Sống “đời lộng”

BÙI HỮU CƯỜNG| 18/02/2012 02:10

Nghề lộng là thế đó, trời cho thì có, không cho thì thôi. Thả lưới, giăng câu, đánh đèn chỉ cách nhau mấy sải, nhưng có người được bạc triệu, có người về không”, một lão ngư tại thôn Hạ Thanh, xã Tam Thanh, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam nói với tôi như thế trong chuyến đi biển đầu tiên của mình trong ngày đầu năm mới Nhâm Thìn.

Sống “đời lộng”

Con thuyền cũ kỹ ì ạch vượt sóng chừng hai hải lý thì thả neo, giăng lưới kín cả một vùng biển hẹp. “Nghề lộng là thế đó, trời cho thì có, không cho thì thôi. Thả lưới, giăng câu, đánh đèn chỉ cách nhau mấy sải, nhưng có người được bạc triệu, có người về không”, một lão ngư tại thôn Hạ Thanh, xã Tam Thanh, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam nói với tôi như thế trong chuyến đi biển đầu tiên của mình trong ngày đầu năm mới Nhâm Thìn.

Vươn mình với sóng

Làng này nay đã có 230 hộ dân với 817 con người. Sau lưng là dòng sông Trường Giang, trước mặt là biển bạc, nhưng dải đất cằn cỗi này từ xưa đến nay không hề hào phóng với con người.

Từ ngày mở làng, người dân đã gắn bó với con thuyền thúng, sống bằng nghề đánh bắt hải sản gần bờ mà họ gọi là nghề “đi lộng” (để phân biệt với nghề đi khơi, tức đánh bắt xa bờ). Đến nay, 80% dân làng sống bằng nghề đi lộng.

Anh Nguyễn Văn Thế, một trong số nhiều ngư dân ở xã Tam Thanh vui mừng cho biết, từ sau Tết đến nay chuyến nào đi biển cũng trúng. “Mỗi lần đi từ một đến hai hôm cũng được dăm bảy trăm đến một triệu đồng, hôm nào trúng thì được đôi ba triệu.

So với năm ngoái, năm nay “trúng” hơn nhiều”, anh Thế chia sẻ. Người đi lộng là những ngư phủ nghèo không đủ tiền tậu tàu lớn, hoặc những ngư phủ già đã chồn chân mỏi gối sau nhiều năm ăn sóng ngậm gió, họ chủ yếu đi gần bờ và đi về trong ngày.

Nghề lộng cũng là cái nôi cho những đứa trẻ miền biển chập chững vào nghề rẽ sóng mưu sinh, chuẩn bị cho cuộc đời mai này vươn mình với gió, với sóng nước biển khơi.

Khi trời còn nhọ mặt người, anh Phạm Văn Thạnh cùng đứa con trai 17 tuổi leo lên chiếc thuyền máy cũ kỹ bắt đầu một chuyến đi lộng cách làng khoảng 1,5 hải lý. Con thuyền ì ạch vượt sóng rồi dừng lại thả neo, giăng lưới kín cả một vùng biển hẹp.

Hôm nay là một ngày thất bát, vì theo kinh nghiệm 34 năm đi biển của anh Thạnh, hễ gặp phải dòng nước lạnh là cá, mực dạt đi hết, mà năm nay trời lạnh quá, qua Tết Nguyên đán rồi mà biển vẫn động.

Trời lạnh, biển động khiến người đi lộng gặp khó khăn

“Nghề lộng là như vậy đó chú ạ! Trời thương mà cho thì có, không cho thì dù thả lưới, giăng câu, đánh đèn chỉ cách nhau mấy sải tay thôi nhưng có người được bạc triệu, có người về không!”, bằng cái giọng miền Trung đặc sệt của dân miền biển quen ăn sóng nói gió, anh Thạnh nói át cả tiếng gió và tiếng sóng biển ầm ào.

Vợ và cô con gái nhỏ của anh đã đợi sẵn khi thuyền của hai cha con cập vào bờ cát, rồi thoăn thoắt gỡ lưới. Ốc gai và mực lá đem nhập cho mấy quán nhậu ở biển Tam Thanh hay trong khu du lịch cát biển, trừ tiền dầu máy cũng đủ chợ búa trong ngày.

Tất nhiên có ngày may mắn, anh Thạnh cũng kiếm được trên dưới một triệu đồng, bù lại những ngày thất bát có khi không đủ tiền dầu máy.

Trong vòng quay của đời lộng

Bước chân vào các hộ dân làng lộng ở thôn Hạ Thanh 1 và Hạ Thanh 2 hay thôn Trung Thanh đều chỉ thấy những căn nhà cấp bốn nho nhỏ, trống tuềnh, những người đàn bà ngồi đan lưới, mấy đứa trẻ da sậm màu gió biển, những người đàn ông nếu không đi biển thì ngồi uống rượu.

Một ngư dân nói chắc nịch: “Nếu có một căn nhà kiên cố, khang trang, dứt khoát chủ nhà không đi lộng”.

Quả thực, mấy năm trở lại đây, khi giá hải sản tươi sống tăng lên vì các dịch vụ du lịch phát triển, và cũng nhờ làng gần phố nên không còn cảnh một gánh cá chỉ đổi được một cân gạo như trước nữa. Nhưng trớ trêu thay, đây cũng là lúc biển không còn hào phóng với nghề lộng nữa.

Một phần vì số lượng người đi lộng tăng nhanh, phần khác vì sự phổ biến của loại lưới mắt nhỏ đánh bắt theo kiểu tận diệt nên các loài thủy sinh cũng dần cạn kiệt. Thế nên, người đi lộng cứ mãi sống trong cảnh có làm mới có ăn, không làm thì hết gạo.

Ai tằn tiện, cố gắng lắm thì may mắn có thể dựng được căn nhà nhỏ, mua được cái xe máy, tivi, ai kém hơn thì làm chỉ đủ tiền đong gạo nuôi con.

Cuộc sống người đi lộng vẫn là những vòng quay bất tận với công việc của đàn ông, sáng ra biển, trưa về nhà (hoặc ngược lại), đàn bà là sáng nấu cơm, trưa bán cá mua gạo, chiều đan lưới, còn lũ trẻ con thỏa sức chơi đùa với những con còng gió, dã tràng trên mép nước.

Con chữ của lũ trẻ vì thế cũng phập phồng theo mỗi chuyến đi biển của cha mẹ. Chẳng thế mà một lão ngư đã chua chát thốt lên: “Đời cha đi lộng chỉ để lại được cho con đống lưới rách và con thuyền nát!”.

Mấy năm trước, trai tráng trong làng cũng đã có cuộc “Nam tiến”, nhưng đồng lương công nhân ở các khu công nghiệp trong Nam khá eo hẹp, nên họ lại trở về làng, bám lấy những tay lưới, lặn ngụp với những con sóng trước nhà.

Cũng có người nuôi hoài bão cùng các chủ tàu lớn đi đánh cá ngoài khơi dài ngày, nhưng người làng lộng luôn tâm niệm: nghề đi lộng tuy không giàu có nhưng ít hiểm nguy hơn, còn nghề đi khơi tuy đại dương hào phóng, nhưng cũng hung hãn vô ngần...

Thế nên, nhiều lão ngư làng lộng Hạ Thanh đã nhiều lần khước từ lời mời ra khơi của các chủ tàu lớn. Cứ thế, chẳng ai biết phải trả lời thế nào khi được hỏi có muốn con nối nghiệp lộng không, bởi con trai lớn lên quăng lưới dẻo dai hơn bố, con gái thì đan, vá lưới khéo léo chẳng kém gì mẹ.

Một điều khiến người dân phấn khởi là sự quan tâm của Nhà nước với chính sách hỗ trợ dầu cho tàu cá đi biển trong những ngày đầu Xuân mới này. Đó là sự hỗ trợ rất thiết thực đối với bà con ở đây. Nhờ vậy, bà con có thêm tiền sắm đồ nghề đi biển, thu nhập hy vọng cũng khá hơn. Sự tiếp sức của Nhà nước sẽ là bước khởi đầu giúp người dân làng lộng thay đổi tư duy, làm kinh tế bằng chính cái nghề ông bà để lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sống “đời lộng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO