Vì sao ông cọp trở nên hiền lành?

Lê Minh Quốc| 06/02/2022 00:00

Ta biết ta chúa tể cả muôn loài Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi. (Thế Lữ)

Vì sao ông cọp trở nên hiền lành?

Ai lại dám vỗ ngực xưng tên bằng câu nói kiêu căng đến thế kia? Chỉ có thể là ông cọp. Và từ xửa từ xưa đến nay, không chỉ muôn thú mà ngay cả con người cũng thừa nhận, đố dám ho he cãi lại nửa lời. Do quá sợ hãi, vì thế không dám gọi thẳng tên là cọp, thiên hạ đã đặt cho khá nhiều tên gọi khác nhau. Hễ những gì liên quan tới cọp, người ta cũng e dè, sợ sệt... Nói tắt một lời, nói gì thì nói, làm gì thì làm chứ đừng bao giờ giỡn mặt "xỉa răng cọp", "vuốt râu hùm", "ngồi lưng cọp". Hễ thấy cọp, kễnh, hùm, hổ, ông Ba mươi... thì mau tránh đi cho lành. 

Ấy thế, kỳ cục chưa, vậy mà ông cọp lại có lúc trở nên hiền lành, dịu dàng, đằm thắm vô cùng. 

Cơn cớ tại làm sao?

2. Chỉ có thể trả lời được câu hỏi này sau khi có con, lúc ấy "người lớn chúng ta" mới được sống trong một thế giới hoàn toàn trước đó. Một thế giới mà ta quan sát từ lúc đứa con mình mới bắt đầu: "Chào thế giới bây giờ con đã đến/ Một hình hài bé xíu lọt vào nôi/ Tiếng khóc ban sơ, nói cười thánh thiện/ Một chồi non biêng biếc nhánh cây Đời". Tôi cũng đã được cảm nhận như vậy và nghĩ rằng, sự thánh thiện thiên thần của đứa bé vừa lọt lòng mẹ, mới chập chững bước đi, bi bô nói cười đủ sức "hóa giải" mọi sắc màu vốn có ở trần gian này để tất cả trở nên trong trẻo hơn, tươi sáng hơn. 

Và có lúc khi ru con, đùa chơi với con, ngộ nghĩnh thay, tôi lại liên tưởng đến... ông cọp. À, với sự hung hăng, dữ dằn của "chúa tể sơn lâm", nếu gặp đứa bé thì sao? Tưởng tượng quá đáng rồi đấy nhé. Không đâu, trên đời này, chuyện gì lại không thể xảy ra? Bạn không tin ư? Vậy hãy nghe đứa bé ấy thầm thì:

Sáng Xuân rợp mát

Mẹ ẵm trên tay

Bé nghe chim sẻ

Kể câu chuyện này

Câu chuyện kể của chim sẻ như thế nào nhỉ? Thì đây, vào một ngày đầu Xuân có thể tại Sài Gòn, hoặc tại bất kỳ đô thị sầm uất nào đó trên trái đất này đã diễn ra hoạt cảnh lạ lùng: "Cọp lạc vào phố/ Gầm gừ thét gào/ Ai nấy nhốn nháo/ Cuồng chân nháo nhào/ Phố bỗng vắng hoe/ Cọp đi lừng lững/ Đột nhiên đứng sững/ Lắng tiếng oa oa". Ủa, âm thanh từ tiếng khóc trẻ con kỳ diệu lắm sao? Vâng, chính vì thế ông cọp mới "đứng sững" quan sát, lắng nghe. Ngay lúc ấy, ơ kìa, cọp đã thấy một điều mà trước đó chưa hề - nghĩa là một khi mình đã xuất hiện thì ai nấy đều chạy mất dép, chạy như ma rượt, chạy trối sống trối chết nhưng lần này lại khác: "Kìa, chập chững hoa/ Tỏa hương bập bẹ/ Nào, ông cọp ơi/ Đến chơi với bé/ Chu miệng chim sẻ/ Thỏ thẻ ngỏ lời/ Âm thanh trong trẻo/ Nguồn sáng tinh khôi".

Tôi nghĩ mọi âm thanh trên cõi nhân gian này, không gì đáng yêu có thể sánh bằng tiếng bi bô hồn nhiên của con trẻ. Âm thanh ấy, khiến tôi không thể tìm được cụm từ nào khác có thể thay thế "nguồn sáng tinh khôi". Từng nhớ đã đọc câu nói của Đức Chúa Jêsus còn ghi trong Kinh thánh: "Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng ngăn trở; vì nước thiên đàng thuộc về những kẻ giống như con trẻ ấy". Vâng, bản thân mọi đứa trẻ đều là sự kỳ diệu nhất, tinh khôi nhất mà "người lớn chúng ta" có thể cảm nhận được bằng xương thịt cụ thể.

Do đó, ngay cả ông cọp vốn dữ dằn thế kia, vốn đã từng thể hiện bản lĩnh: "Với khi thét khúc trường ca dữ dội/ Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng/ Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng/ Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc/ Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc/ Là khiến cho mọi vật đều im hơi" (Thế Lữ), thì bạn mình ơi, với sinh linh bé bỏng ấy, lại khác đấy nhé. Bé vẫn hồn nhiên reo lên tiếng nói là đủ khiến cho: "Ông cọp bồi hồi/ Tâm can xúc động/ Ngây ngất hồn thơ/ Hiền từ mơ mộng". A, ai lại không thấy tức cười khi nhìn thấy ông cọp tỏ ra mơ mộng như... thi sĩ? 

Vui quá, phải không nào? 

Ta hãy tượng tượng thân xác của ông cọp to lớn thế kia, còn đứa bé lại bé bỏng thế này, thế nhưng lúc mơ mộng, hiền lành ấy, ông cọp đã cất tiếng dịu dàng quá đỗi: "Bé ơi, bé ơi!/ Sao mà yêu thế/ Ngoan ngoan ông bế/ Hãy cười lên nào". Với người lớn, khi nghe bất kỳ mọi lời ngon ngọt dỗ dành nào, do đã có quá kinh nghiệm từng trải trên trường đời sẽ lập tức xuất hiện những suy nghĩ e dè, cảnh giác, suy tính trước sau nhưng đứa bé lại không hề. Tin và tin ở câu nói chân thành của ông cọp, vì thế mới diễn ra hoạt cảnh tươi mới lạ thường: "Cọp ru ngọt ngào/ Bé reo tiếng hát/ Phố lại đông vui/ Chim muông hòa nhạc".

Thế giới của thần tiên đấy ư? Không đâu, đó là câu chuyện của cõi đời này, vì rằng sự hồn nhiên thánh thiện của mọi đứa trẻ thừa sức đưa chúng ta trở về với bản chất vốn có từ lúc cất tiếng khóc chào đời. Mọi con người ai ai cũng có tâm tính ấy, không khác gì nhau. Và sau năm tháng sống ở trên đời, nói như nhà văn Robert Ivanovich Rozhdestvensky, bất kỳ ai cũng có lúc ước mơ được đến nhà ga, xếp hàng và nói: "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”.  Ôi, tuổi thơ của mỗi người làm sao có thể quay về? Vẫn có đấy. Đấy chính là lúc qua con mình, tôi và chúng ta đã reo lên: "Chào thế giới bây giờ con đã đến/ Trong trẻo nhìn và lạ lẫm chung quanh/ Điều cũ kỹ lại khởi đầu mới mẻ/ Bởi hôm nay sự sống mới tượng hình". 

3. Vâng, kỳ diệu thay, qua con mình, chính là lúc "người lớn chúng ta" được quay về thế giới thần tiên đó và đã được nghe câu chuyện cổ tích:

Sáng Xuân rợp mát

Mẹ ẵm trên tay

Bé nghe chim sẻ

Kể câu chuyện này...  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì sao ông cọp trở nên hiền lành?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO