Tâm tình người gác đèn biển Trường Sa

HẢI ÁNH - Ảnh: NGỌC NAM| 12/02/2016 06:47

Từ ngoài khơi nhìn vào quần đảo Trường Sa sẽ thấy những ngọn hải đăng nổi bật giữa biển trời, nhưng mấy ai biết cuộc sống của những người giữ cho đèn biển đêm đêm tỏa sáng lại hết sức thầm lặng...

Tâm tình người gác đèn biển Trường Sa

Từ ngoài khơi nhìn vào các đảo nổi, đảo chìm trên quần đảo Trường Sa sẽ thấy những ngọn hải đăng vươn cao, nổi bật giữa biển trời xanh ngắt. Thế nhưng mấy ai biết cuộc sống của những người vừa giữ cho đèn biển đêm đêm tỏa sáng, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo lại hết sức thầm lặng...

Đọc E-paper

Ngọn hải đăng với những thông số kỹ thuật đặc thù được thể hiện trên bản đồ và các thông báo hàng hải chung của thế giới không những là "mắt thần" của biển, giúp cho tàu thuyền qua lại an toàn mà còn là cột mốc dân sự, góp phần khẳng định chủ quyền của quốc gia trên biển, đảo.

Từ khi xây dựng, đưa vào vận hành và cho đến tận bây giờ, những ngọn hải đăng của quần đảo Trường Sa vẫn ngày đêm miệt mài thắp sáng. Ánh sáng đó có được là nhờ những con người bền bỉ, kiên cường bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió, quản lý và vận hành đèn biển.

Nếu chúng tôi không đi theo tàu tiếp tế Hải Đăng 05 của Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông và hải đảo thuộc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Nam ra thăm Trường Sa, được tận mắt chứng kiến cuộc sống gian khổ, khắc nghiệt và lắng nghe những tâm sự của người gác đèn biển nơi đây, thì cũng khó hình dung hết nỗi vất vả, thiệt thòi của những người giữ đèn.

Khó khăn trăm bề

Ngoài hải đăng Song Tử Tây nằm giữa đảo và 4 đèn đặt trên các nhà giàn DK1, 8 đèn còn lại trên quần đảo Trường Sa đều ở sát mép biển hoặc trên những cồn san hô giữa bốn bề biển cả mênh mông. Quần đảo Trường Sa còn được gọi là "quần đảo bão tố”, thường xuyên xuất hiện hiện tượng thời tiết cực đoan, luồng lạch, địa hình, chất đáy cũng có nhiều đặc điểm phức tạp, khác hẳn với khu vực ven bờ.

Mỗi năm có 6 chuyến tàu tiếp tế lương thực, thực phẩm ra các đảo nhưng trên thực tế, do tàu công suất nhỏ, chỉ đi được trong điều kiện gió cấp 4, cấp 5, trong khi vào mùa mưa bão, gió thường ở cấp 6, cấp 7, có khi giật trên cấp 7, biển động dữ dội, nên có những lúc phải 3 - 4 tháng tàu mới ra được đảo.

Anh Đặng Văn Thanh - Trạm trưởng Trạm Hải đăng Trường Sa Lớn tâm sự: "Những người gác đèn biển Trường Sa không những phải chống chọi với sóng to, gió lớn, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mà còn phải thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu thốn về vật chất. Anh em vừa phải thay ca bảo trì, bảo dưỡng, vận hành hải đăng bất kể giông bão, vừa trồng rau, nuôi gà, nuôi heo... để cải thiện bữa ăn, đồng thời phải tiết kiệm nước ngọt để những lúc khô hạn còn có nước mà dùng. Thế nhưng, để một mầm xanh nhú lên hay một con gà, con heo có thể sống được là không dễ. Không ít lần anh em phải vay lương thực của bộ đội để cầm cự qua ngày".

Ở những đảo chìm, cuộc sống của người gác đèn biển còn gian truân và hiểm nguy hơn. Hải đăng nằm chơ vơ trên cồn san hô hay bãi đá ngầm, bao vây tứ phía là biển. Doanh trại bộ đội nằm cách xa đèn. Những ngày bão gió, anh em thường xuyên phải ăn đứng, ngủ ngồi. Sóng biển dâng cao, tạt ướt hết đồ đạc. Trạm hải đăng Đá Lát đã bị xuống cấp, khi giông tố đến, cả tháp đèn rung lắc như có động đất. Sự sống của anh em lúc đó như "chỉ mành treo chuông nhưng thử thách khắc nghiệt nhất với người gác đèn biển Trường Sa là nỗi cô đơn của kẻ độc hành và nỗi buồn xa quê, xa nhà”.

Hải đăng Đá Lát - Trường Sa

Cô đơn giữa trùng khơi

Là lực lượng đông thứ hai sau bộ đội hải quân đóng trên quần đảo nhưng các đoàn công tác ra thăm Trường Sa thường ít khi ghé trạm hải đăng. Các phong trào "Góp đá xây Trường Sa", những chương trình kết nghĩa, biểu diễn văn nghệ, những lá thư từ đất liền cũng không dành cho người gác đèn biển.

Anh Bùi Văn Sơn đã 11 năm công tác tại quần đảo Trường Sa và hiện ở Trạm Hải đăng Nam Yết bộc bạch: "Chúng tôi thường phải chạy xuồng sang doanh trại bộ đội để được nghe ké, nói chuyện ké với các đoàn văn công hay các đoàn công tác. Có những lúc quá cô đơn, nhác thấy bóng tàu thuyền của ngư dân đi qua, chúng tôi liền thả xuồng máy chạy theo, không phải để mua tôm cá mà chỉ để được biết thêm một chút thông tin từ đất liền. Sóng điện thoại hiện nay đã phủ tới Trường Sa, nhưng chỉ hoạt động tốt trong điều kiện thời tiết bình thường, còn những lúc bão tố, chúng tôi hoàn toàn bị cô lập giữa biển khơi".

Khoảng cách địa lý và đặc thù công việc có thể biến anh em gác đèn biển thành những người "lạc hậu" và có triệu chứng trầm cảm. Khi sống ở đảo, họ khao khát trở về đất liền thăm gia đình, nhưng khi bước lên bờ, họ lại say. Cái say của người đã sống quá lâu ngoài biển nên khi bước đi trên đường lại cảm thấy chống chếnh, chênh chao như đang ở ngoài khơi.

Khác với lính đảo, hết nghĩa vụ là được về đất liền, còn những nhân viên gác đèn biển thì sáu tháng, chín tháng, có khi hơn năm trời, mới được về nhà nghỉ phép khoảng ba tháng. Cứ thế, quy trình lặp lại cho đến khi nghỉ hưu. Sự thiếu vắng người chồng, người cha trong thời gian dài khiến nhiều gia đình khó giữ được hạnh phúc.

Anh Bùi Đức Bệ - công nhân trạm hải đăng Song Tử Tây làm việc trên tháp đèn

Chúng tôi đánh bạo hỏi anh Trần Văn Ngữ - Trạm trưởng Trạm Hải đăng Tiên Nữ: "Cái giá phải trả cho công việc xem ra khá đắt, vậy có bao giờ các anh định bỏ nghề?". Anh trả lời thành thật: "Những ai không gắn bó được với nghề thì đã bỏ từ lâu rồi. Nhưng chúng tôi thì không. Hơn cả công việc mưu sinh, chúng tôi còn xem đây là trách nhiệm. Chúng tôi yêu biển cả, yêu quê hương, đất nước, thấy mình có nghĩa vụ dựng xây và bảo vệ vùng trời, vùng biển Việt Nam.

Đó phải chăng là sự tiếp nối truyền thống của cha ông, một lần nữa khẳng định chân lý: "Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận ở sách trời".

Chúng tôi nghe trong biển âm vang bài ca yêu nước tự ngàn đời và muốn nói rằng: "Các anh, những người thầm lặng canh giữ biển đảo quê hương, những người thắp lên ngọn đèn biển cho tàu thuyền hành hải an toàn nơi tuyến đầu của Tổ quốc, các anh không hề là người độc hành. Biển sẽ nói giùm các anh và đất liền sẽ ngày một thấu hiểu và sẻ chia cùng các anh, để các anh vượt qua gian khó, thử thách, tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ cao cả nơi biển Đông không ngừng dậy sóng".

Quần đảo Trường Sa hiện có 9 ngọn hải đăng do Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Nam quản lý.

Ngoài nhiệm vụ bảo đảm an toàn hàng hải trong khu vực quần đảo, chúng còn là những cột mốc chủ quyền của Tổ quốc trên biển Đông, được các cơ quan thủy đạc quốc tế công nhận, gồm: Hải đăng Song Tử Tây, hải đăng Sơn Ca, hải đăng Tiên Nữ, hải đăng An Bang, hải đăng Đá Tây, hải đăng Trường Sa Lớn, hải đăng Đá Lát, hải đăng Sinh Tồn, hải đăng Nam Yết.

>Hòn Hải: Cột mốc trên Biển Đông (kỳ 1)

>Hòn Hải: Cột mốc trên Biển Đông (kỳ 2)

>Mưu sinh dưới đáy biển

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tâm tình người gác đèn biển Trường Sa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO