Trả nợ thay chứ không phải cho không

18/09/2011 08:03

Về hàng trăm triệu USD mà Chính phủ vừa cấp bảo lãnh cho bốn dự án Đồng Bành, Thái Nguyên, Tam Điệp, Hoàng Mai (trong số 1,365 tỉ USD Chính phủ đã bảo lãnh cho 16 dự án ximăng), ông Nguyễn Thành Đô (Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính) giải thích:

Trả nợ thay chứ không phải cho không

Về hàng trăm triệu USD mà Chính phủ vừa cấp bảo lãnh cho bốn dự án Đồng Bành, Thái Nguyên, Tam Điệp, Hoàng Mai (trong số 1,365 tỉ USD Chính phủ đã bảo lãnh cho 16 dự án ximăng), ông Nguyễn Thành Đô (Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính) giải thích:

Ông Nguyễn Thành Đô - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính

- Các dự án ximăng nêu trên có thể chỉ gặp khó khăn tạm thời chứ không phải mất khả năng thanh toán, trong thời gian doanh nghiệp (DN) không cân đối được nguồn vốn thì Chính phủ đã đứng ra bảo lãnh nên sẽ trả nợ thay. Đây cũng là thông lệ quốc tế.

Vinashin là trường hợp khác

Về việc trước đây Chính phủ từng phát hành 750 triệu USD trái phiếu quốc tế về cho Vinashin vay lại khác gì với các khoản bảo lãnh dự án ximăng, ông Nguyễn Thành Đô giải thích: việc đi vay về và cho vay lại là Chính phủ đi vay trực tiếp, nghĩa là chủ thể đi vay. Trường hợp vay có bảo lãnh thì DN là chủ thể đi vay, còn Chính phủ chỉ bảo lãnh đằng sau.

Trong trường hợp này khi xảy ra tình trạng khó khăn thì đầu tiên DN phải xử lý, sau đó Chính phủ mới tham gia. Vì vậy nghĩa vụ nợ bảo lãnh là nghĩa vụ nợ dự phòng, còn nghĩa vụ nợ khi Chính phủ đi vay về để cho vay lại là nghĩa vụ nợ trực tiếp.

Việc Chính phủ trả nợ thay không phải là cho không DN đó, mà DN sẽ phải nhận nợ lại với Bộ Tài chính và phải cân đối nguồn trả nợ trong thời gian không quá năm năm. Sau ba kỳ được Bộ Tài chính trả nợ thay mà DN vẫn không trả được nợ, Bộ Tài chính sẽ kiểm tra, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý, cần thiết thì xử lý tài sản thế chấp lấy nguồn trả nợ.

* Ngoài các dự án ximăng xin trả nợ thay nêu trên, còn dự án nào cũng gặp khó khăn và Chính phủ sẽ phải trả nợ thay?

- Trước đây Bộ Tài chính đã phải ứng trả nợ thay cho Nhà máy giấy Việt Trì. Trong năm 2011 Chính phủ đã ứng trả nợ thay đợt 2 cho ximăng Tam Điệp 4,55 triệu USD và đợt đầu tiên là 4,22 triệu euro cho ximăng Thái Nguyên.

* Khi hoạt động của DN gặp khó khăn thì Nhà nước đều phải đứng ra thực hiện các nghĩa vụ này, nghĩa là dùng ngân sách do người dân đóng thuế để trả nợ thay cho DN?

- Việc bảo lãnh của Chính phủ nhằm tạo điều kiện làm ăn cho DN, vì làm ăn có khi lỗ có khi lãi. Nhìn chung cho đến nay các DN được bảo lãnh đại đa số đều làm ăn tốt. Nếu để DN “chết” thì không ai được lợi.

* Nguồn tiền trả nợ thay này được lấy từ đâu?

- Lấy từ quỹ tích lũy trả nợ là quỹ thuộc ngân sách nhà nước do Bộ Tài chính quản lý. Việc trả nợ thay chỉ bị mất trong trường hợp DN đó không làm ăn được nữa và bị phá sản, nhưng câu chuyện đó chưa xảy ra. Nếu điều này có xảy ra thì giải quyết hướng có thể xử lý tài sản thế chấp, cơ cấu lại hoặc bán DN...

* Điều gây lo lắng là tính an toàn của nợ?

- Mỗi nền kinh tế có đặc điểm khác nhau, sự hấp thụ nguồn vốn đầu tư cũng như hiệu quả khác nhau.

Ở nước ta vay nợ bao nhiêu là vừa? Trước đây trong Quốc hội có ý kiến cho rằng vay khoảng 50% GDP là vừa, nếu ta vượt qua ngưỡng này là vượt ngưỡng an toàn. Nhưng nhiều nước EU quy định 60% mới là vượt quá ngưỡng an toàn, hay một số nước khác quy định cao hơn. Cái đó tùy theo đặc điểm nền kinh tế.

Chúng tôi khẳng định khả năng trả nợ của đất nước vẫn nằm trong phạm vi an toàn chứ không phải cứ nhìn thấy một vài DN làm ăn không hiệu quả, không trả được nợ... thì coi vay nợ là xấu.

* Khi nói an toàn như vậy là dựa vào các chỉ số nào?

- Có một hệ thống chỉ số để giám sát sự an toàn, ví dụ những chỉ số như tổng số dư nợ/GDP, tổng số trả nợ so với thu ngân sách nhà nước, tổng số nghĩa vụ trả nợ hằng năm so với xuất khẩu, tổng số dư nợ ngắn hạn so với dự trữ ngoại hối... Phải dùng cả hệ thống đó mới đánh giá được bức tranh toàn cảnh.

* Liệu VN nên có trần nợ công và do Quốc hội quy định?

- Cho đến lúc này VN đã quy định trần nợ nước ngoài không quá 50% GDP. Hiện Bộ Tài chính đang xây dựng chiến lược nợ công thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó sẽ đặt ra vấn đề trần nợ công. Việc này hiện nay đang báo cáo Chính phủ và Bộ Chính trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trả nợ thay chứ không phải cho không
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO