![]() |
Tôi thường thấy điên điển ra hoa từ tháng 7 đến tháng 10, khi mà nước lũ từ đầu nguồn qua các quốc gia chung sông mẹ Mekong tràn về miền Tây Nam bộ thì không còn ào ạt, mà từ từ dâng, ngày nhiều nhất cũng chỉ cao một hai gang tay, nên dân mình kêu bằng cái tên giản dị mà sát đúng: Mùa nước nổi. Điên điển cũng như cây lúa trời, không bao giờ chết chìm trong nước, luôn vươn cao hơn mặt nước để cho bông mẩy, hoa vàng.
Vậy mà mới sau Tết Canh Dần, mấy cây điên điển trên bờ một con kênh của Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã nở hoa vàng hực. Không hiểu điên điển ra hoa trái mùa một cách tự nhiên hay những nhà khoa học trong Viện Lúa đã cấy một “gene lạ” vào chúng, bắt chúng kết nụ theo ý con người. Không biết có phải gió chiều trên cánh đồng lúa thí nghiệm của Viện Lúa mơ hồ hương cốm, hay những bông điên điển “trái mùa” vẫn nhân nhẫn ngọt mà làm tôi xốn xang với một mùa lũ năm nào...
![]() |
Hoa điên điển chỉ thoang thoảng vị đắng ngọt... |
Sau những ngày lênh đênh từ Châu Đốc ngược xuống Tam Nông, Cao Lãnh, trở lên Hồng Ngự, Vĩnh Hưng... nghĩa là đã dọc ngang khắp Đồng Tháp Mười, tôi đón tàu đò từ Tân Hưng về Mộc Hóa.
Khi cách Mộc Hóa một giờ đồng hồ tàu chạy hết ga, chiếc tàu đò dừng lại bên một giàn đáy để đón một người khách mà từ xa tôi đã thấy đó là một cô gái thon thả, mặc bộ đồ bà ba màu đỏ sẫm. Cô gái làm sáng rực cả một khoang tàu bởi làn da trắng hồng, bởi nụ cười rụt rè giữa đám người xa lạ và bởi cô... quá đẹp, đẹp từ khuôn mặt thanh tú, phúc hậu đến bộ ngực đầy đặn mà làn áo bà ba càng tôn lên sức sống của tuổi xuân.
Tôi ngồi ngoài cùng, phía đằng mũi nên may mắn được cô gái ghé lại sau khi không tìm được chỗ trong khoang. Tôi dịch vào vị khách ngồi cạnh, nhường chỗ cho cô. Cô gái cảm ơn rồi mạnh dạn hỏi: “Anh thứ mấy?”. “Thứ Năm. Còn em?”. “Em là Út”. “Lụt lội thế này mà em đi đâu?”. “Em lên bệnh viện Mộc Hóa chích ngừa. Hôm qua lội nước nấu cơm, chân đạp đinh”.
Tôi mừng thầm vì sáng nay đã có ý định vào bệnh viện Mộc Hóa hỏi tình hình bệnh tật của dân vùng lũ để thêm tư liệu cho những bài viết phản ánh đời sống của bà con trong cơn hồng thủy lớn nhất sau năm 1961. Không hiểu sao tôi lại “méc” ý định đó với cô Út, cô mừng rỡ vì chắc là có bạn đồng hành.
Đến bến đò Mộc Hóa, tôi và Út thuê một chiếc xuồng ba lá bơi trên các đường phố của thị trấn vào loại lớn nhất vùng Đồng Tháp để tìm đến bệnh viện. Chủ chiếc xuồng là một thiếu phụ chừng ngoài 30 tuổi, đầy đặn, mặn mà như bao phụ nữ làm nông ở tỉnh Long An này. Sau khi đưa Út vào chích ngừa, tôi tìm được bác sĩ trưởng bệnh viện, chúng tôi đứng dầm trong nước lũ làm việc nửa giờ, quay ra đã thấy Út ngồi trên xuồng.
Chuyến đi viết về vùng lũ của tôi coi như đã xong. Từ đây về thị xã Tân An thay vì chỉ một đường xe khoảng hai tiếng đồng hồ, giờ phải đi hai chặng, nửa thủy nửa bộ, mất ít nhất già buổi. Bỗng Út hỏi: “Anh Năm có muốn về nhà em chơi không? Anh gặp ông già em thì hết sẩy!”. Bất ngờ trước câu hỏi mà cũng là lời mời, tôi đang lưỡng lự thì chị chủ xuồng đế vô: “Nhà báo mà được gái đẹp mời là hên lắm nghen. Về bển lại biết thêm nhiều chuyện dân ruộng sống với mùa nước nổi nữa”...
Thế là tôi xiêu lòng. Út dành tôi bao một chiếc vỏ lãi, loại nhỏ nhất, mà như cô nói là để chạy cho lẹ về nhà còn kịp cơm trưa. Đến một giàn đáy, Út cho vỏ lãi tấp bên một chiếc xuồng lớn, có mui bằng lá dừa nước. Cô vào khoang một hồi, nói gì đó với một chị sồn sồn rồi xách ra một bị lác toàn cá rô mề.
Chiếc vỏ lãi không còn theo kinh nữa, tắt vào đồng, cứ nhằm hướng tay Út chỉ mà xé nước lao tới. Giữa cánh đồng nước dềnh như biển, bỗng hiện ra một cụm tràm, thấp thoáng trong đó là cái chòi khá lớn, hình như nó được neo trên cây. Út hớn hở: “Nhà em đó... Mà khoan... Bác tài quẹo trái cho tui hái bông điên điển".
Phút chốc trước mắt tôi là một vạt điên điển oằn mình trên mặt nước, vàng hực hoa làm bầu trời xám xịt bớt vẻ u ám. Út và tôi cứ ngồi trên vỏ mà ngắt những bông hoa ấy, ngắt đến đầy một túi ni lông. Tôi cứ hình dung, những mùa lũ trước, nước chỉ xăm xắp vạt điên điển này.
Út xắn quần bà ba lên quá bắp chân, để lộ làn da trắng ngần, cánh tay thon lẳn cũng trắng ngần, thong thả đứng hái những cánh hoa vàng mảnh mai hơn cả những cánh hoa dạ lý hương. Hoa dạ lý hương thì thơm, hoa điên điển chỉ thoang thoảng vị đắng ngọt, nhưng không hề gì, bởi hương từ mái tóc em là đủ cho một khoảng không gian thoáng đãng giữa cánh đồng quê...