Nghị định 11/2016/NĐ-CP ngày 03/02/2016 quy định chi tiết thi hành về cấp giấy phép lao động cho lao động là người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam. Nghị định này thay thế cho Nghị định 102/2013/NĐ-CP.
A. Quy định rõ khái niệm về chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành:
Bên cạnh những khái niệm về vị trí công việc hiện tại, Nghị định 11/2016/NĐ-CP (Nghị định 11) bổ sung thêm khái niệm đối với các vị trí khác mà người lao động nước ngoài đảm nhiệm.
Người lao động nước ngoài được xem là chuyên gia đáp ứng một trong hai điều kiện:
•Có văn bản xác nhận là chuyên gia của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài.
•Có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam; trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trường hợp người lao động nước ngoài được xem là nhà quản lý, giám đốc điều hành:
•Nhà quản lý là người quản lý doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp hoặc là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu của cơ quan, tổ chức;
•Giám đốc điều hành là người đứng đầu và trực tiếp điều hành đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
B. Bổ sung trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động
Ngoài những trường hợp theo quy định cũ, Điểm e Khoản 2 Điều 7 Nghị định 11 bổ sung trường hợp người nước ngoài vào Việt Nam làm việc tại vị trí chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và thời gian cộng dồn không quá 90 ngày trong 01 năm thì không cần đề nghị cấp giấy phép lao động.
Đối với trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động, người nước ngoài vẫn cần phải có giấy xác nhận của Sở Lao động Thương Binh và Xã hội. Thời hạn xác nhận không thuộc trường hợp cấp giấy phép lao động là tối đa không quá 02 năm và theo thời hạn của một số trường hợp cụ thể. (Quy định cũ không quy định rõ thời hạn)
C. Quy định chi tiết hơn về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động
Nghị định 11 quy định chi tiết về giấy chứng nhận sức khỏe phải có giá trị trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày ký kết luận sức khỏe, và vẫn hiệu lực tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp phép lao động.
Đồng thời tại Điều 10 Nghị định 11, hồ sơ đề nghị cấp giấp phép lao động phải có phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự của nước ngoài cấp. Trường hợp người lao động nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam thì chỉ cần phiếu lý lịch tư pháp do Việt Nam cấp. Các văn bản này được cấp không quá 6 tháng kể từ ngày cấp đến ngày nộp hồ sơ.
Ngoài ra cần có giấy tờ chứng minh người lao động nước ngoài là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật, tuy nhiên Nghị định lại không quy định rõ giấy tờ chứng minh ở đây được hiểu là những loại giấy tờ nào, việc quy định chung chung như trên sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam, người lao động nước ngoài khi thực hiện nghĩa vụ chứng minh với Sở Lao động thương binh và Xã hội, trong khi đó quy định cũ trước đây (Nghị định 102) là chỉ cần văn bản xác nhận.
D. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động đối với một số trường hợp đặc biệt
So với quy định cũ, Nghị định 11 bổ sung Khoản 8 Điều 10 về hồ sơ đối với một số trường hợp đặc biệt như sau:
•Đã được cấp giấy phép lao động và đang còn hiệu lực mà làm việc cho người sử dụng lao động khác ở cùng vị trí công việc ghi trong giấy phép lao động;
•Đã được cấp giấy phép lao động và đang còn hiệu lực mà làm khác vị trí công việc ghi trong giấy phép lao động theo quy định của pháp luật nhưng không thay đổi người sử dụng lao động;
•Đã được cấp giấy phép lao động nhưng hết hiệu lực theo quy định tại Điều 174 của Bộ luật Lao động mà có nhu cầu tiếp tục làm việc cùng vị trí công việc đã ghi trong giấy phép lao động;
•Đã được cấp giấy phép lao động theo các trường hợp trên căc cứ vào quy định tại Nghị định số 102/2013/NĐ-CP.
E. Các trường hợp cấp lại giấy phép lao động
Nghị định 11 bổ sung tại Điều 13 nếu Giấy phép lao động còn thời hạn ít nhất 5 ngày nhưng không quá 45 ngày thì sẽ được cấp lại. (Quy định cũ không có trường hợp này)
>Chế độ bảo hiểm cho người lao động nước ngoài
>Thái Lan: 4 lĩnh vực sẽ được nới lỏng cấp phép đầu tư nước ngoài