TP.HCM và bài toán tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư

NGUYỆT HỒNG| 23/02/2017 06:47

Trên tinh thần tháo gỡ ngay những khó khăn cho nhà đầu tư, Cục Thuế và Cục Hải quan TP.HCM vừa có buổi đối thoại với hơn 100 doanh nghiệp Nhật Bản.

TP.HCM và bài toán tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư

Trên tinh thần tháo gỡ ngay những khó khăn cho nhà đầu tư, Cục Thuế và Cục Hải quan TP.HCM vừa có buổi đối thoại với hơn 100 doanh nghiệp Nhật Bản. 

Đọc E-paper

"Thay vì đối thoại, chúng ta sẽ tham mưu, tư vấn cho nhau trước để chủ động hơn trong việc hướng dẫn, thực hiện các quy định, tránh vướng mắc, doanh nghiệp (DN) phải kêu. Như vậy giúp DN thuận lợi và cơ quan hải quan cũng làm tốt nghiệp vụ của mình", ông Đinh Ngọc Thắng - Phó cục trưởng Cục Hải quan chia sẻ tại buổi đối thoại do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) cùng Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM tổ chức ngày 15/2/2017.

Vướng mắc do lỗi cán bộ ngành thuế và hải quan

Về thuế, vấn đề lãi chậm nộp tiền thuế được DN Nhật Bản quan tâm nhất, bởi theo quy định trên văn bản pháp luật thì lãi chậm nộp tiền thuế đối với khoản thuế chưa nộp sẽ được tính tương ứng với số ngày từ sau khi thanh tra thuế cho tới ngày nộp, nhưng DN lại được tính tương ứng với số ngày cho tới ngày ký quyết định của cục thuế.

DN cũng phản ảnh đã thực hiện đầy đủ yêu cầu đóng khoản lãi chậm nộp thuế của vụ việc 3 năm trước, mà mới đây lại nhận được thông báo của cơ quan thuế cho rằng vẫn còn đóng thiếu vài ngày. DN nghĩ Cục Thuế TP.HCM đang lật lại các quyết định và truy thu thêm như vậy là không hợp lý.

Ông Nguyễn Văn Thiện - Trưởng Phòng Tuyên truyền - Hỗ trợ Cục Thuế TP.HCM cho rằng, việc truy thu tiền lãi khoản thuế chậm nộp là đúng quy định pháp luật và tạo sự công bằng giữa các DN. Sau khi thanh tra thuế, lãi chậm nộp thuế được tính đến ngày DN nộp tiền vào ngân sách, chứ không phải ngày có quyết định gửi tới DN. Với phản ảnh của DN, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM Lê Duy Minh ghi nhận và sẽ làm rõ việc cơ quan thuế trong thông báo tính lãi chậm nộp thuế từ những năm trước.

Đối thoại doanh nghiệp Nhật Bản

Cục Thuế cũng trả lời thắc mắc của các DN Nhật Bản về việc hoàn thuế VAT khi bán nguyên phụ liệu lại cho DN trong khu chế xuất tại Việt Nam, thời gian hoàn thuế từ khi nộp hồ sơ đề nghị đến khi hồ sơ được xét duyệt, chi phí hủy hàng có được ghi nhận là chi phí hợp lý hay không. Ông Minh cho biết, ngành thuế đã cải thiện thủ tục nhiều và nếu còn những vướng mắc, Cục Thuế TP.HCM sẽ kiến nghị Tổng cục Thuế làm sao để minh bạch hơn trong chính sách tính thuế.

Về hải quan, DN Nhật Bản nêu việc có trường hợp đã nộp thuế đầy đủ và đúng hạn nhưng cơ quan hải quan vẫn yêu cầu xuất trình giấy nộp tiền có xác nhận của ngân hàng mới được thông quan hàng hóa.

Cục Hải quan TP.HCM nhìn nhận một số nhân viên, cán bộ hải quan giữ thói quen làm việc cũ, ngại tra cứu thông tin trên cổng thông tin điện tử của ngành mà yêu cầu DN phải đưa giấy nộp tiền mới cho thông quan. Để chấm dứt tình trạng này, lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM đề nghị DN không đưa giấy nộp tiền khi được yêu cầu, mà hãy yêu cầu nhân viên hải quan tra cứu dữ liệu trên hệ thống thông tin điện tử.

Một số DN Nhật Bản phản ánh là thời gian cập nhật tình trạng nợ thuế khá lâu làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của DN. DN gặp phải tình trạng tra cứu giấy nộp tiền trên cổng thông tin điện tử đã hết nợ, ngân hàng chuyển tiền thành công nhưng vẫn chưa được thông quan do cán bộ hải quan thông báo chưa thấy kho bạc hạch toán.

Theo Cục Hải quan, hiện Tổng cục Hải quan đã ký liên kết với 17 ngân hàng thương mại, trong đó có 2 ngân hàng của Nhật Bản. Khi DN nộp tiền vào ngân hàng, lập tức dữ liệu xuất hiện trên cổng thông tin điện tử của hải quan. Nếu có trục trặc trong khâu kiểm tra dữ liệu là trách nhiệm của hải quan và Kho bạc Nhà nước, chứ không phải của DN.

Cầu thị để đồng hành

Ông Lê Duy Minh - Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM khẳng định, thời gian qua, ngành thuế của Việt Nam nhận được nhiều sự hỗ trợ của các cơ quan thuế nước ngoài liên quan đến vấn đề xác định giá tính thuế. Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế đã được quy định cụ thể tại Thông tư 201/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Theo đó, thỏa thuận trước về giá tính thuế là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan thuế và người nộp thuế nhằm xác định cụ thể căn cứ tính thuế, phương pháp xác định giá tính thuế trước khi người nộp thuế nộp hồ sơ kê khai thuế thu nhập DN. Đây cũng là một trong những biện pháp được các DN có vốn đầu tư nước ngoài muốn sử dụng để đơn giản hóa việc thực hiện nghĩa vụ thuế.

Cục Thuế đã tiếp nhận nhiều hồ sơ xin được áp dụng thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế của các đơn vị nước ngoài và mong các DN Nhật Bản cùng với cơ quan thuế thực hiện phương pháp này.

Ông Đinh Ngọc Thắng - Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM nhấn mạnh, những chính sách về hải quan trong những năm qua đã có nhiều thay đổi với mục đích đơn giản hóa thủ tục cho DN và thực hiện những cam kết trong các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết.

Cục Hải quan đã cam kết với UBND TP.HCM và các hiệp hội DN là sẽ rút ngắn thời gian thông quan khoảng 50% so với quy định. Cục Hải quan đang thực hiện phân luồng thông quan hàng hóa theo tỷ lệ luồng xanh chiếm khoảng 57%, luồng vàng 38%, luồng đỏ khoảng 5%. Tỷ lệ này đã tăng để luồng xanh đạt 67%, luồng vàng 28%, còn lại luồng đỏ.

Thời gian qua, hàng hóa liên quan quản lý chuyên ngành có tỷ lệ tờ khai rất cao, đến 35%. Cục Hải quan TP.HCM kiến nghị các bộ, ngành cũng như báo cáo Tổng cục để sửa đổi bổ sung các quy định để làm sao tỷ lệ này xuống còn khoảng 15% trong năm 2017.

>>Thu hút đầu tư nước ngoài: Tránh "vết xe đổ" Formosa

Để giảm hơn nữa thời gian thông quan hàng hóa, Cục Hải quan TP.HCM tiếp tục giao trách nhiệm thông quan hàng hóa ở cổng cửa cho các DN kinh doanh cảng quản lý, tức khi hàng hóa nhập cảng, qua hệ thống điện tử cơ quan hải quan kết nối với DN kinh doanh cảng, thì sẽ được thông quan ngay.

Cục Hải quan đang thực hiện thủ tục hải quan điện tử cho tất cả tờ khai, đã kết nối với kho bạc, Cục Thuế TP.HCM, đồng thời nâng cấp và trang bị thiết bị hiện đại như máy soi container. Cục Hải quan đã xây dựng hải quan trực tuyến ở những cửa khẩu lớn để giám sát hoạt động của cơ quan hải quan và DN, cũng là giám sát việc thực hiện công vụ của công chức hải quan, nếu phát hiện hành vi hay thái độ không đúng thì sẽ bị xử lý ngay.

Ông Đinh Ngọc Thắng cho biết, để mối quan hệ giữa cơ quan hải quan và DN tốt hơn thì bên cạnh những cuộc đối thoại, Cục Hải quan sẽ có những cuộc đối thoại với các Chi cục Hải quan để giải quyết ngay khó khăn của DN. Ông Thắng rất mong các hiệp hội DN cùng với Cục Hải quan tổ chức những hội nghị bàn tròn, thay vì đối thoại.

Ở những hội nghị bàn tròn đó, hai bên sẽ tham mưu, tư vấn cho nhau trước, hải quan hướng dẫn cho DN, tránh khi vướng thì DN phải kêu, như vậy giúp DN thuận lợi và cơ quan hải quan cũng chủ động trong nghiệp vụ.

"Cục Hải quan là một trong những cơ quan đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài, ước mong làm tốt để DN an tâm đầu tư vào TP.HCM. Trên tinh thần cầu thị, chúng tôi mong những phản hồi từ Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản và các hiệp hội DN khác để có điều kiện hướng dẫn, trao đổi, làm cho tinh thần "tạo thuận lợi tối đa cho DN" thật sự là thực chất", ông Đinh Ngọc Thắng chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM và bài toán tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO