Quà Tết

THIÊN THANH| 17/01/2015 09:28

Tờ lịch đầu năm vừa gỡ xuống thì thị trường bắt đầu nhộn nhịp với một kênh bán hàng không thể thiếu dịp Tết Nguyên đán sắp tới: quà Tết.

Quà Tết

Tờ lịch đầu năm vừa gỡ xuống thì thị trường bắt đầu nhộn nhịp với một kênh bán hàng không thể thiếu dịp Tết Nguyên đán sắp tới: quà Tết. Quà Tết là một việc "nặng ký” không kém gì chuyện sắm Tết, nên ai nấy đều đã lên kế hoạch, rồi nhìn ngược ngó xuôi, so đo chất lượng, giá trị to nhỏ.

Đọc E-paper

Một lần đi siêu thị bỗng thấy hai vợ chồng đứng bên kệ rượu. Cái cách họ quẩn quanh cầm hết chai này đến chai khác, bàn bạc với thái độ khá nghiêm trọng làm tôi nghĩ đến người nhận chai rượu biếu. Rồi tôi nghĩ đến cái lệ biếu rượu quý và những chuyện linh tinh như có bà chủ cửa hàng rượu sau khi nhập hàng về đều lật chai rượu có giá vài ba triệu đồng và ký vào nhãn.

Sau một mùa Tết, rất nhiều người đem rượu đến bán lại, bà chủ cửa hàng chỉ cần xem có chữ ký thì mua lại. Bà ấy bảo động tác này là cho cả người mua và người nhận biết chữ ký của bà ấy là sự đảm bảo rượu ngoại nhập chứ không phải hàng giả. Người tặng và người nhận đều có thể yên tâm về giá trị chai rượu.

"Của biếu là của lo", nhưng người nhận chưa lo mà người biếu lo hơn. Trong một lần đi giao lưu và xúc tiến thương mại tại Nhật Bản, ông chủ một doanh nghiệp lần đầu đi Nhật, chưa biết tập quán của người Nhật, nên lo lắng mất ăn mất ngủ vì chuyện quà cáp, tính tới tính lui, rồi gói to gói nhỏ thứ gì cũng là đặc sản phải đắt tiền mới thấy yên tâm.

Trở về, anh đem đến một gói quà nhỏ được bọc giấy thật cẩn thận, quà của đại diện một đại học có tiếng ở Kyoto tặng cho đại biểu đến tham quan. Mở gói quà, bên trong là một hộp giấy thiết kế lịch sự và giản dị. Trong hộp có khoảng 20 cái bánh quy nhỏ cỡ ngón tay, nhìn biết ngay là loại bánh chế biến từ các loại cây xanh có lợi cho sức khỏe và thân thiện với môi trường.

Dõi theo ánh mắt của tôi hơi thất vọng vì cái ruột khiêm tốn này, anh cười thật lớn, nói anh đem khoe cái điều đã thấm từ văn hóa của các bạn Nhật. Món quà nhỏ nhưng nói lên bao điều, từ sự lịch sự, gói đựng cả văn hóa tự tin, về bày tỏ tình cảm chứ không biến "Của biếu là của lo, của cho là của nợ" đối với người tặng và nhận quà.

Tôi bỗng nhớ những hộp bánh Trung Thu to kệch cỡm, đỏ chói cả góc phố mỗi dịp mùa Thu về, bọn trẻ nhà nghèo vẫn phải đợi hết Rằm tháng Tám, mẹ chúng mua bánh hạ giá. Rồi Tết này các thương hiệu lớn cũng phải theo nhu cầu hàng biếu mà đầu tư thiết kế mẫu mã cho cái hộp bánh to có màu đỏ chói, bán giá đắt dù cái ruột rất tầm thường.

Chỉ cần cái vỏ và cái giá sản phẩm cho oai là... được! Một khoản tiền khổng lồ đổ ra cho việc nhập các loại rượu, bánh kẹo, thực phẩm của nước ngoài phục vụ kênh quà biếu, buộc các ngành sản xuất trong nước cũng chạy theo. Cả một xã hội suy nghĩ như thế sẽ ra một nền sản xuất và quan hệ xã hội như thế, lãng phí và thiếu tự tin thấy rõ!

Cũng chuyện quà biếu, một người bạn Na Uy nhắn hãy theo dõi những món quà anh sẽ "like" trên Facebook vào ngày Giáng sinh. Anh ấy là một người đàn ông thành đạt, có nông trại lớn, một công ty thương mại với thu nhập sung túc.

Mười hai món quà Giáng sinh nhận từ người thân có bảy hộp bánh sôcôla, còn lại là một vài vật dụng nhỏ và đẹp, nó thể hiện sự quan tâm của người tặng chứ không thể hiện chuyện ơn nghĩa hay sự giàu có và đẳng cấp xã hội của người cho và người nhận!

Quà cáp biếu xén ở ta đã thể hiện sự méo mó của hối lộ. Nó còn thể hiện chúng ta giẫm chân trong đống lầy của suy nghĩ về cuộc sống nghèo khổ, quá trọng vật chất rồi dẫn đến hoang phí kéo dài. Quà biếu tặng đã trở thành gánh nặng cho tất cả các mối quan hệ trong đời sống.

>Món quà Tết ngọt ngào
>Chọn quà Tết
>
Giỏ quà tết: giá nào cũng có

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quà Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO