Thời sự

Doanh nghiệp Việt “về đích” năm 2024 cần tiếp sức?

Huy Lê 27/09/2024 8:00

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bên cạnh việc kích cầu tiêu dùng, các chuyên gia cho rằng cần tiếp sức cho doanh nghiệp Việt về dòng tiền, cải cách chính sách, tăng năng lực cạnh tranh.

Ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM cho biết từ đầu năm đơn hàng đã quay trở lại, đặc biệt những đơn hàng xuất khẩu tăng, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.

p17_livestream-ban-hang.jpg
Cần đào tạo livestream bán hàng cho doanh nghiệp Việt Nam để kích cầu hàng tiêu dùng

Đơn hàng trở lại nhưng còn nhiều nỗi lo

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, hiện nay doanh nghiệp cao su, nhựa nói riêng cũng như doanh nghiệp Việt nói chung đều gặp hai trở ngại chính ngay trên “sân nhà”. Thứ nhất là sức mua thị trường giảm sút, đơn hàng nội địa gần như không tăng, nguyên do thu nhập người tiêu dùng trong nước giảm.

Thứ hai là sự lép vế cạnh tranh của sản phẩm doanh nghiệp Việt với các sản phẩm ngoại nhập trên thị trường thương mại điện tử. Với giá rẻ hơn, độ phủ sóng có mặt trên các trang bán hàng thương mại điện tử nhiều hơn nên cạnh tranh lớn so với hàng Việt Nam.

“Lấy ví dụ một đôi giày cùng loại nhưng hàng Trung Quốc bán trên sàn thương mại điện tử chỉ có hơn 200 ngàn đồng/ đôi, trong khi đôi giày Việt Nam có giá bán 400 ngàn đồng/ đôi”, ông Quốc Anh dẫn chứng.

TS. Nguyễn Tuấn Anh - Đại học RMIT Việt Nam:
Cần đa dạng hóa nguồn cung để tránh phụ thuộc vào một nhà cung cấp
Các doanh nghiệp Việt cần phải chú ý đến bối cảnh lạm phát kỳ vọng tăng để điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Điều này có thể thực hiện thông qua tăng cường hiệu quả sản xuất và giảm thiểu lãng phí nguyên vật liệu, thương lượng giá cả và điều kiện thanh toán tốt hơn với các nhà cung cấp để giảm chi phí đầu vào.
Doanh nghiệp Việt cần đa dạng hóa nguồn cung để tránh phụ thuộc quá nhiều vào một nhà cung cấp duy nhất. Thêm vào đó, doanh nghiệp cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường từng mặt hàng, đặc biệt là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và điều chỉnh giá bán hợp lý.
“Doanh nghiệp cần liên tục cập nhật và phân tích các xu hướng kinh tế, chính sách tài chính cũng như chuẩn bị các kịch bản dự phòng để ứng phó với các tình huống biến động của thị trường”, TS. Tuấn Anh khuyến nghị.

Hơn nữa số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước đang dần hụt hơi khó cạnh tranh. Do đó, theo ông Quốc Anh, bên cạnh sự nỗ lực của chính doanh nghiệp thì cần có sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước làm sao để kích cầu tiêu dùng trong nước, ưu tiên hàng Việt Nam. Hay có những những chính sách dạy cách bán hàng online, đào tạo livestream bán hàng cho doanh nghiệp Việt Nam.

Từ nay đến cuối năm, ngành thủy sản nói chung, doanh nghiệp thủy sản nói riêng còn phải đối mặt với nhiều khó khăn như nỗi lo thiếu nguyên liệu cho chế biến vì dịch bệnh, có thể đẩy giá xuất khẩu tăng nhưng không bền vững.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết hiện giá cước vận tải tăng cao, xung đột thương mại giữa các nước làm xáo trộn dòng chảy thương mại thủy sản, tồn kho lớn ở các thị trường nhập khẩu… cũng là những thách thức lớn cho xuất khẩu thủy sản cuối năm.

Đặc biệt, EU vừa ban hành những quy định mới về nhập khẩu thủy sản, thay đổi cách thức phân loại các sản phẩm nhập khẩu từ việc dựa trên tỷ lệ nguồn gốc động vật sang sức khỏe cộng đồng và sức khỏe động vật.

Ngoài ra, VASEP cũng đã có văn bản kiến nghị gửi Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam… tháo gỡ những khó khăn vướng mắc đang gặp phải. Như khó khăn do quy định áp trần chi phí lãi vay để tính thuế thu nhập là không hợp lý, gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, cũng như dòng tiền của doanh nghiệp Việt trong các năm đầu khi mới đầu tư.

Một số ngành khác như xây dựng và vật liệu xây dựng tiếp tục gặp khó khăn với nhu cầu thấp và sự cạnh tranh gay gắt từ các công ty nước ngoài sử dụng nguyên liệu rẻ hơn. Các khó khăn tài chính là phổ biến, với nhiều doanh nghiệp hoạt động theo lịch trình giảm do thiếu đơn hàng và hạn chế dòng tiền. Với doanh nghiệp ngành bán lẻ và sự kiện đang trải qua sự suy giảm trong chi tiêu tiêu dùng và giảm tần suất tổ chức sự kiện.

Tạo động lực để doanh nghiệp vượt khó

Trước những khó khăn trên, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) đã có kiến nghị về hỗ trợ vốn và truy cập vốn. Doanh nghiệp đề xuất rằng hỗ trợ nên tập trung vào việc cung cấp giải pháp dòng tiền tức thời thay vì chỉ trợ cấp lãi suất.

Thứ hai, về cải cách thủ tục hành chính, theo ông Hòa, Hiệp hội kiến nghị cần đơn giản hóa quy trình tiếp cận đất cho các dự án nhà ở xã hội và đẩy nhanh quy trình hoàn thuế cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Bên cạnh đó, để tạo động lực cho doanh nghiệp vượt khó, phục hồi nhanh “về đích” năm 2024 với kết quả tăng trưởng lạc quan thì các tỉnh thành cần nâng cao cơ sở hạ tầng cho giao thông, kho bãi, cảng và logistics. Ngoài ra, tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn thông qua cải cách chính sách có thể thu hút và giữ chân các dự án quy mô lớn.

“Bên cạnh đó, các Luật đất đai và Luật nhà ở mới: Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản mới được thông qua dự kiến sẽ giải quyết nhiều điểm nghẽn pháp lý hiện tại trong ngành bất động sản. Việc triển khai nhanh chóng các luật này sẽ rất quan trọng trong việc phục hồi thị trường bất động sản và các ngành liên quan”, ông Hòa chia sẻ.

Để kích cầu tiêu dùng trong nước, cần có những những chính sách dạy cách bán hàng online, đào tạo livestream bán hàng cho doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp Việt “về đích” năm 2024 cần tiếp sức?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO