Resort với không gian khác biệt

ThS. KTS TRẦN THÁI NGUYÊN| 19/12/2012 03:20

Trong thiết kế khu nghỉ dưỡng thì phần thiết kế và xây dựng cảnh quan được cho là một trong những phần quan trọng nhất.

Resort với không gian khác biệt

Trong thiết kế khu nghỉ dưỡng thì phần thiết kế và xây dựng cảnh quan được cho là một trong những phần quan trọng nhất. Cảnh quan là một yếu tố, cùng với phong cách kiến trúc và nội thất, kiến tạo nên không gian khác biệt cho một resort. Khách hàng tìm đến và ghi nhớ về một khu nghỉ dưỡng chính là nhờ cái "không gian khác biệt" đó.

Đọc E-paper

Lược sử về resort

Resort, hay còn gọi là khu nghỉ dưỡng, thật ra không phải là một sản phẩm bất động sản của thời hiện đại mà đã có lịch sử phát triển lâu đời. Những mô hình của khu nghỉ dưỡng đầu tiên trên thế giới có thể tìm thấy dưới thời đế chế La Mã, 2.000 năm trước.

Vào thời ấy, khu nghỉ dưỡng tồn tại ở hình thức nhà tắm công cộng. Ban đầu, các nhà tắm công cộng này chỉ phục vụ cho mục đích tắm và giao tiếp xã hội, từ từ tích hợp thêm thư viện công cộng, luyện tập thể thao, nhà hàng và thậm chí có cả bảo tàng và nhà hát.

Đến thế kỷ XIV-XV, các khu nghỉ dưỡng tại châu Âu bắt đầu phổ biến, nhưng cũng chỉ phục vụ cho tầng lớp nhiều tiền và dư thời gian. Thời kỳ ấy, việc di chuyển là cả một vấn đề lớn về thời gian và tiền bạc.

Cho nên mỗi lần đi nghỉ dưỡng, khách đều lưu trú lại rất lâu để cho đáng công sức và tiền bạc đã bỏ ra. Những thế kỷ sau đó, các khu nghỉ dưỡng ngày càng phát triển cùng với sự đi lên của các nền kinh tế.

Mỗi hình thức khu nghỉ dưỡng đều cố gắng tạo dựng nét khác biệt để thu hút các tầng lớp khách hàng khác nhau trong suốt 365 ngày. Các khu nghỉ dưỡng gắn với hình thức spa, một kiểu nghỉ dưỡng sức khỏe với suối nước thiên nhiên, lần đầu xuất hiện tại Bỉ vào thế kỷ XIV.

Trong thế giới đương đại, các khu nghỉ dưỡng tích hợp thêm nhiều chức năng giải trí khác như công viên chủ đề và cả sòng bài.

Những yêu cầu cơ bản khi thiết kế resort

Thiết kế khu nghỉ dưỡng đòi hỏi kỹ năng giải quyết vấn đề không phải của riêng đội ngũ kiến trúc sư, kỹ sư mà còn của cả chủ đầu tư và công ty điều hành, quản lý.

Đối tượng khách hàng: Cần xác định rõ khu nghỉ dưỡng sẽ phục vụ cho nhóm khách hàng nào, tầng lớp nào. Từ đó nhà đầu tư cũng như đội ngũ thiết kế sẽ định hướng được  phong cách kiến trúc và không gian cảnh quan cho phù hợp.
Phong cách kiến trúc: Cần có phong cách kiến trúc phù hợp với nhóm đối tượng khách hàng và phù hợp với vị trí địa lý của nơi đặt công trình. Chẳng hạn như khu nghỉ dưỡng ven biển thì công trình kiến trúc cũng phải mang "hơi thở của biển".
Phong cách không gian cảnh quan: Cần tạo dựng được phong cách cảnh quan chuẩn mực dựa trên các yếu tố về đối tượng khách hàng cũng như phong cách kiến trúc. Chủ đầu tư cần phải đầu tư đúng mực vào khâu thiết kế cũng như thi công cảnh quan. Nên giao khâu thiết kế cảnh quan cho một công ty thiết kế cảnh quan chuyên nghiệp, không nên phó mặc cho một "nhà vườn" nào đó.
Vận hành: Việc vận hành một khu nghỉ dưỡng - khách sạn cần phải có nhiều kinh nghiệm, do đó, chủ đầu tư nên hợp đồng với các công ty có uy tín trong việc này.

Các yêu cầu cần phải quan tâm trong trình tự thiết kế resort, nói một cách đơn giản, là xác định đối tượng khách hàng, ý tưởng và nguồn lực (tài chính và con người) và vận hành. Ý tưởng hay xác định đối tượng khách hàng là những phần việc đòi hỏi nhiều tư duy và sáng tạo của đội ngũ thiết kế cũng như chủ đầu tư.

Chủ đầu tư không thể phó thác cho đội ngũ thiết kế "diễn giải" những yêu cầu thiết kế ban đầu thành ý tưởng thiết kế. Và ngược lại, đội ngũ thiết kế cũng không thể là "tay mơ” trong lĩnh vực mà họ đảm nhận.

Trong các yêu cầu trên, tôi muốn nói qua về tư duy và ý tưởng để có thể tạo nên một khu nghỉ dưỡng hấp dẫn. Trong thiết kế khu nghỉ dưỡng thì phần thiết kế và xây dựng cảnh quan (landscape design) được cho là một trong những phần quan trọng nhất.

Cảnh quan là một yếu tố, cùng với phong cách kiến trúc và nội thất, kiến tạo nên không gian khác biệt cho toàn dự án. Khách hàng tìm đến và ghi nhớ về một khu nghỉ dưỡng chính là nhờ cái "không gian khác biệt" đó. Đội ngũ thiết kế có thể bắt đầu chuỗi sáng tạo cảnh quan dựa trên bảy chủ đề cảnh quan kinh điển có từ nhiều thế kỷ qua.

Vườn kiểu "ốc đảo": Đúng như tên gọi của nó, chủ đề này tạo dựng nên một không gian xanh theo kiểu "ốc đảo" trong sa mạc với nhân tố chính là mặt nước. Với triết lý "không có nước, không có sự sống", nghĩa là không có cây xanh, không có hoa lá, không có trái chín, không có địa đàng. Mọi thứ đều sinh sôi tự nhiên quanh yếu tố mặt nước.

Vườn "Á Đông": Bao gồm vườn kiểu Nhật, Trung Hoa và Việt Nam. Cảnh quan theo kiểu Á Đông thường được ví như là nơi chốn để nương náu, gửi gắm tâm hồn và thiền định.

Chủ đề này giàu tính chất liệu bề mặt, sử dụng đá, cát phối hợp cây cảnh kiểu bonsai trên một nền đất "màu sắc" tạo ra cảnh quan dựa trên sự cân bằng và hài hòa giữa các thành phần khác nhau trong không gian này, kể cả sự hài hòa với các công trình kiến trúc.

Vườn kiểu "Latin/Ả rập": Đặc điểm của chủ đề này là không gian cảnh quan mang tính khép kín quanh đài nước hay một sân trong trung tâm. Màu sắc của chủ đề này thường nhẹ nhàng, kết hợp khéo léo với các chất liệu bề mặt như đá tự nhiên, các mảng gạch trang trí cùng với các mảng cây treo xen cài.

Vườn kiểu "Ý Phục hưng": Sử dụng đa dạng các yếu tố cảnh quan như đài phun nước, kênh rạch, hoa và các tượng trang trí để biến khu vườn thành nơi thư giãn và giải trí.

Chủ đề này cũng kết hợp hài hòa với các yếu tố kiến trúc khác như cầu thang, ban công, cổng vòm để tô điểm thêm cho không gian.
Vườn "kiểu Pháp": Pháp có truyền thống nổi trội về "vườn tượng".

Chủ đề này nhấn mạnh tới sự tương phản thị giác giữa "sáng" và "tối". Sự tương phản này được nhấn mạnh thêm bằng các nhân tố như thác nước, hồ nước hay dòng suối.

Chủ đề này phát triển từ nền tảng quý tộc nên thể hiện rõ nét sự uy quyền và sự tự do của con người đè lên thiên nhiên, chứ không phải là sự hài hòa nhẹ nhàng.

Vườn "kiểu Anh": Xuất phát từ phong cách cảnh quan lâu đời của Vương quốc Anh, đó là kiểu "đẹp nên thơ”. Không gian cảnh quan kiểu này thường được thiết kế kỹ lưỡng dựa trên những chuẩn mực chặt chẽ về thẩm mỹ.

"Cảnh quan đương đại": Chủ đề này xuất phát từ Bắc Âu vào đầu thế kỷ XX. Nó gồm một chút gì đó của "vườn kiểu Anh" và bị ảnh hưởng của kiến trúc hiện đại. Những vật liệu của kiến trúc đương đại cũng được đem vào trong chủ đề này, chẳng hạn như bê tông, gỗ, kim loại và kính.

Chủ đề này còn là sự pha trộn nhiều chiều của tỷ lệ, không gian với các sắc màu và ánh sáng phá cách.

Những hạn chế của khu nghỉ dưỡng Việt Nam

Các khu nghỉ dưỡng ở Việt Nam có lịch sử phát triển rất non trẻ và có điểm xuất phát từ những khu du lịch "thời bao cấp". Ở thời kỳ đầu, các resort ở nước ta thường nằm ven biển. Trong những năm gần đây, có thêm một số khu nghỉ dưỡng xuất hiện ở các vùng cao nguyên "danh lam thắng cảnh".

Sự phát triển của các khu nghỉ dưỡng phải đi đôi với sự phát triển về kinh tế và mức sống người dân. Nói một cách dễ hiểu, con người phải ăn no rồi mới mặc đẹp.

Trong gần hai thập kỷ qua, các khu nghỉ dưỡng ở nước ta phát triển nhiều, nhưng tập trung quá nhiều ở một số khu vực, trong khi một số địa điểm tốt khác thì lại vắng bóng. Và đến thời điểm hiện nay, khi nền kinh tế đang ảm đạm thì các khu nghỉ dưỡng đang chật vật để tồn tại.

Đa số khu nghỉ dưỡng ở nước ta chưa có sự đầu tư đúng mức vào khâu thiết kế, đặc biệt là thiết kế cảnh quan và các tác động môi trường.

Trong khâu thiết kế kiến trúc và cảnh quan, như đã đề cập ở trên, chủ đầu tư dự án cũng như đội ngũ thiết kế không đưa ra được ý tưởng chủ đạo chuẩn mực cho một phong cách không gian, cho đối tượng khách hàng mà họ muốn nhắm đến.

Thế nên, khi đến các khu nghỉ dưỡng này, dễ dàng nhận thấy phong cách kiến trúc là một kiểu riêng, không hòa quyện với phong cách không gian cảnh quan sân vườn. Bản thân không gian cảnh quan sân vườn cũng không có chủ đề chuẩn mực, cây trồng tùy tiện, không gian vụn vặt vì thường được giao cho các "nhà vườn" thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Resort với không gian khác biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO