Kinh doanh

Định hình lại chuỗi giá trị toàn cầu của Mỹ: Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?

Phong Vân 30/09/2024 - 14:41

Đây là chủ đề thu hút sự quan tâm lớn từ các chuyên gia, học giả quốc tế và doanh nghiệp Việt Nam khi được bàn luận sôi nổi trong tọa đàm kinh doanh do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Mạng lưới Sáng kiến Việt Nam tổ chức.

Các diễn giả bao gồm Giáo sư Trần Ngọc Anh - Đại học Indiana, người sáng lập Mạng lưới Sáng kiến Việt Nam; Ông Markus Taussig - Phó Giáo sư về quản lý và kinh doanh toàn cầu, Đại học Rutgers; Ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc điều hành, Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN

5j0a1382.jpg
Tọa đàm được diễn ra trực tuyến kết hợp với trực tiếp vào ngày 27/9, thu hút sự tham dự của hơn 200 doanh nghiệp.

Định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu của Mỹ

Là người chủ trì báo cáo phân tích về định hình lại chuỗi giá trị toàn cầu của Mỹ (sẽ sớm được công bố tại Diễn đàn Mùa Thu 2024 ở Mỹ sắp tới), ông Trần Ngọc Anh đã nêu ra một số yếu tố đáng chú ý về chiến lược của Mỹ trong vấn đề này.

5j0a1388.jpg
Đây là buổi tọa đàm đầu tiên trong chuỗi các sự kiện tiếp theo của VNi–DNSG’s Business Talk, do Tạp Chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Mạng lưới Sáng kiến Việt Nam tổ chức.

Theo giáo sư Ngọc Anh, về chính trị, hiện chính sách ưu tiên của 2 đảng ở Mỹ vẫn là “nước Mỹ trước tiên”. Về an ninh, địa chính trị, Mỹ đang cạnh tranh với siêu cường kinh tế và công nghệ mới nổi là Trung Quốc. Về thương mại, chuỗi cung ứng bị đứt đoạn do đại dịch Covid toàn cầu vừa qua. Chính 3 vấn đề này đã dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Mỹ. Vì thế, Mỹ đã có 3 chiến lược mới trong cách tiếp cận, định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ nhất, Mỹ hiện đang siết chặt các quan hệ thương mại với Trung Quốc, đặc biệt là các ngành kinh tế có công nghệ mũi nhọn để các doanh nghiệp Mỹ dịch chuyển dần ra khỏi Trung Quốc.

Thứ hai, Mỹ đang có chính sách khuyến khích các ngành sản xuất, chế tạo trong chuỗi cung ứng về lại Mỹ, hoặc những nước gần biên giới với Mỹ, hay những nước đồng minh, bạn bè, và những quốc gia mà Mỹ có thiện cảm. Trong đó, Việt Nam cũng là điểm đến rất tiềm năng cho các doanh nghiệp Mỹ khi dịch chuyển. Sự dịch chuyển này sẽ giúp Mỹ tăng cường quản lý rủi ro khi mua hàng từ các nước gần và các nước bạn.

Thứ ba, Mỹ đang có chính sách ưu tiên một số ngành, lĩnh vực công nghiệp như bán dẫn, AI (trí tuệ nhân tạo), các ngành công nghệ xanh như xe điện.

Hướng đi thực tế của Mỹ

Giáo sư Ngọc Anh cho biết thêm, Mỹ có các chiến lược cụ thể trong cách tiếp cận và định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chiến lược thứ nhất là Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng. Chiến lược này có 4 trụ cột chính: Thương mại công bằng và chuẩn; Giảm đứt đoạn chuỗi cung ứng; Kinh tế sạch (giảm phát thải, phát triển bền vững); Kinh tế công bằng (tập trung về thuế và chống tham nhũng).

Về thương mại, ông Ngọc Anh cũng lưu ý đến các doanh nghiệp Việt rằng, Mỹ sẽ theo dõi gắt gao về vấn đề lao động, môi trường, phát thải đối với những hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Đặc biệt, Mỹ sẽ giám sát chặt xem có những hàng hóa Việt Nam nào được nhập từ Trung Quốc sau đó được xuất sang Mỹ để tránh đánh thuế hay không.

Chiến lược thứ hai là Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Joe Biden ký vào năm 2021. Sắc lệnh này liên quan đến việc thúc đẩy sản xuất nội địa, tăng cường sự lãnh đạo của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ, và hợp tác với các đồng minh, đối tác thân thiện.

Chiến lược thứ 3 là Đạo luật giảm lạm phát vào năm 2022. Đạo luật này một phần liên quan đến quy định, khuyến khích, và hỗ trợ sản xuất năng lượng trong nước, đảm bảo an ninh năng lượng nội địa, và giảm phát thải. Đây chính là “miếng võ” chính sách công nghiệp kiểu mới của nước Mỹ.

5j0a1390.jpg
Ông Markus Taussig - Phó Giáo sư về quản lý và kinh doanh toàn cầu, Đại học Rutgers đã nêu ra những lưu ý cho doanh nghiệp Việt khi kinh doanh với đối tác Mỹ

Cách tiếp cận của doanh nghiệp ở các nước đang phát triển

Chia sẻ về cách tiếp cận của các doanh nghiệp ở các nước đang phát triển, nhất là những doanh nghiệp ở các nước có mức độ phát triển cao hơn hoặc tương đương với Việt Nam trong việc tận dụng các cơ hội đến từ việc định hình lại chuỗi giá trị toàn cầu của Mỹ, ông Markus Taussig - Phó Giáo sư về quản lý và kinh doanh toàn cầu, Đại học Rutgers, đã nêu bật về việc thực hành ESG (môi trường – xã hội – quản trị), và chú trọng tính bền vững trong hoạt động của công ty. Theo ông Markus, trước đây, các doanh nghiệp Mỹ sẽ không chú trọng lắm, nhưng hiện tại và tương lai, họ sẽ kiểm tra xem các công ty trong chuỗi cung ứng của họ có đáp ứng về các tiêu chí ESG trong vận hành, sản xuất và cung ứng hàng hóa hay không. Do đó, các doanh nghiệp Việt phải lưu ý những vấn đề này khi xuất hàng sang Mỹ.

Góc nhìn thực tiễn

Trong vai trò thúc đẩy kết nối kinh doanh của các doanh nghiệp Mỹ với các nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc Điều hành, Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN đã chia sẻ về cách tiếp cận của các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại ASEAN nói chung, Việt Nam nói riêng, và các cơ hội kinh doanh mở ra cho các doanh nghiệp Việt.

5j0a1392.jpg
Ông Vũ Tú Thành chia sẻ nhận định về các cơ hội kinh doanh mở ra cho các doanh nghiệp Việt

Ông Thành cho biết, trong thời gian qua, các công ty dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc ngày càng nhiều; một phần của sự dịch chuyển đã vào Việt Nam và đang gia tăng.

Ông Thành lấy ví dụ thực tế, có 1 doanh nghiệp Mỹ là thành viên của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN, làm trong lĩnh vực điện tử và có nhà máy tại khu công nghệ cao tại TP.HCM, đang xin Thành phố cấp phép mở rộng đầu tư để nâng cao năng suất lên gấp đôi vì áp lực từ khách hàng mà họ đang cung ứng. Hay một công ty Mỹ khác ở Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), chuyên về cung cấp các linh kiện kết nối dùng trong sản phẩm điện tử như điện thoại, ô tô, đơn vị này cũng đang tìm khu đất khoảng 6-10 ha để xin mở rộng quy mô đầu tư lần thứ 3. Sau lần thứ 2 mở rộng, họ đã nâng công suất lên gấp đôi và doanh số lên gấp 4.

Ngoài ra, một công ty khác từ Trung Quốc, cũng đã trao đổi với ông Thành cho dự định thuê nhà xưởng tại Việt Nam, để tiếp tục cung ứng cho khách hàng của họ. Điều này cho thấy các doanh nghiệp Mỹ đang dịch chuyển và mở rộng tại Việt Nam ngày càng tăng. Tỷ lệ lắp đầy các khu công nghiệp ở Việt Nam ngày càng nhanh.

“Không chỉ về phía doanh nghiệp, chính phủ Mỹ cũng đang rất quan tâm đến Việt Nam. Sau khi tôi trao đổi trực tiếp với chính phủ Mỹ, họ đều nói rằng, nhu cầu các doanh nghiệp Mỹ đang muốn gia tăng sản xuất tại Việt Nam là rất lớn. Thậm chí là cơ quan quốc phòng của Mỹ, cũng đang tìm hiểu về năng lực sản xuất tại Việt Nam, để xem họ có thể đặt sản xuất những gì ở đây cho công nghệ lưỡng dụng và công nghiệp quốc phòng”, ông Thành cho hay.

Theo ông Thành, thời hạn để các công ty Mỹ rút khỏi Trung Quốc ngày càng ngắn. Tất nhiên là các doanh nghiệp Mỹ sẽ không rời khỏi Trung Quốc luôn, nhưng họ sẽ giảm, thu hẹp quy mô, hoặc dừng kế hoạch mở rộng tại đây. Đặc biệt, đối với những lĩnh vực nhạy cảm, sản phẩm thông minh chứa dữ liệu, hoặc những khoáng chất, nguyên liệu thiết yếu mà có ảnh hưởng đến an ninh chuỗi cung ứng của Mỹ thì cũng cần dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Trừ những lĩnh vực thông thường thì vẫn có thể được duy trì sản xuất tại Trung Quốc”. “Những ví dụ thực tế trên cho thấy, Việt Nam là điểm đến thân thiện mà doanh nghiệp và chính phủ Mỹ cân nhắc mở rộng sản xuất tại đây.”- Ông Thành nhận định.

Tiềm năng và lợi thế của Việt Nam hiển nhiên là rất lớn và thị trường Mỹ thì đang rộng mở chào đón đối tác thân thiện. Nhưng làm sao để hai bên tìm thấy nhau? Ông Thành cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực của khu vực tư nhân, doanh nghiệp, phía Chính phủ cũng nên tăng tốc nắm bắt cơ hội này. Ông lấy ví dụ như chính phủ của các nước như Ấn Độ, Philippines, cũng đã quyết tâm, nhanh chóng đưa ra những chính sách và thương lượng trực tiếp với đối tác tiềm năng nhằm nắm bắt nhanh, tận dụng thời điểm thuận lợi để thúc đẩy hợp tác với Mỹ.

Ông Vũ Tú Thành thông tin thêm, Diễn đàn Mùa Thu 2024 sắp tới đây, diễn ra từ 25/10 đến 2/11 tại 3 thành phố của Mỹ sẽ là cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp Việt kết nối trực tiếp với các đối tác tiềm năng từ Mỹ.

Mỹ có nền kinh tế năng động, phát triển bậc nhất thế giới, là thị trường lớn và quan trọng hàng đầu với các doanh nghiệp Việt. Trong 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt khoảng 77,9 tỷ USD, chiếm 29,4% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng tới 25,4% so với cùng kỳ ( theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương). Tính đến đầu năm 2024, Mỹ có khoảng 1.340 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn trên 11,8 tỷ USD. Việt Nam có 230 dự án đầu tư tại Hoa Kỳ với tổng vốn đăng ký gần 1,3 tỷ USD.

Việt Nam và Mỹ đang hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025. Sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện được một năm thì cơ hội hợp tác kinh doanh, xúc tiến thương mại và đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ ngày càng được rộng mở. Chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Mỹ vừa qua là bệ đỡ, đã góp phần tạo thuận lợi hơn nữa cho quan hệ hợp tác kinh tế giữa 2 nước.

Do đó, các công ty Việt Nam không nên bỏ lỡ thời điểm, chuẩn bị thật tốt để đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn và xu hướng mới của nền kinh tế toàn cầu. Khi trong tâm thế sẵn sàng, các doanh nghiệp Việt sẽ dễ dàng tăng tốc hơn nữa để hợp tác với những doanh nghiệp Mỹ đã có mặt tại Việt Nam hoặc kinh doanh trực tiếp với những doanh nghiệp đang ở Mỹ, tiến xa và sâu hơn vào thị trường này, và trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Mỹ.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Định hình lại chuỗi giá trị toàn cầu của Mỹ: Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO