"Phương thuốc" niềm tin

ANH THƯ| 23/07/2009 07:20

Bài thuốc” này của DN có lẽ cũng đúng với cả chính sách của Chính phủ để giải quyết khủng hoảng và đưa kinh tế đi lên.

Đa số DN vừa và nhỏ VN đã sẵn sàng và tự tin hơn để tăng đầu tư vốn, tuyển dụng nhân sự mới. Đó là kết luận rút ra từ cuộc khảo sát thường kỳ mỗi 6 tháng với sự tham gia của hơn 3.400 DN vừa và nhỏ tại 12 thị trường mới nổi ở châu Á, châu Mỹ La tinh và Trung Đông, do Ngân hàng Hồng Kông - Thượng Hải (HSBC) tiến hành và công bố mới đây. Kết quả cuộc khảo sát cũng cho biết, VN tiếp tục là quốc gia lạc quan nhất châu Á với 62% DN kỳ vọng GDP sẽ tăng trưởng tốt hơn.

Dù sao thì ngày nay tiềm lực kinh tế nước ta đã khá hơn, đã có ít nhiều dự trữ ngoại tệ, ta cũng đã có thêm kinh nghiệm xử lý các vấn đề kinh tế nảy sinh, vị thế của nước ta ở trên thế giới và khu vực đã khác trước. Nhóm điều tra của HSBC cũng khảo sát yếu tố nào khiến DNVN tin tưởng sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Có 40% DN cho rằng đó là do “các chính sách, biện pháp của Chính phủ”. Mọi cuộc khủng hoảng đều bắt đầu từ khủng hoảng niềm tin, mất niềm tin là mất tất cả. Có niềm tin thì DN mới đầu tư, người dân mới dám tiêu dùng, giải quyết được tình trạng thụ động. Điều đó cho thấy, chính trong bối cảnh khó khăn, DN đặt niềm tin rất lớn vào sự điều hành của Chính phủ trong nỗ lực khôi phục tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, điều quan trọng không chỉ là khôi phục tốc độ tăng trưởng cao mà tăng trưởng bằng giá nào, hiệu quả và chất lượng ra sao, với cơ cấu kinh tế thế nào? Muốn vậy, việc tái cấu trúc nền kinh tế, khắc phục những yếu kém bộc lộ trong thời khủng hoảng có ý nghĩa sống còn. Cơ cấu lại DN là một hướng cần quan tâm. Hầu hết các lãnh đạo trong nhóm 500 DN lớn nhất VN (VNR 500) đều cho rằng, cách họ đối diện với khủng hoảng là cơ cấu lại DN sao cho gọn gàng nhưng vững chắc. Nói cách khác, thay vì gánh quá nhiều lĩnh vực, khi có khủng hoảng, các DN này đều nhanh chóng quay về củng cổ năng lực cốt lõi - điều đã làm nên sức mạnh thương hiệu của họ.

“Bài thuốc” này của DN có lẽ cũng đúng với cả chính sách của Chính phủ để giải quyết khủng hoảng và đưa kinh tế đi lên. Vấn đề đặt ra là cần phải mạnh dạn xóa bỏ những cái cũ, cái lạc hậu để tìm hướng đi phù hợp, không nhất thiết phải có những dự án cực lớn trong khi khả năng không đáp ứng, hoặc tập trung đầu tư vào những tập đoàn trong khi hiệu quả không cao.

Phải nhắc tới bài học này khi báo chí gần đây thông tin về việc hơn 60% đất công tại TP.HCM do các tập đoàn, tổng công ty quản lý bị sử dụng sai mục đích. Hồ sơ cho thấy Tập đoàn Vinashin được thành lập, đẻ ra nhiều công ty con liên doanh, liên kết, nhưng không công ty con nào hoạt động hiệu quả, dẫn đến món nợ cho Vinashin Cái Lân trong một năm rưỡi qua là 150 tỷ đồng. Tập đoàn tàu thủy này đến các tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long ồ ạt xin đăng ký đầu tư nhiều dự án lớn, nhưng qua hơn 5 năm, đất quy hoạch cho một số dự án vẫn để cỏ mọc...

Ai cũng nhìn thấy rõ những lãng phí và kém hiệu quả này là do cơ chế và cũng chính chúng là mầm mống của khủng hoảng. Và nhiệm vụ của Chính phủ là sớm giải quyết rủi ro này, tạo thêm niềm tin cho DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Phương thuốc" niềm tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO