Phận người trên vùng biển Tây |
Có thể nói, dù chiều dài có thay đổi như thế nào thì ý nghĩa của vùng đất này, với chín cửa sông cùng lớp lớp phù sa tươi tốt bồi đắp, giúp cho đất đai cứ tiến mãi về phía biển, làm cho lãnh thổ Tổ quốc rộng dài ra mãi...
Những phận người nơi cửa biển
Hầu hết những khu cửa biển chúng tôi đi qua ở vùng biển phía Tây này đều có chung một hình ảnh, một kiểu nhà lợp lá dừa, nép dưới tán dừa, nằm rải rác, ăn thông ra phía mớn nước, chẳng hạn khu vực xóm Đèn Đỏ nằm bên bờ sông Cửa Tiểu, ở địa phận Tân Thành (Gò Công Đông).
Nó như còn sót lại từ hàng trăm năm trước, như những ngày đầu những người đi mở cõi đặt chân tới đây. Ở đó, men theo rẻo đất màu nâu sậm với những hàng dừa nước xanh um là những đứa trẻ lem luốc, thích chạy nhảy và hay cười.
Gọi là Cửa Tiểu nhưng nơi này rộng mênh mông, dễ đến năm, sáu cây số cho đường đi của chuyến đò ngang nối liền hai bên bờ, sang bên xứ cù lao rộng lớn Tân Phú Đông. Nhưng cư dân ở đó thưa thớt, lại quanh năm phải vật lộn với cuộc mưu sinh nên có khi cả ngày đò mới chạy một chuyến, và dường như chỉ phục vụ những người khách vãng lai như tôi.
Vì thế, dù mới chỉ đi qua nơi đó một lần, ngồi cùng người lái đò trong chốc lát nhưng câu chuyện cuộc đời ông cũng như hàng trăm gương mặt lam lũ cứ ám ảnh tôi.
Nó tẻ nhạt đến nao lòng, giống y như những con nước thủy triều cứ lên xuống đều đặn như vòng quay của số phận. Mà kỳ lạ là ông lại hay cười, cứ luôn miệng kể chuyện về vùng cửa biển nơi ông sinh ra, lớn lên và lập gia đình.
Ông kể, đây là nơi sông hòa vào biển, tôm cá nhiều vô kể. Lúc nhỏ, mỗi lần nước triều lên, ông giong ghe đi đặt dăm chục cái lờ ở dưới những gốc trang, gốc bần, gốc dừa nước rồi về ăn cơm, đợi đêm nước triều xuống, đốt đèn đi đổ. Thôi thì cả mười cái như một, đầy ắp những cá bống, cá gừa, cá rô hay cả tôm tích, tôm càng.
Ngư dân ở Vàm Láng |
Mà ở đây hay lắm, ông Trời dường như cũng biết thương con người hay sao mà một ngày nước triều lên xuống tới hai lần, khiến cá tôm lúc nào cũng sẵn có. Rồi những lúc nước trên thượng nguồn đổ về, ngập cả vùng rộng mênh mông thì ông lại đem cần đi thả câu.
Không như đặt lờ, thả câu cả ngày có khi chỉ thu hoạch được dăm con cá nhưng toàn cá lớn, như cá tra có con nặng cả chục ký lô, phải thòng thêm dây câu vào mang cá rồi kéo theo ghe về bãi cạn mới gỡ được.
Thiên nhiên sung túc và hào phóng như vậy mà thật kỳ lạ là ở đây ai cũng nghèo khó. Quanh năm suốt tháng, cứ đánh bắt được gì là mang hết ra chợ dưới Tân Hòa bán cũng chỉ đủ tiền mua gạo và những thứ thiết yếu, không dư đồng nào thì làm sao mà giàu được.
Bây giờ ông vẫn mưu sinh nhờ những con nước triều lên xuống cùng những chuyến đò chở khách mà cuộc sống thì vẫn thế, vẫn nghèo khó, lam lũ triền miên.
Nhưng có lẽ, cuộc đời của những người phụ nữ mà tôi gặp ở những cửa biển này mới chấp chênh nhất, mặc dù đa số họ chỉ quẩn quanh từ nhà tới bến cá, trong đằng đẵng những thắc thỏm, âu lo đợi chồng, con đi biển về.
Chắc chỉ những ai từng sống, từng trải qua cảm giác mòn mỏi chờ đợi bên bờ biển xanh vô tận để ngóng người thân trong mỗi chuyến đi biển trên những chiếc ghe gỗ mới cảm nhận được tâm trạng của những người phụ nữ nơi đây.
Đó không phải là tiếng thở dài, cũng chẳng là lời kêu than mà đơn giản chỉ là sự im lặng và lắng sâu trong đó là những phận người mong manh. Không chỉ ở khu vực bến cá Ba Tri, ở nhiều bến cá khác tôi đã đi qua như dưới Thạnh Phong, Mỹ Long, Trần Đề, Vĩnh Châu..., hằng ngày đều thấy bóng dáng họ.
Lẫn trong mùi tanh nồng của biển khơi, vị mặn đắng của gió biển là những giọt nước mắt. Nước mắt cho niềm vui ngày ghe đầy cá trở về và nước mắt lặng lẽ rơi khi người thân vẫn biệt tăm ngoài khơi xa. Rất nhiều nỗi đau hiển hiện trên khuôn mặt, ánh nhìn, những nếp nhăn hay đôi bàn tay chai sạn của người phụ nữ ở vùng cửa biển này.
Thế nhưng, thật kỳ lạ là nơi họ vẫn toát lên vẻ lạc quan, thanh thản. Với họ, sau mỗi ngày làm việc vất vả, được quây quần cùng những thành viên trong gia đình là niềm hạnh phúc lớn lao, dù chỉ là bên mái nhà tranh, dưới cội cây già hay trên chiếc ghe mỏng.
Phù sa bồi đắp ở bãi biển Thạnh Phong |
Vùng đất tiến về phía biển
Khi xuôi theo những cửa biển từ phía Bắc xuống, tôi đã đi qua những cù lao mà mấy trăm năm trước, những cư dân Việt đầu tiên đi mở cõi đã từng đặt chân tới. Ở đó, ngoài những ngôi làng trăm tuổi, bến cá hay những mái nhà thì hàng cây chính là nhân chứng ghi lại rõ nét nhất dấu ấn của tiền nhân.
Có lẽ, trồng cây tại nơi sinh sống từng được coi là tập quán của cư dân vùng đất này. Cây cối không chỉ cho bóng mát, chở che và giúp con người bớt đơn độc trước những hiểm họa của thiên nhiên mà còn là linh hồn, là chứng tích của vùng đất đó.
Nhưng trên tất cả, điểm độc đáo nhất của vùng biển Tây này là với hàng ngàn tấn phù sa bồi đắp thì mỗi năm, những vùng cửa biển như Cửa Tiểu, Cửa Đại, Cửa Hàm Luông, Cửa Cổ Chiên... tiến thêm ra biển hàng trăm mét. Nghĩa là, so với dấu tích tiền nhân đi mở cõi tới nay, hàng trăm làng mạc, hàng ngàn mái nhà đã được hình thành.
Thế nên, không chỉ có khu vực Đất Mũi mới hằng năm tiến thêm ra biển, làm rộng hơn, lãnh thổ của Tổ quốc, mà ở những vùng như Thạnh Phong, Ba Tri (Bến Tre), Duyên Hải (Trà Vinh) hay Cù Lao Dung, Vĩnh Hải, Vĩnh Châu (Sóc Trăng)..., đất đai cũng lấn biển.
Một người làm nghề cào nghêu ở bãi biển Thạnh Phong kể với tôi, lúc ông còn trẻ, cách đây chừng bốn mươi năm, khi những chiếc tàu không số cập bến nơi đây, một vài chiếc trong số đó đã được chính quân cách mạng đánh đắm ở ngay nơi bờ biển để bảo đảm nhiệm vụ bí mật, và đến ngày nay, xác những chiếc tàu không số đó đã nằm trên bờ, thậm chí cách bờ biển hàng trăm mét.
Hay chẳng nói đâu xa, ngay như ngôi nhà ông đang ở, ngày xưa nó nằm sát mé biển thì bây giờ, sau khi nhường lại cho thằng con út, ngôi nhà đã cách bờ biển mấy trăm mét.
Theo số liệu thống kê, mỗi năm, ở những cửa sông ven biển Tây, phù sa đã bồi đắp hàng trăm ngàn mét đất, tạo thêm môi trường sống cho người dân. Đặc biệt, tại các cửa sông lớn, phù sa bồi đắp rất mạnh, cứ thế, đất liền như "nở" ra.
Có thể nói, sứ mệnh của vùng biển Tây không chỉ là tiến ra phía biển để làm cho làng mạc thêm trù phú, cho hàng ngàn mái nhà được hình thành hay vườn tược sinh sôi, mà thiêng liêng hơn, nó còn làm cho lãnh thổ quốc gia ngày một nới rộng.