Tái cơ cấu DNNN: Vẫn theo kiểu "cơ học"

TS. NGUYỄN HỮU VẠN - Tổng Kiểm toán Nhà nước - TRÌNH TIÊU ghi| 31/12/2014 07:17

Quá trình cổ phần hóa mới chủ yếu là chuyển giao nội bộ tập đoàn, tổng công ty hoặc giữa các DNNN với nhau theo kiểu sáp nhập "cơ học",

Tái cơ cấu DNNN: Vẫn theo kiểu

Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Chính phủ đề cập đến nhiều lĩnh vực, với lộ trình thực hiện khá dài, giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030.

Đọc E-paper

Tuy nhiên, do thiếu sự lượng hóa mục tiêu từng khu vực, từng ngành với chỉ tiêu cụ thể cho từng năm và từng giai đoạn, nên khi triển khai tái cơ cấu ba trọng tâm đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn.

Tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2012, cả nước có 846 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, với tổng tài sản 2.569.433 tỷ đồng, tỷ trọng tài sản cố định bình quân chiếm 45% tổng tài sản.

Việc chậm tiến hành tái cơ cấu, đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa, tập trung vào ngành nghề sản xuất - kinh doanh chính đã làm kéo dài thời gian phục hồi của nền kinh tế, chậm thúc đẩy thị trường vốn phát triển.

Một số nội dung trong các đề án tái cơ cấu của từng tập đoàn, tổng công ty chưa có giải pháp mạnh mẽ, đột phá thực hiện mục tiêu "đổi mới, phát triển và tiến tới áp dụng đầy đủ khung quản trị hiện đại theo thông lệ quốc tế” theo Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2014 - 2015, cả nước sẽ thực hiện cổ phần hóa 432 DNNN, phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Nhưng 10 tháng của năm 2014, mới sắp xếp được 119 DN, cổ phần hóa 71 DN, trong đó 35 DN đã IPO qua sàn giao dịch chứng khoán, đã công bố giá trị 123 DN, giải thể hai DN, bán một DN, sáp nhập 15 DN và đề nghị phá sản ba DN.

Thực tế đó cho thấy, quá trình cổ phần hóa mới chủ yếu là chuyển giao nội bộ tập đoàn, tổng công ty hoặc giữa các DNNN với nhau theo kiểu sáp nhập "cơ học", chưa tạo ra động lực và áp lực để buộc các DNNN đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu DN. Nhưng việc triển khai thực hiện tái cơ cấu DNNN chưa có tính chiến lược, còn rời rạc.

Quá trình tái cơ cấu DNNN thiếu toàn diện, từ mô hình tổ chức, quản lý, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, chiến lược phát triển, đầu tư, nguồn nhân lực, thị trường... Đặc biệt, thiếu quan tâm việc tạo ra sản phẩm mới, tăng năng suất lao động, hạ giá thành để nâng cao sức cạnh tranh của DN.

Tiến độ quyết toán để bàn giao DNNN sang công ty cổ phần còn chậm, việc xử lý khoản lỗ kinh doanh từ thời điểm xác định giá trị DN đến thời điểm chuyển sang hoạt động của công ty cổ phần cũng quá chậm. Các khoản lỗ do định giá lại các khoản đầu tư tài chính dài hạn và các khoản phát sinh về nghĩa vụ thuế, tài chính khác chưa được các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết kịp thời.

Quá trình thoái vốn kinh doanh ngoài ngành nghề kinh doanh chính còn chậm, mới đạt khoảng 16,5%, trong khi kế hoạch Chính phủ thông qua cho hai năm 2014 - 2015 là 22.504 tỷ đồng, riêng lĩnh vực chứng khoán là 473 tỷ đồng, tài chính-ngân hàng là 14.899 tỷ đồng, bảo hiểm 1.544 tỷ đồng và bất động sản 5.069 tỷ đồng.

Trong quá trình tái cơ cấu còn vướng việc giải quyết vấn đề xác định giá trị DN, qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện đa số các DN xác định thấp hơn giá thị trường, chế độ chính sách cho số lao động dôi dư lớn, khó khăn khi thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính thấp hơn giá trị sổ sách, việc giải quyết nợ tồn đọng của các DNNN rất khó khăn phức tạp...

Quá trình tái cơ cấu DNNN và tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng cũng cho thấy chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan nhà nước, bởi tái cơ cấu DNNN do Bộ Tài chính chủ trì, còn tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại lại do Ngân hàng Nhà nước chủ trì, nên thiếu đi sự chỉ huy của một nhạc trưởng, do đó việc tái cơ cấu các DNNN chưa "ăn nhịp" với tái cơ cấu hệ thống NHTM, chưa gắn chặt với nhau một cách chặt chẽ và hiệu quả, bởi phần lớn nợ xấu của hệ thống NHTM chủ yếu là của các DNNN.

Năm 2015, để cơ cấu lại khu vực DNNN một cách hiệu quả, trước hết phải làm rõ tính định lượng của cơ cấu nền kinh tế quốc dân để từ đó làm rõ lĩnh vực, ngành then chốt, vùng trọng điểm, tiềm năng lợi thế để tập trung phát triển như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ công nghệ thông tin, du lịch...

Đồng thời, phải xác định rõ mối quan hệ giữa tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế với tái cơ cấu đầu tư công, DNNN và các tổ chức tín dụng, trong đó lấy tái cơ cấu tổng thể nền kinh quốc dân làm mục tiêu. Bên cạnh đó, cần quyết liệt đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN theo đúng lộ trình đã phê duyệt, hoàn thiện cơ chế đại diện chủ sở hữu nhà nước.

Đồng thời xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn người đứng đầu, để có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với những tổ chức, cá nhân nếu không làm đúng nhiệm vụ được giao, quan tâm giải quyết lao động dôi dư trong quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tái cơ cấu DNNN: Vẫn theo kiểu "cơ học"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO