Việt Nam chưa tạo được lợi thế từ năng suất lao động

29/04/2019 02:53

Năng suất lao động ngành chế biến chế tạo của Việt Nam chỉ bằng 7% của Nhật Bản, Hàn Quốc vào năm 2015

Việt Nam chưa tạo được lợi thế từ năng suất lao động

Báo cáo “Năng suất và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) được công bố mới đây đã chỉ ra: Mặc dù chỉ số cạnh tranh công nghiệp, xuất khẩu công nghiệp chế tạo và chỉ số lợi thế so sánh hiện hữu (RCA) của Việt Nam trong những năm gần đây đã liên tục được cải thiện so với các nước trong khu vực nhưng các chỉ số hiệu suất công nghiệp chế biến, chế tạo khác, đặc biệt là năng suất lao động, Việt Nam tụt lại sau các nước so sánh. Năng suất lao động ngành chế biến chế tạo của Việt Nam vẫn chỉ bằng khoảng 1/4 năng suất lao động của Trung Quốc và Ma-lay-si-a, 1/3 của In-đô-nê-xi-a và Philippines, 1/2 của Ấn Độ và Thái Lan và chỉ bằng khoảng 7% của Nhật Bản và Hàn Quốc vào năm 2015.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng tại Hội thảo công bố Báo cáo đã cho biết, nền kinh tế cũng đứng trước nhiều thách thức và áp lực không nhỏ, trong đó nổi bật lên là vấn đề năng suất, đổi mới sáng tạo và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Năng suất của nền kinh tế Việt Nam thấp, tính đổi mới sáng tạo và khả năng cạnh tranh chưa cao. Doanh nghiệp Việt Nam chưa tạo được lợi thế so sánh cần thiết. Làm thế nào để tạo được lợi thế từ việc thu hút FDI, tăng năng suất, đổi mới sáng tạo và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thông qua nâng cao năng suất, đổi mới sáng tạo và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là những vấn đề đang được đặt ra cho Việt Nam.

Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch VASS cho rằng, với thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt khoảng 2.600 USD và dự kiến đến năm 2020 đạt khoảng 3.000 USD thì theo phương pháp luận của Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam đã qua giai đoạn có tăng trưởng chủ yếu dựa vào gia tăng các yếu tố đầu vào và bắt đầu chuyển sang giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào hiệu quả và năng suất. Các động lực tăng trưởng đã giúp Việt Nam đạt được kết quả cao trong giai đoạn kể từ khi đổi mới đến nay như tài nguyên khoáng sản, lao động giá rẻ… đang tiến dần đến trần giới hạn. Bởi vậy, Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng dựa nhiều hơn vào tăng năng suất, cải thiện hiệu quả việc sử dụng, phân bổ nguồn lực cũng như nâng cao khả năng hấp thụ công nghệ và đổi mới sáng tạo. Những điều này càng trở nên cấp thiết hơn khi thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã bước vào kỷ nguyên số với sự tăng tốc của Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

Theo Báo cáo, Việt Nam cần chuyển trọng tâm thu hút FDI từ số lượng sang chất lượng và gia tăng liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp FDI, đồng thời phát triển hệ sinh thái, chuyển dịch lên các mức cao hơn trong các chuỗi giá trị địa phương và toàn cầu.

Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen cho rằng, nâng cao năng suất của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo và đổi mới sáng tạo là vấn đề then chốt để Việt Nam có thể tránh được bẫy thu nhập trung bình và tiến tới đạt được tăng trưởng bao trùm. Do vậy Chính phủ Việt Nam cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc thử nghiệm và áp dụng cách làm mới đối với các doanh nghiệp tư nhân để có thể xác định các nút thắt đang kìm hãm sự phát triển của mỗi tiểu ngành. Bên cạnh đó, Việt Nam cần có nền tảng kết nối Chính phủ và tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp FDI và trong nước được tiếp cận theo cách các bên cùng có lợi nhằm khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào xây dựng năng lực sản xuất và doanh nghiệp FDI sử dụng nhiều hạng mục và dịch vụ do địa phương cung cấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam chưa tạo được lợi thế từ năng suất lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO