Ngành chăn nuôi: Liên kết lỏng lẻo

Ý NHI| 24/09/2009 07:02

Quy mô nhỏ lẻ, kỹ thuật lạc hậu, thiếu quy hoạch và nhất là thiếu liên kết là rào cản khiến ngành chăn nuôi heo, gà ở nước ta không theo kịp thị trường...

Ngành chăn nuôi: Liên kết lỏng lẻo

Quy mô nhỏ lẻ, kỹ thuật lạc hậu, thiếu quy hoạch và nhất là thiếu liên kết là rào cản khiến ngành chăn nuôi heo, gà ở nước ta không theo kịp thị trường...

Không nhiều liên kết thành công

Trại heo giống của Công ty Thanh Bình

Đã có nhiều mô hình liên kết, hợp tác giữa các DN, Cục Thú y, Chi cục Thú y ở một số địa phương với các hộ chăn nuôi heo khá hiệu quả, như mô hình xây dựng trang trại sạch, mô hình liên kết chăn nuôi gia công, mô hình “Giúp cần câu cho nông dân” do Công ty Thanh Bình khởi xướng... Các mô hình này đã giúp nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi để nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Nhờ vậy, trình độ của các chủ trang trại, hộ chăn nuôi cũng được nâng cao. Nhiều trang trại biết áp dụng phương pháp tự lai giống, tự phối trộn thức ăn để giảm giá thành, giảm dịch bệnh.

Riêng phương thức liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm giữa các công ty chế biến thực phẩm, đồ hộp xuất khẩu ở Bình Dương, Đồng Nai, Công ty Thanh Bình và Công ty cổ phần VN... với các trang trại chăn nuôi cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao, người chăn nuôi yên tâm vì không phải lo đầu ra, thậm chí ngồi một chỗ vẫn có người đến thu mua. Khi thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người chăn nuôi, các trại nuôi gia công còn được Công ty cổ phần VN đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại (trung bình từ 500 - 800 triệu đồng/trại), và hỗ trợ con giống, kỹ thuật, thức ăn. Khi gà đến tháng xuất chuồng, Công ty thu mua toàn bộ, người nuôi được hưởng phần trăm lượng gà xuất.

Tương tự, mô hình “Giúp cần câu cho nông dân” giao cho nông dân 12 xã trong tỉnh Đồng Nai, mỗi xã 30 con heo nái (mỗi hộ một con) để nuôi với giá thức ăn ưu đãi. Mỗi xã cử hai người đi tập huấn kỹ thuật tại Công ty Thanh Bình, sau đó về hướng dẫn lại cho bà con. Khi heo nái đẻ hoặc heo thịt đến kỳ thu hoạch, Công ty sẽ bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường.

Lỏng lẻo từ hai phía

Song, mô hình liên kết này, theo ông Phạm Đức Bình - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình, mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu thị trường, nhất là chưa bền vững. Ông Bình cho biết: “Hiện nay chăn nuôi heo nhỏ lẻ chiếm đến 90% ở phía Nam, 97% ở phía Bắc. Hạn chế lớn nhất của hình thức chăn nuôi này là không kiểm soát được cung cầu thị trường, nguy cơ dịch bệnh lây lan. Đã có không ít trường hợp do khoán nuôi nên người chăn nuôi cho heo, gà ăn thêm những thức ăn hoặc thuốc tăng trọng không được phép sử dụng, làm ảnh hưởng chất lượng thịt. Hoặc ngay cả khi đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, thì hợp đồng cũng khó thực hiện do cả hai bên thiếu tin tưởng nhau và thực tế, không ít DN bị người chăn nuôi “lật kèo”.

Đại diện một công ty chế biến thực phẩm tại TP.HCM cho biết: “Dù công ty đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, thậm chí đảm bảo khi giá thị trường xuống thấp vẫn mua với giá đã ký, nhưng khi heo xuất chuồng mà giá thị trường cao hơn giá đã ký, người nuôi không ngần ngại bán cho thương lái. Về phía DN cũng không thể vì chuyện con heo mà vác đơn đi kiện, hơn nữa các chế tài để xử phạt trong trường hợp này vẫn chưa rõ ràng, nên có kiện cũng chỉ là “con kiến kiện củ khoai”. Một hạn chế thiếu tính lâu dài của mô hình liên kết này là những người gia công thường chỉ chăn nuôi vài lứa heo hoặc gà, có ít vốn là ra làm riêng, nên DN bị “bỏ rơi” hoặc rất bị động.

Về phía DN, bà Lâm Hương - Giám đốc Công ty Chế biến thực phẩm Hoàng Hương cho rằng, nguyên nhân của việc liên kết lỏng lẻo còn có một phần lỗi là DN chưa làm hết trách nhiệm với người nông dân. Hầu hết DN cung ứng dịch vụ như giống, thuốc thú y, thức ăn gia súc thì chỉ biết bán sản phẩm thu tiền, họ khuyến khích nông dân mua sản phẩm bằng khuyến mãi, chiết khấu cao chứ không đồng hành với nông dân để hướng dẫn, giúp đỡ họ xây dựng chuồng trại như DN các nước vẫn làm.

Mặt khác, cũng do hệ thống tín dụng của VN còn yếu nên các DN cung cấp dịch vụ cần phân phối sản phẩm qua đại lý mà không bán trực tiếp đến người nông dân, mục đích để chia sẻ rủi ro tín dụng. Cũng có phân tích cho rằng, các DN liên kết với người chăn nuôi theo hình thức gia công cũng là cách “buộc” người chăn nuôi phải chăn nuôi, bởi sau khi đầu tư chuồng trại, nếu DN không gia công chăn nuôi nữa thì người chăn nuôi vẫn phải tiếp tục vì chuồng trại được đầu tư khá nhiều tiền, không thể bỏ không, và lúc đó, lợi thế của các DN này là tiếp tục cung cấp thức ăn gia súc cho người chăn nuôi.

Để tạo ra sự hợp tác hiệu quả giữa DN và người chăn nuôi, Công ty Thanh Bình đưa ra một mô hình mới và chuẩn bị thử nghiệm, đó là mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt. Mô hình này không theo tiêu chuẩn khuôn mẫu đang áp dụng hiện nay là phải chuồng lạnh, giống tốt, thức ăn tốt mới cho năng suất cao, mà chỉ cần chăn nuôi thế nào cho phù hợp.

Nông dân Đức Huệ (Long An) chuyên canh ớt giống mới

Cụ thể, tiêu chuẩn cho mô hình này là 40ha, trong đó gồm 24 hộ chăn nuôi (10 hộ nuôi heo nái, 14 hộ nuôi heo thịt), mỗi hộ nuôi có lô riêng và được Công ty cấp nhà ở tại chỗ, có đất để trồng trọt, nuôi cá. Ưu điểm của mô hình này là tránh được dịch bệnh lây lan, chất lượng heo giống đồng nhất và có trạm thú y. Mặt khác, để khuyến khích nông dân an tâm theo nghề, sau 20 năm, hộ chăn nuôi nào áp dụng mô hình này sẽ được sở hữu đàn heo, chuồng trại và lô đất đang ở.

Ý nghĩa lớn nhất của mô hình này là người nông dân dần dần thoát khỏi địa vị làm công để trở thành người chủ. Khi đó, mối quan hệ giữa DN với nông dân sẽ là quan hệ khách hàng vì chính họ sẽ là người mua thuốc thú y, mua giống, mua cám... của DN. Mô hình này, theo ông Phạm Đức Bình, cũng là mô hình đang được các nước áp dụng hiệu quả.

Ngoài ra, khi thực hiện mô hình này, nông dân còn có thêm nguồn thu nhập từ cá, nông sản, và có thể dùng chúng làm thức ăn cho heo. Đó cũng là biện pháp giúp giá thịt heo không tăng khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành chăn nuôi: Liên kết lỏng lẻo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO