Tăng lương tối thiểu 12,4%, DN vừa và nhỏ lao đao

CẨM TÚ/DNSGCT| 13/09/2015 09:07

Nhiều DN vừa và nhỏ sẽ khó vượt qua được những khó khăn chung, thậm chí đi đến phá sản nếu quyết định tăng lương được thực hiện đầu năm 2016 mà chưa có sự chia sẻ gánh nặng nào từ phía Nhà nước.

Tăng lương tối thiểu 12,4%, DN vừa và nhỏ lao đao

Ngày 3/9 vừa qua, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất trình lên Chính phủ mức bình quân tăng lương tối thiểu vùng so với năm 2015 là 12,4%. Con số này khá cao so với đề nghị của các hiệp hội doanh nghiệp (DN). Nếu quyết định trên được thực hiện ngay đầu năm 2016 mà không đi kèm sự chia sẻ gánh nặng nào từ phía Nhà nước thì sẽ có nhiều DN vừa và nhỏ khó vượt qua được những khó khăn chung, thậm chí đi đến phá sản.

Đọc E-paper

Tăng thêm gánh nặng cho DN

Nhìn chung, các hiệp hội DN đều cho rằng yêu cầu tăng lương tối thiểu là cần thiết để giúp người lao động tái tạo sức lao động và tích tụ vốn… Tuy nhiên, trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, mức tăng cần phải được nghiên cứu thật kỹ để đưa ra con số sát sao nhất.

Đơn kiến nghị của Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh gửi đến Hội đồng Tiền lương quốc gia và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây có viết: “Về căn bản, trước khi ra quyết định để đệ trình Chính phủ về việc tăng lương tối thiểu, Hội đồng Tiền lương quốc gia và Liên đoàn Lao động Việt Nam phải tổ chức lấy ý kiến của DN, những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ quyết sách này.

Thế nhưng khi vấn đề được đưa ra thì các DN lớn nhỏ đều không hề hay biết nên họ vô cùng lo lắng, vì nếu mức tăng lương tối thiểu nếu không phù hợp với thực tế thì có thể ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch kinh doanh, thậm chí sự sống còn của DN”.

>>Lương tối thiểu 2016: Cao nhất 3,5 triệu đồng/tháng

Theo tính toán của Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 8 tháng đầu năm chưa đến 1%, nếu cả năm 2015 tiền trượt giá 3% và mức tăng bình quân năng suất lao động ở Việt Nam hiện nay từ 3,1 đến 3,7% thì mức tăng lương tối thiểu cho năm 2016 khoảng 7% là hợp lý.

Tương tự với cách tính của Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đề xuất mức tăng lương tối thiểu không quá 6%. Lãnh đạo ngành này còn cho biết hiện vẫn có nhiều tranh cãi trong việc tính toán nhu cầu sống tối thiểu.

Việt Nam chỉ dựa vào thông số thực phẩm để tính nhu cầu tối thiểu (một trẻ em bằng 0,7 người lớn).

Tuy nhiên, theo cách tính của thế giới, nếu thêm các yếu tố phi lương thực, tỷ lệ phụ thuộc chỉ là 0,5. Điều này đồng nghĩa với việc lương tối thiểu hiện có đã đáp ứng 94,8% nhu cầu sống tối thiểu, chứ không phải là 80% như hiện nay.

Ông Shimon Tokuyama - Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam nhận xét rằng trong ngành gia công lắp ráp, chi phí nhân công ngày càng tăng đang là điều đáng lo ngại.

>>Lần đầu tiên Việt Nam đứng đầu thị trường gia công thế giới

Năm vừa qua, quy định người lao động không được tăng ca quá 30 giờ/tháng đã khiến nhiều DN buộc phải tuyển thêm người, trong khi rất nhiều lao động sẵn sàng tăng ca nhiều hơn để tăng thu nhập.

Nay cộng thêm việc điều chỉnh mức lương tối thiểu quá cao, chắc chắn các DN tại Việt Nam sẽ bị giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Từ kinh nghiệm của các nước khác, để đảm bảo cho DN hoạt động bền vững, mức tăng năng suất phải cao hơn mức tăng lương.

So với các nước Thái Lan, Malaysia và Indonesia, Việt Nam là nước duy nhất mà trong những năm qua, mức tăng lương tối thiểu luôn cao hơn so với mức tăng năng suất.

Hiện nay, dệt may, da giày, chế biến, thủy sản là những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ việc tăng lương. Đối tượng DN vừa và nhỏ (chiếm hơn 80% tổng số công ty) trong các ngành trên lại càng chịu sức ép lớn.

Vốn ít, khả năng tăng năng suất chậm chạp, DN vừa và nhỏ Việt Nam đã ít nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước nay lại càng thua thiệt ngay trên sân nhà.

>>Cần hỗ trợ DN vừa và nhỏ bước vào cuộc chơi lớn

Nếu các DN FDI e ngại hơn trong việc mở rộng sản xuất thì các DN vừa và nhỏ đứng trước nguy cơ thu nhỏ hoặc ngừng hoạt động.

Trong hơn 70% DN sản xuất kinh doanh không có lãi hiện tại, rõ ràng một tỷ lệ không ít sẽ khó tồn tại lâu được với mức tăng lương tối thiểu trên 10%.

Phần đông người lao động không được lợi

Trên thực tế, hiện nay Việt Nam đã có thị trường lao động với nguyên tắc “thuận mua vừa bán”.

Với những lao động có tay nghề, DN luôn phải trả thu nhập cao hơn lương tối thiểu thì mới giữ được người, còn những lao động hưởng lương tối thiểu chủ yếu là đối tượng mà DN đang phải trả chi phí đào tạo lại.

Số lao động trong DN có bảo hiểm xã hội hiện chỉ khoảng 7,5 đến 8 triệu người, nhưng dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam lên tới 55 - 56 triệu người.

Mức lương tối thiểu tăng sẽ làm mất cơ hội được đào tạo để thoát khỏi nông nghiệp hoặc khu vực lao động phi chính thức của hàng triệu lao động chưa có tay nghề.

>>DN nói gì về điều chỉnh lương tối thiểu vùng?

Sắp tới đây, khi các hiệp định thương mại tự do được thực hiện, trong các ngành có sự trao đổi lao động quốc tế như khách sạn, lữ hành, nhiều lao động Việt Nam sẽ mất việc làm vào tay người Philippines, Indonesia, Thái Lan do chi phí lương so với năng suất lao động ngày càng kém cạnh tranh. Với hầu hết lao động có tay nghề, tăng lương cũng không phải là việc đáng mừng.

Chị Trần Hoàng Trâm, công nhân tại Khu chế xuất Linh Trung cho biết: “Trong vòng mười năm qua, chúng tôi được tăng lương không dưới mười lần nhưng đời sống vẫn gần như không có cải thiện gì, bởi hễ tăng lương tối thiểu, các phụ cấp kèm theo sẽ giảm tương ứng, rồi lại trừ thêm phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Năm nay thu nhập thực tế của chúng tôi thậm chí còn giảm so với những năm trước vì DN tuân thủ Luật Lao động không cho công nhân làm thêm quá 300 giờ một năm. Rồi vật giá, giá thuê nhà trọ được dịp ăn theo việc tăng lương cũng leo thang… Nên cứ mỗi lần nghe đến tăng lương, chúng tôi không thấy mừng mà lại thêm lo”.

>>VCCI: Lương tối thiểu vùng tăng 9-10% là hài hòa

Theo luật sư Trương Thanh Đức, ấn định lương tối thiểu chỉ có ý nghĩa thực sự nếu như DN không trả được mức lương đó, thì người lao động được hưởng thêm lương hay trợ cấp thất nghiệp để có được mức lương tối thiểu.

Nếu vẫn có nhiều lao động chỉ có mức lương quá thấp, không đảm bảo cuộc sống tối thiểu, thì Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ cho họ như trợ cấp khó khăn, miễn bảo hiểm y tế, cho vay hỗ trợ mua nhà ở…

Cần sự chia sẻ từ Nhà nước

Về phía DN, khi tỷ lệ quỹ lương ngày càng lớn dần so với doanh thu, chủ DN sẽ buộc phải tăng giá bán hoặc giảm phụ cấp, phúc lợi cho công nhân viên. Cả hai hành động này trực tiếp và gián tiếp đều ảnh hưởng đến nền kinh tế chung lẫn đời sống người lao động.

Theo thông tin của Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh, đối với ngành sản xuất của Việt Nam, quỹ lương thường chiếm từ 18 đến 20% giá thành sản phẩm, trong khi tỷ lệ này ở các nước ASEAN khác chỉ là 16%.

Nếu sắp tới lương tối thiểu tăng thì khả năng cạnh tranh của DN Việt càng giảm sút. Nhiều DN cũng đề nghị chỉ nên tăng lương hai năm một lần vì mỗi lần tăng lương đều vất vả: vừa chịu gánh nặng của quỹ lương tăng lên, vừa mất thời gian phải đi đăng ký lại bảo hiểm, công đoàn, thang bảng lương…

>>Tăng lương tối thiểu: Doanh nghiệp "theo" không kịp

Tất nhiên, việc tăng lương cũng có mặt tích cực là hành động này buộc những DN muốn tồn tại phải nâng cao năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, nâng cao tay nghề người lao động.

Tuy nhiên, khi mặt bằng của nền kinh tế chưa cho phép, đa số DN không có khả năng đáp ứng thì tăng lương tối thiểu sẽ chỉ mang lại lợi ích cho thiểu số. Việc buộc DN phải tự nâng cao sức cạnh tranh cần có thời gian và những hỗ trợ cụ thể từ phía Nhà nước.

Trước hết, Chính phủ có thể chia sẻ gánh nặng cho DN bằng cách giảm thuế, bớt đi những khó khăn về thủ tục hành chính như: thuế, hải quan, đất đai, xây dựng…

Môi trường kinh doanh cũng cần minh bạch hóa, tạo thuận lợi và bình đẳng cho DN, giảm mạnh các chi phí không chính thưc, tháo gỡ những ràng buộc về số giờ làm thêm cho các DN trong một số ngành để đáp ứng yêu cầu thời vụ và đặc thù…

Trước mức tăng lương tối thiểu vùng 12,4%, ông Hoàng Quang Phòng - Phó chủ tịch VCCI nhận xét: “Mức tăng như trên đã vượt quá khả năng chi trả của doanh nghiệp. VCCI sẽ tiếp tục tập hợp ý kiến của các DN để kiến nghị giảm mức đóng bảo hiểm xã hội”.

Thực tế, khi lương tối thiểu tăng 12,4% thì thực tế quỹ lương của DN chi trả cho người lao động tăng lên tới khoảng 18%, vì ngoài mức tăng lương, DN phải chi trả thêm mức đóng các loại bảo hiểm, phí công đoàn… Đó là thách thức lớn mà các DN phải đương đầu và vượt qua.

>>Giới chủ nói chuyện lương tối thiểu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tăng lương tối thiểu 12,4%, DN vừa và nhỏ lao đao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO