Sống chung với bão, được không?

HỒNG BÍCH| 10/10/2013 09:41

Năm nào cũng thế, bão vào hàng chục trận, không tỉnh này thì tỉnh khác trên suốt chiều dài 2.000 cây số, khi mặt tiền của mảnh đất này đối diện với Biển Đông, khu vực gánh chịu những cơn bão lớn.

Sống chung với bão, được không?

Năm nào cũng thế, bão vào hàng chục trận, không tỉnh này thì tỉnh khác trên suốt chiều dài 2.000 cây số, khi mặt tiền của mảnh đất này đối diện với Biển Đông, khu vực gánh chịu những cơn bão lớn.

Đọc E-paper


Từ ngàn đời đã thế và sau này sẽ vẫn thế. Có điều bây giờ khác xưa ở chỗ: Chúng ta tiếp cận được thông tin về bão sớm từ một tuần đến 10 ngày, và sau bão với công nghệ thông tin liên lạc, bộ mặt tàn phá hậu bão hiện ra toàn diện và chi tiết.

Không ai tránh được cảm giác đau đớn, xót xa khi nhìn vào những con số: Tính đến ngày 1/10, bão số 10 đã khiến 3 người chết, 50 người bị thương, 95.401 nhà bị tốc mái, 246 nhà bị sập, 30 tàu thuyền chìm và hỏng, hàng chục km đê sạt lở, cột điện gãy đổ, hoa màu và cây công nghiệp bị tàn phá...

Trực tiếp sống trong nhiều cơn bão, đi tham gia cứu trợ sau bão, nhiều người cảm nhận rất rõ nỗi đau đớn của đồng loại mất người thân, tiêu tan nhà cửa và sản nghiệp. Với đời sống khó khăn của người miền Trung, thì sự phục hồi còn khó khăn hơn nhiều, nỗi đau khổ còn kéo dài hơn nữa.

Đi qua những vùng tâm bão Quảng Bình, Vĩnh Linh (Quảng Trị), Hương Sơn (Hà Tĩnh) nhiều câu hỏi thắc mắc không khỏi hiện lên. Tại sao từ thời tổ tiên lập nghiệp ở vùng đất này, đã đúc kết, truyền lại bao kinh nghiệm chống bão,chống lụt, sao năm nào chúng ta cũng đối diện "hậu bão" với những con số thiệt hại kinh hoàng đến thế!

Và hàng triệu dân miền Trung có thể sống chung với bão một cách hòa bình, ít thiệt hại nhất được không? Nhớ lại chuyện cũ, cách đây khoảng 20 năm, lúc nào trên báo cũng mô tả lại cảnh đồng bằng sông Cửu Long khốn khổ vì lũ lụt.

Và cuối cùng người dân ở vùng này cũng đã tìm ra câu trả lời về mùa nước nổi quen thuộc từ đời ông bà, thiên nhiên vẫn thế. Họ tìm cách sống chung với nó, giảm thiểu thiệt hại thiên tai, không gọi cái tên lũ lụt kinh hoàng, mà gọi là "sống chung với lũ”, là những trận nước nổi đem lại cái phù sa phì nhiêu cho đồng bằng.

Sau trận bão, lũ khủng khiếp năm 1999 và 2006 vào Đà Nẵng, Quảng Nam, chính quyền và người dân vùng này đã hình thành ý thức tự bảo vệ, áp dụng những kinh nghiệm tốt nhất giảm thiểu thiệt hại vì bão lũ.

Ở khắp các vùng cận núi được nghiên cứu và dựng bảng kiên cố cảnh báo "Nơi có thể xảy ra lũ quét", giúp cho người dân địa phương tránh địa điểm nguy hiểm khi có mưa lớn.

Mỗi lần tin báo bão gần, tại cửa biển Đà Nẵng, Cù Lao Chàm, đảo Lý Sơn thường thấy cảnh tàu lớn được lai dắt vào âu thuyền tránh bão, ngư dân dùng xe goòng đẩy tàu nhỏ và thuyền lên nằm trên đường nhựa. Ngư dân không được phép ở trên tàu lúc bão đến...

Kinh nghiệm sống của người dân ven biển rất quý. Nhà nào cũng có căn gác tích trữ lương thực, thực phẩm, thậm chí cả thùng gas, nước sạch để có thể sống tốt một tuần khi bị lụt bao vây. Nghe tin bão thì họ chất hàng chục bao đất hoặc cát ướt trên mái nhà để chống lại sức giật của gió làm tốc mái.

Kinh nghiệm này cũng được các khu nghỉ mát ven biển, các nhà hàng lớn đang áp dụng. Hết bão lại dọn dẹp mái nhà để đảm bảo mỹ quan. Hội An năm nào cũng lụt. Những ngôi nhà cổ vài trăm năm ngâm trong dòng nước hàng tuần. Tuy nhiên, người dân, du khách có bản đồ về những địa điểm có phương tiện giao thông cứu trợ, y tế.

Còn những kinh nghiệm của dân Hội An chạy lụt thì gần như một "công nghệ” hoàn hảo, tránh cho các kho hàng hóa không bị ngâm nước lũ, các cửa hàng phục vụ du khách vẫn mở cửa giữa trận lụt.

Các khu công nghiệp trên địa bàn này có những công trình nghiên cứu và cảnh báo cho các doanh nghiệp đến làm ăn đầu tư nhà xưởng thích hợp với tính chất "phòng bão". Mấy năm nay, bão lớn hầu như không vào Quảng Nam Đà Nẵng, nhưng tinh thần cảnh giác của người dân chưa bao giờ quên lãng. Chuyện thiệt hại vì lũ lụt giảm thiểu rất nhiều.

Trong trận bão số 10 ở các tỉnh Bắc miền Trung, không hiếm than thở bất ngờ về độ tàn phá mạnh mẽ của cơn bão. Đã có cảnh báo chính xác rõ ràng hướng đi, sức giật và thời gian đổ bộ của cơn bão, nhưng gần 100 ngàn căn nhà tốc mái, hàng chục tàu thuyền trôi nổi trên sông bị sóng đánh tan tành!

Chúng ta ghi nhận công tác sơ tán dân vùng bão kịp thời, giảm thiểu thiệt hại về người ở Quảng Bình, Quảng Trị, nhưng lại các ban phòng chống bão lụt vẫn "quên" cảnh báo và sơ tán dân vùng lũ Nghệ An, Hà Tĩnh trong trường hợp vỡ đập hoặc xả lũ các đập tràn thủy lợi và thủy điện, để cho người dân quá bất ngờ và trắng tay vì lũ đuổi.

Trình độ ứng phó với thiên tai yếu, thiếu sự học hỏi, đúc kết. Quy trình "công nghệ chống bão lụt" phải được các cấp chính quyền học hỏi, phổ biến giữa các tỉnh, phố biến tập huấn cho người dân những việc cần chuẩn bị trước mùa bão lũ hàng năm. Học chống bão lụt là việc phải làm ngay, dù muộn!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sống chung với bão, được không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO