Đất đai - những bất cập từ chính sách

PGS-TS VŨ TRỌNG KHẢI Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn| 03/07/2009 09:38

Luật Đất đai hạn chế quy mô diện tích (hạn điền) đối với hộ nông dân khi giao đất và nhận chuyển quyền sử dụng đất (2ha đất hằng năm/hộ ở các tỉnh phía Bắc và 3ha đất hằng năm/hộ ở các tỉnh Nam bộ), hưng không hạn điền đối với DN...

Đất đai - những bất cập từ chính sách

Luật Đất đai hạn chế quy mô diện tích (hạn điền) đối với hộ nông dân khi giao đất và nhận chuyển quyền sử dụng đất (2ha đất hằng năm/hộ ở các tỉnh phía Bắc và 3ha đất hằng năm/hộ ở các tỉnh Nam bộ), nhưng không hạn điền đối với DN. Về thời gian sử dụng đất, trong khi các DN cả lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp có quyền thuê đất kinh doanh 50 -70 năm tùy dự án, nhưng hộ nông dân chỉ được sử dụng 20 năm đất trồng cây hằng năm. Nếu biết “lách luật”, hai vợ chồng nông dân có thể lập công ty trách nhiệm hữu hạn, với tư cách là DN để tích tụ ruộng đất, kéo dài thời gian sử dụng đất.

Cùng thực hiện một hành vi là sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp, hộ nông dân bị hạn điền, thời gian sử dụng đất 20 năm, DN thì không, như vậy các nhà hoạch định chính sách đã vi phạm nguyên tắc: “Luật pháp, chính sách nhà nước không phân biệt đối xử giữa các chủ thể (cá nhân hoặc tổ chức) cùng thực hiện một hành vi”.

Hạn chế mức độ diện tích đất nông nghiệp đối với hộ nông dân vì sợ tích tụ ruộng đất làm nông dân nghèo mất đất, thất nghiệp, nhưng chính sách lại không hạn chế tích tụ ruộng đất để làm sân golf, khu công nghiệp... Xây dựng hàng chục sân golf, sử dụng hàng ngàn ha đất nông nghiệp, nông dân mất đất, bị bần cùng hóa, tràn ra thành phố bán sức lao động. Lực lượng lao động này chỉ có thể làm những công việc như xây dựng, dệt may, da giày... vì thời gian huấn luyện tương đối ngắn với kỹ thuật tương đối giản đơn. Đến 35, 40 tuổi, họ dễ bị DN sa thải. Trở về quê, họ sẽ là một gánh nặng cho nông thôn vốn đã ít đất, thiếu việc làm.

Nói như vậy không có nghĩa là phản đối việc phát triển công nghiệp và đô thị để giữ nền nông nghiệp truyền thống. Vấn đề ở chỗ, một mặt phải đào tạo nghề cho nông dân để họ có thể có cơ hội kiếm việc làm trong các ngành công nghiệp và dịch vụ, mặt khác, phải phát triển khu công nghiệp và đô thị ở vùng nông thôn, tạo thành hệ thống các đô thị vừa và nhỏ theo cấu trúc “một trung tâm với nhiều vệ tinh”.

Không tích tụ ruộng đất, sản xuất nông nghiệp làm sao có hiệu quả? Làm sao có thể cơ giới hóa nông nghiệp, thực hiện sản xuất theo GAP để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái? Làm sao tạo ra vùng nông nghiệp hàng hóa chuyên canh lớn đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của công nghiệp chế biến và thị trường?...

Thực tế đã xuất hiện việc tích tụ ruộng đất “chui” như cách đây hơn 20 năm, người ta đã thực hiện “khoán chui”. Khi tích tụ ruộng đất để lập trang trại lớn, người nông dân mất đất, đặc biệt là đối với nông dân trung niên, thường có cơ hội kiếm việc làm ngay tại chỗ với thu nhập cao và ổn định, hơn là đến các khu công nghiệp. Khi có các trang trại lớn, các HTX đích thực mới có thể phát triển sản xuất theo hợp đồng giữa nhà nông và nhà DN, mới có thể mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Theo Luật Đất đai, nông dân chỉ được đền bù giá trị quyền sử dụng đất khi Nhà nước chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất xây dựng đô thị, khu công nghiệp, sân golf. Nông dân không có quyền mặc cả với nhà đầu tư về giá cả chuyển nhượng đất. Nhưng khi đất đã thuộc quyền sử dụng của các chủ doanh nghiệp - nhà tư bản, dù chỉ là thuê đất, nếu Nhà nước cần lấy lại để xây dựng kết cấu hạ tầng, hay một ai khác muốn thuê lại, đều phải thuận mua vừa bán, theo cơ chế thị trường.

Giá đất nông nghiệp dù có được xác định trên cơ sở thuận mua vừa bán, cũng rất rẻ, không đủ để “tái định cư” theo đúng nghĩa cho nông dân. Ví dụ giá 500.000đ/m2 đất nông nghiệp nhưng chỉ cần Nhà nước ban hành quy hoạch khu dân cư đô thị hay khu công nghiệp, và ra quyết định giao đất cho nhà đầu tư, chưa cần xây dựng bất cứ một công trình hạ tầng nào, giá đất cũng đã tăng lên 4-5 lần, có thể là 2.000.000đ/m2. Khoản chênh lệch 1,5 triệu đồng này đáng ra thuộc sở hữu Nhà nước, bởi do Nhà nước quyết định quy hoạch, nhưng nhà đầu tư lại được hưởng.

Lẽ ra, Nhà nước phải dùng khoản thu này, thông qua đấu giá, để “an cư lạc nghiệp” cho nông dân mất đất theo đúng khái niệm “tái định cư” mà cả thế giới quan niệm. Cũng không thể xử lý bằng cách nhà đầu tư trả một phần tiền mua quyền sử dụng đất của nông dân bằng cổ phiếu công ty, để giải quyết kế sinh nhai cho họ sau khi mất đất.

Bởi nông dân không đủ khả năng làm chủ cổ phần hay đồng sở hữu chủ công ty với nhà đầu tư. Rồi thì nông dân cũng phải bán “lúa non” cổ phần như phần lớn công nhân trong các DN nhà nước sau khi cổ phần hóa mặc dù họ được mua cổ phần với giá ưu đãi. Nước Nga hậu Xô viết, Nhà nước chia tài sản quốc gia cho mọi công dân bằng coupon, để rồi họ bán rẻ cho các nhà đầu tư, nhanh chóng tạo ra các ông tỉ phú trẻ như Abramovich hay Khodorovski.

Nhà nước phải sử dụng khoản địa tô do mình tạo ra để đào tạo nghề cho nông dân trẻ và lập quỹ an sinh cho nông dân trung niên, không thể chuyển đổi nghề nghiệp được. Không thể để tình trạng nông dân bán 4.000m2 - 5.000m2 đất nông nghiệp mà không đủ tiền mua lại một nền nhà 80m2 của chủ đầu tư ngay trên mảnh đất nông nghiệp của mình trước đây. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đất đai - những bất cập từ chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO