý nghĩa đó, tại Davos lần này, WEF sẽ tập trung tổ chức các sự kiện lớn về Việt Nam, trong đó có sự kiện “Đêm Việt Nam” với sự tham gia của nhiều chính khách và các doanh nghiệp hàng đầu thế giới.
Về vấn đề năng lực cạnh tranh quốc gia, ông Philipp Rosler cho biết đây đang là vấn đề toàn cầu và mọi quốc gia đều quan tâm, do đó, WEF sẽ phối hợp và hỗ trợ Việt Nam trong đánh giá cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của mình. Ông Philipp Rosler cũng cho biết WEF cũng sẵn sàng hỗ trợ và tham gia các sự kiện và diễn đàn kinh tế quan trọng của Việt Nam và khu vực được tổ chức trong những năm tới.