VN “vùng trắng” của thoả thuận tăng giá...

23/07/2009 01:45

Sự phi lý của giá sữa nhập khẩu tại Việt Nam dấy lên mối nghi ngờ có sự lũng đoạn, thoả thuận giữa các nhà nhập khẩu, phân phối các sản phẩm này...

VN “vùng trắng” của thoả thuận tăng giá...

Sự phi lý của giá sữa nhập khẩu tại Việt Nam dấy lên mối nghi ngờ có sự lũng đoạn, thoả thuận giữa các nhà nhập khẩu, phân phối các sản phẩm này, nhất là khi các tập đoàn xem Việt Nam là nơi ít bị rủi ro xử phạt hành vi ấn định giá.

Theo như kết quả khảo sát của cục Quản lý cạnh tranh mới công bố thì hầu hết các sản phẩm sữa bột nhập khẩu vào Việt Nam đều có mức giá cao đến phi lý, có sản phẩm đắt tới 150 - 200% so với sản phẩm ở nước khác.

William E. Kovacic, cựu Chủ tịch Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ đã tạo một ấn tượng cho nhiều người dự buổi thuyết trình về “Hợp tác, xử lý hành vi thoả thuận xuyên biên giới để tăng giá bất hợp lý” do cục Quản lý cạnh tranh, bộ Công Thương tổ chức, bằng một đoạn phim ghi lại các cuộc họp của một nhóm công ty Mỹ - Hàn Quốc - Nhật Bản bàn việc tăng giá vitamin cho sản xuất thức ăn chăn nuôi ở các quốc gia.

Theo ông Kovacic, những công ty ở nhiều quốc gia, cùng tham gia những thoả thuận như thế này, được Mỹ gọi là những “cartel”, thường xuyên họp để bàn bạc, ấn định giá cả ở nhiều quốc gia khác nhau để tránh bị phát hiện. Những cartel đó còn lập ra bản đồ thế giới, đánh dấu những nước nằm trong “vùng đỏ” - là những nước có quy định, luật pháp tương đối chặt chẽ để chống các cartel; các nước nằm trong “vùng trắng” là những nơi cartel thoả sức hoạt động do luật pháp yếu kém, dân đông…

Chiếu theo các tiêu chí trên của các cartel thì Việt Nam là “vùng trắng”. Ông Timothy Hughes, một chuyên gia của hội đồng Thương mại liên bang Mỹ, người có nhiều tháng làm việc tại cục Quản lý cạnh tranh Việt Nam nhận xét rằng, cho dù luật Cạnh tranh của Việt Nam cấm các hành vi thoả thuận, ấn định giá nhưng đôi khi, nhiều hành vi vi phạm lại chưa được quy định rõ. “Việt Nam mới chỉ ở bước đầu để phát hiện ra những vi phạm thế này. Với những cartel quốc tế thì họ có thể hiểu rằng, những hành vi của họ khó có thể bị xử phạt ở Việt Nam và trên thực tế, có những nhóm cartel khi họ xây dựng chương trình, kế hoạch khai thác thị trường Việt Nam thì lúc đó, Việt Nam còn chưa có luật Cạnh tranh. Ở Việt Nam, nếu có những hành vi bị phát hiện thì mới chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt hành chính thôi”, ông Hughes nói.

Theo như kết quả khảo sát của cục Quản lý cạnh tranh mới công bố thì hầu hết các sản phẩm sữa bột nhập khẩu vào Việt Nam đều có mức giá cao đến phi lý, có sản phẩm đắt tới 150 - 200% so với sản phẩm ở nước khác.

Cuối tuần trước, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành liên quan kiểm tra, làm rõ vì sao giá sữa bột nhập ngoại vào Việt Nam quá đắt. Theo quy định hiện hành, một mặt hàng nào đó tăng giá 20% trong vòng 15 ngày thì cơ quan nhà nước phải áp dụng biện pháp kiểm soát, bình ổn giá. Như mặt hàng sữa, năm 2008, đã nhiều lúc tăng giá hơn 20% nhưng chưa cơ quan nào xử lý. Khi được hỏi, cơ quan nào sẽ làm rõ nguyên nhân giá sữa quá cao, một quan chức của cục Quản lý cạnh tranh nói rằng: “Tôi nghĩ là cục Quản lý giá”. Ông Hughes nhận xét: “Chỉ khi nào Việt Nam đem một vụ cartel ra truy tố thì việc đó mới có ý nghĩa quan trọng cho việc trở thành “vùng đỏ” với những cartel quốc tế”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
VN “vùng trắng” của thoả thuận tăng giá...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO