Từ dịch Covid-19 nghĩ về tầm quan trọng của sự trung thực

H.A| 02/04/2020 07:00

Nếu xây dựng được một nền tảng trung thực, thật thà ngay từ đầu, từ người làm quản lý gương mẫu, đi đầu người dân sẽ phải theo.

Từ dịch Covid-19 nghĩ về tầm quan trọng của sự trung thực

Dịch bệnh không cho phép mọi người nói dối

Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 đạt được kết quả tốt nhất, mới đây Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phải lên tiếng kêu gọi tính trung thực của mỗi người dân, người bệnh. Cụ thể, ông Chung nói: "Dịch bệnh Covid-19 không cho phép mọi người nói dối, phải nghiêm túc nếu không sẽ phải chịu hậu quả. Mọi biện pháp đều để thực hiện bằng được mục tiêu quan trọng nhất là người dân phải an toàn".

Chia sẻ với nỗi lo của Chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành (TP.HCM) cho rằng, tính không trung thực của một số người Việt đã có từ lâu và sự gian dối là một trong những nguyên nhân khiến Hà Nội gặp khó khăn hơn trong việc chống dịch.

Đầu tiên là sự việc của bệnh nhân số 17. Sau trường hợp này, lại tiếp tục xuất hiện nhiều bệnh nhân khác từ nước ngoài về nhưng khai gian dối khiến con số người mắc bệnh trong nước tăng lên. Vì vậy, ông Chung mới phải nhấn mạnh rằng, "trong dịch bệnh không ai được phép nói dối".

Ông Đực cho rằng, sự phản ứng trên của lãnh đạo thành phố Hà Nội là dễ hiểu bởi nếu sự chậm trễ, chưa minh bạch thông tin vì lý do nào đó cũng sẽ có nguy cơ để lại hậu quả cho xã hội, mà người chịu ảnh hưởng, thiệt thòi nhất vẫn chính là người dân.

"Lo lắng của ông Chung là có cơ sở, bởi như đã nói sự thiếu trung thực của một số người Việt đã tồn tại từ lâu. Có thể kể ở đây nhiều ví dụ. Các trạm BOT đặt sai chỗ, nhà đầu tư rải nhựa một đoạn rồi đặt BOT để thu tiền hay khai gian tiền phí, thu nhiều nộp ít là vấn đề gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận xã hội nhiều năm qua.

Rồi những người khi còn giữ chức vụ quyền hạn đã làm sai, lạm dụng hòng trục lợi, vơ vét tiền của cho cá nhân, đến khi phải chịu trách nhiệm lại chạy tội, chạy án, thậm chí khai luôn bị tâm thần nhằm thoát tội. Thực tế là chính cơ quan điều tra đã từng phát hiện 78 hồ sơ bệnh án tâm thần bị làm giả tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. Điều này khiến đại biểu Quốc hội phải đặt ra vấn đề "có hay không chuyện làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần để trốn tránh trách nhiệm hình sự sau khi phạm tội?".

Trong đời sống xã hội, cũng lại chứng kiến đầy rẫy những chuyện gian dối tương tự. Nào thì xin điểm, chạy vào trường chuyên cho con cái, lớn lên lại chạy bằng cấp... Đến nỗi, cả nước từng xôn xao Việt Nam có quá nhiều tiến sĩ, phó giáo sư nhưng lại rất ít bằng sáng chế khoa học. Thậm chí một viện, một năm đã cho ra lò được hàng trăm tiến sĩ", ông Đực nói thẳng.

Link bài viết

Bệnh nói dối từ đâu?

Dẫn một khảo sát mới đây của nhóm nghiên do giáo sư, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Ngọc Thêm chủ trì cho thấy bệnh giả dối đứng hàng đầu trong 34 tật xấu của người Việt, chiếm đến 81%. vị chuyên gia nhấn mạnh, dù chỉ là một khảo sát chưa thật toàn diện, đây vẫn là một tỷ lệ rất cao. Vậy vì sao lại xảy ra hiện tượng này?

Giải đáp câu hỏi  này, ông Đực kể lại câu chuyện vui từ cuối thập niên 70. Một người nhặt được một túi vàng, bên trong có khoảng 30-40 lượng. Người này mang túi vàng tới trình báo chính quyền và nhận được lời tuyên dương từ chính quyền.

Tuy nhiên, khi trở về nhà, người này đã phải đối diện với nhiều dư luận khác nhau. Người thì trách ông không tỉnh táo khi nhặt được vàng rồi lại mang vàng trả lại. Người thì nói, người này muốn ghi điểm, muốn được tuyên dương, khen thưởng nên mới làm như vậy. Có người lại nghi túi vàng nhặt được phải có hàng trăm lượng nhưng biết giữ lại 70 lượng, mang trả 30 lượng như vậy vừa có tiếng lại vừa được của.

"Câu chuyện cho thấy, ngay tại thời điểm xã hội còn nghèo thì một con người trung thực, thật thà đã được nhìn nhận như một hiện tượng lạ kỳ với những nghi ngờ, đố kỵ", ông Đực kể. Theo vị chuyên gia, hai chục năm gần đây, cơ chế thị trường phát triển tạo ra nhiều tác động tích cực tới đời sống, kinh tế, xã hội, giúp xã hội giàu có, người dân no ấm hơn. Nhưng mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động đến đạo đức xã hội.

Người ta nói với nhau rằng: "Thẳng thắn, thật thà thường thua thiệt. Lươn lẹo, luồn lỏi lại leo lên". Điều này không hẳn không có lý bởi vẫn còn nhiều nơi, thành công chưa căn cứ trên tài năng, trung thực, mà lại căn cứ trên mối quan hệ gia đình, tiền tệ, thân quen...

Người ngay thẳng, thật thà, dám nói, dám làm thường dễ làm mất lòng lãnh đạo, thậm chí còn bị kỳ thị "cô lập". Còn những người gian dối, lươn lẻo, dùng mồm mép miệng lưỡi lấy lòng lãnh đạo, đồng nghiệp, cộng sự lại được trân trọng, thăng hàm, lên lương, được nhiều bổng lộc, lợi ích.

Những mầm mống xấu được gieo trên nền đất là cơ chế thị trường lúc đó, gian dối, thực dụng sẽ càng có cơ hội phát triển mạnh mẽ, chín muồi hơn", ông Đực bày tỏ lo ngại.

Chữa bệnh nói dối cách nào?

Rõ ràng, nói dối là một tật xấu cần phải loại bỏ. Vậy làm thế nào có thể sửa được tính nói dối khi dù ít dù nhiều, trong nhà trường vẫn còn nói dối để chạy theo thành tích, trong xã hội nói dối đã trở thành công cụ, mục đích, phương tiện để đạt được mục đích cá nhân?

Chiếc áo trắng bị dính mực và cho biết để giặt sạch được nó sẽ mất rất nhiều thời gian, thậm chí phải dùng nhiều cách mới làm sạch được. Vị chuyên gia thẳng thắn, đây là bệnh nan y, khó chữa hơn cả bệnh tham nhũng. Muốn sửa bệnh nói dối, phải cần rất nhiều thời gian, công sức.

"Đầu tiên, phải có được một cơ chế, một quy định mới có thể gạn lọc, phát hiện được những người nói dối, từ đó phải có biện pháp để ngăn chặn nói dối và hành vi gian dối. Muốn làm được như vậy, thì ngay từ cơ chế điều hành quản lý cũng phải bảo đảm tính trung thực, minh bạch. Tức là từ người điều hành cho tới những nhân viên bình thường đều phải trung thực, thật thà. Nếu xây dựng được một nền tảng trung thực, thật thà ngay từ đầu, người làm quản lý gương mẫu, đi đầu người dân sẽ phải theo", ông Đực đề xuất.

(Theo Đất Việt - tựa bài do DNSG đặt lại)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Từ dịch Covid-19 nghĩ về tầm quan trọng của sự trung thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO