Tư duy mùa Đông

NGUYỄN LÊ VINH| 12/12/2014 08:23

Đối phó với mùa Đông lạnh lẽo, con người buộc phải tính toán để tồn tại. Tư duy chiến lược và lối hành động theo kế hoạch hình thành từ đó, và sau hàng ngàn năm đã đi sâu vào tiềm thức, ngấm vào văn hóa và giáo dục của các dân tộc xứ lạnh.

Tư duy mùa Đông

Mùa Đông đã về trên đất nước Việt Nam nói chung, dù người phương Nam chỉ được hưởng chút ít cái gọi là mùa Đông với làn gió nhè nhẹ và chút hơi lạnh phảng phất buổi sớm mai. Cái lạnh làm đầu óc sảng khoái với hàng loạt ý tưởng nảy ra. Bất giác tôi chợt nghĩ vì sao những phát kiến vĩ đại lại thường xuất hiện ở những vùng đất lạnh lẽo của thế giới này. Một kiểu tư duy mùa Đông (Winter thinking).

Đối phó với mùa Đông lạnh lẽo, con người buộc phải tính toán để tồn tại. Chẳng biết cụ tổ nào dạy rằng “tích cốc phòng cơ, tích tơ phòng hàn”, nhưng chắc chắn cụ này đã sống tại vùng đất lạnh, rất lạnh. Tư duy chiến lược và lối hành động theo kế hoạch hình thành từ đó, và sau hàng ngàn năm đã đi sâu vào tiềm thức, ngấm vào văn hóa và giáo dục của các dân tộc xứ lạnh.

Nhờ tính toán và dự báo gỉỏi, họ có thể đặt ra những mục tiêu rất xa, rất cao. Và tất nhiên, ý chí sắt đá do đã quen với khí hậu khắc nghiệt giúp họ có thừa bản lĩnh để đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Đông qua rồi Xuân về, sự thay đổi theo mùa cũng giúp tạo ra sự uyển chuyển và thay đổi trong lối sống, lối sinh hoạt và từ đó hình thành sự thay đổi và đáp ứng với thay đổi trong tư duy. Những người bảo thủ, xơ cứng trong tư duy và trong cơ bắp đã dần tuyệt chủng vì quy luật phải biến đổi để tồn tại là quá nghiệt ngã để có thể chống lại.

Bên cạnh đó, mùa Đông lạnh lẽo còn giúp gắn kết các cá nhân lại với nhau. Mang lại hơi ấm cho nhau đã giúp tạo ra sự đoàn kết, tính cộng đồng và tương trợ được nêu cao và dần trở thành văn hóa.

Tuyết trắng bao la khiến con người trở nên thận trọng và tiết kiệm. Chúng ta không ngạc nhiên gì khi thấy một người da trắng kiên nhẫn dùng bánh mì vét sạch đĩa thức ăn, điều mà ít khi thấy người Việt chúng ta làm; mà nếu có, cũng sẽ bị mỉa mai là hà tiện. Có lẽ hà tiện cần được xem là tính tốt trước khi chúng ta trở nên giàu mạnh chăng?

Nói xuôi không quên nói ngược, đoàn kết không có nghĩa là thiếu sự cạnh tranh. Mùa Đông lạnh lẽo khiến cho sự giành giật nguồn sống trở nên bức thiết. Trong quá khứ đã có quá nhiều cuộc chiến nhuộm đỏ tuyết trắng mà kẻ chiến thắng là người chịu lạnh giỏi hơn. Để rồi họ nhận ra cách tốt nhất để cạnh tranh là sáng tạo, chiến thắng bằng cách tạo ra thật nhiều của cải, chứ không phải chiến thắng bằng cách đi cướp của người khác hay tranh giành cái có sẵn.

Phân phối công bằng cũng không giải quyết được vấn đề thiếu thốn cái ăn, cái mặc. Giải bài toán phân phối không phải là loay hoay tìm cách chia tốt hơn tức thay đổi mẫu số, mà làm cho tử số lớn lên, tức tạo ra nhiều của cải hơn.

Kiến trúc pháp luật vững chắc được hỗ trợ bởi nền móng giáo dục và văn hóa sâu rộng khiến cho những quốc gia vùng đất lạnh duy trì thế mạnh hàng nghìn năm qua.

Sự nghiêm minh của pháp luật là sự phủ nhận quan niệm “bần cùng sinh đạo tặc” chỉ đôi khi đúng, và thay thế bằng quan niệm “đạo tặc sinh bần cùng” thường xuyên đúng. Tuyên chiến với “đạo tặc” cũng như sự lên ngôi của các giá trị đạo đức ủng hộ sáng tạo và phát triển trở thành xu thế chính và động lực phát triển.

Vấn đề là chúng ta học hỏi được gì từ “tư duy mùa Đông” đó?

Sống trong vùng nhiệt đới, chúng ta chẳng mấy lo áo ấm nhà chắc. Ngả đâu ta cũng ngủ tạm được, nhìn quanh ta thấy có nhiều thứ chén được; ta trở nên vô tư, ung dung tự tại và vô tư hát như những chú ve. Mấy ai sắp nhắm mắt mà tự hỏi đã lấy đi và để lại những gì cho thế hệ sau?

Vì vậy, có lẽ đến lúc chúng ta phải vứt bỏ vỏ bọc tư duy cũ kỹ, rằng môi trường xung quanh vẫn bốn mùa xanh tươi như thế và chúng ta cũng cần sự ổn định như thế.

Cần phải thay thế tư duy duy trì ổn định bằng tư duy chủ động đối phó với sự thay đổi, tạo ra sự thay đổi để phát triển, để thu ngắn khoảng cách của tư duy – khoảng cách không chỉ hàng nghìn dặm từ vùng cực đến vùng xích đạo, mà là khoảng cách của hàng nghìn năm lịch sử.

Thay đổi thế nào ư? Chắc cũng chầm chậm và từ từ như gió mùa đông rơi rớt từ phương bắc xa xôi. Dẫu vậy, hãy mơ màng và thưởng thức chút ít dư âm ngọt dịu và cái bàng bạc của mùa đông để tạm quên sự tẻ nhạt của màu xanh muôn thuở.

Tháng 12 năm 2014

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tư duy mùa Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO