Liên kết bốn nhà: Phải có sự ràng buộc

KHUYNH DIỆP| 23/06/2009 08:45

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Văn Rảnh, Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM về Quyết định số 80 - 2002 của Thủ tướng Chính phủ nhằm khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng.

Liên kết bốn nhà: Phải có sự ràng buộc

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Văn Rảnh, Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM về Quyết định số 80 - 2002 của Thủ tướng Chính phủ nhằm khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng.

Ông Nguyễn Văn Rảnh - Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM (phải) thăm trang trại lan xuất khẩu của ông Nguyễn Văn Xê ở xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn.

* Thưa ông, Quyết định 80 thời gian qua đã có ảnh hưởng thế nào đối với nông dân TP.HCM?

- Ngay sau khi Quyết định 80 ra đời, nông dân TP.HCM rất mừng và tin từ nay nông sản hàng hóa làm ra sẽ có nơi tiêu thụ. Để thực hiện Quyết định này, Hội thông qua tuyên truyền, cố gắng tạo cho nông dân nhận thức về mối quan hệ có tính ràng buộc giữa người sản xuất với người tiêu thụ sản phẩm, coi doanh nghiệp là người bạn đồng hành của nông dân.

Đến nay đã có hơn 1.200 hợp đồng bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp với nông dân. Nhiều hợp đồng có hiệu quả như:

Công ty Thuốc sát trùng Miền Nam ứng trước vốn, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật – công nghệ và mua lại nông sản cho nông dân các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn;

Công ty Thiên Thành ký hợp đồng tiêu thụ sả, ớt tại huyện Bình Chánh;

Công ty Trường Thành thu mua cá da trơn tại huyện Bình Chánh, Nhà Bè;

Công ty Long Đỉnh ký hợp đồng tiêu thụ hoa phong lan cắt cành của nông dân trồng hoa lan;

Công ty Tồn Phát ký hợp đồng tiêu thụ cá sấu...

* Ông có thể nói thêm về cách làm của Hội Nông dân thành phố để có được những hiệu quả trên?

- Đặc biệt, chúng tôi vận động nông dân chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, tạo ra giá trị sinh lợi cao trên diện tích đất sản xuất so với trước đây.

Kịp thời hỗ trợ vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, hướng dẫn nông dân vay các nguồn vốn của ngân hàng và vốn phát triển sản xuất có hỗ trợ lãi suất theo chủ trương của thành phố để giúp nông dân chuyển đổi cây trồng vật nuôi.

Vận động các doanh nghiệp ký hợp đồng kinh tế (hoặc lập bảng ghi nhớ) tiêu thụ nông sản cho nông dân. Mặt khác, tổ chức hội nghị chuyên đề giữa doanh nghiệp với nông dân. Phối hợp với các ngành chức năng xúc tiến thương mại hằng năm...

Qua đó, giúp nông dân và doanh nghiệp giao lưu ký kết hợp đồng. Chúng tôi còn đấu tranh với những công ty không giữ chữ tín với nông dân như vụ Vinamilk từng không thu mua sữa, hoặc thu mua giá thấp, gây bất bình cho người chăn nuôi bò.

Mặc khác, Hội còn tuyên truyền, hướng dẫn nông dân phải có trách nhiệm thực hiện hợp đồng với doanh nghiệp, ngăn chặn hiện tượng lúc giá nông sản cao thường trì hoãn bán cho doanh nghiệp, giá thấp lại hối thúc doanh nghiệp thu mua.

* Thực tế cho thấy nông dân vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn. Theo ông, đâu là những khó khăn lớn nhất còn vướng mắc?

- Điều ai cũng thấy, đến nay số lượng hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp và nông dân không nhiều. Cá biệt có doanh nghiệp lợi dụng chủ trương của thành phố để hưởng lãi suất ưu đãi hoặc kinh doanh bất động sản từ đất nông nghiệp được giao; rất ít doanh nghiệp hướng dẫn nông dân hình thành mô hình khép kín từ sản xuất đến kinh doanh - tiêu thụ sản phẩm.

Trong khi đó, nông dân lại chưa có điều kiện tiếp cận triệt để công nghệ chế biến và bảo quản nông sản sau thu hoạch. Trong quá trình ký kết hợp đồng, nông dân ít quan tâm đến các điều khoản mà mình đã ký, do đó khi phát sinh mâu thuẫn khó giải quyết.

* Ông có kiến nghị nào về phía Nhà nước và doanh nghiệp để thúc đẩy việc thực hiện Quyết định 80?

- Về phía Nhà nước, cần tập trung hỗ trợ nông dân các kiến thức về sản xuất, cung cấp dịch vụ tư vấn, đào tạo tay nghề để nông dân sản xuất có hiệu quả, tạo ra lượng nông sản hàng hóa dồi dào, đủ sức cạnh tranh.

Hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn và xây dựng chính sách, quy hoạch các vùng nguyên liệu đặc thù. Khuyến khích doanh nghiệp xây dựng thương hiệu theo yêu cầu của thị trường thế giới.

Đối với doanh nghiệp, bên cạnh việc xây dựng thương hiệu còn phải cùng nông dân dần hình thành các xí nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã để tạo ra hàng hóa nông sản chất lượng cao.

Doanh nghiệp cần phải đổi mới việc thỏa thuận và ký kết hợp đồng với nông dân, giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp. Để việc “liên kết bốn nhà” thành công không thể không tạo ra một hành lang pháp lý nhằm ràng buộc các chủ thể liên kết cùng thực hiện.

* Tiến sĩ Nguyễn Xuân Dũng (NXB Khoa học Xã hội): Liên kết bốn nhà cần phải chặt chẽ

- So với yêu cầu phát triển nền sản xuất nông nghiệp bền vững, thì mức độ phát triển của khu vực nông nghiệp chưa đạt yêu cầu.

Đặc biệt, dù đã là hội viên của WTO, nước ta vẫn chưa có sự liên kết, đầu tư bài bản cho sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản giữa nông dân, doanh nghiệp, ngân hàng và các nhà khoa học. Các ngành trong nội bộ khu vực kinh tế nông thôn chưa gắn kết, hỗ trợ nhau phát triển.

Có thể thấy rằng, một số chínhm sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông sản hàng hóa của Nhà nước chưa đồng bộ, công tác quy hoạch các vùng trọng điểm, vùng động lực và vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa chưa dựa trên nhu cầu thị trường, một số hợp đồng kinh tế giữa nông dân và doanh nghiệp đã được triển khai nhưng thiếu sự hỗ trợ của các nhà khoa học cũng như của các cơ quan quản lý nhà nước...

Nhiều hợp đồng kinh tế tiêu thụ sản phẩm đã được ký kết giữa doanh nghiệp và nông dân còn thiếu chuẩn mực và chưa bình đẳng.

* Tiến sĩ Võ Mai (Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam): Phải xây dựng hợp tác xã theo mô hình khép kín

- Điều dễ nhận thấy là nông sản hàng hóa của nông dân sản xuất ra đều phải thông qua thương lái tiêu thụ. Hàng hóa này thương lái bán lại cho ai? Dĩ nhiên, thương lái giao cho doanh nghiệp. Điều này lý giải vì sao thương lái và doanh nghiệp có quyền định đoạt giá nông sản, nông dân thì không.

Đã vậy, do nông dân sản xuất manh mún, công nghệ sau thu hoạch và bảo quản sản phẩm quá yếu dẫn đến sự thất thoát lớn. Ví dụ: mỗi năm, nông dân cả nước sản xuất ra 6 triệu tấn trái cây các loại trong đó thất thoát 30%.

Để “liên kết bốn nhà” đi vào thực chất, hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm ổn định, không thể vắng HTX kiểu mới. Hiện nay, Hội Làm vườn VN đã và đang tiến hành hỗ trợ nông dân xây dựng 20 HTX trong đó có 7 đơn vị sản xuất trái cây an toàn.

Các HTX này hoạt động theo mô hình khép kín: sản xuất – đóng gói - tiêu thụ. Đến nay có 3/7 HTX tìm được 3 đối tác liên kết. Đối với Hội Nông dân, theo tôi, ngoài chức năng giám sát trong việc thực hiện “liên kết bốn nhà”, còn phải động viên nông dân giữ chữ tín với khách hàng, phải sản xuất ra sản phẩm an toàn, phấn đấu phải trở thành ngưởi sản xuất có văn hóa, hiểu biết về an toàn lao động và biết bảo vệ môi trường.

Bài tham gia diễn đàn này, xin gửi về e-mail: toasoan@doanhnhansg.com.vn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Liên kết bốn nhà: Phải có sự ràng buộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO