Nông nghiệp công nghệ cao: Làm mới để cạnh tranh

PHAN LÊ| 01/11/2012 00:38

Có thế mạnh về xuất khẩu nông sản nhưng gần 90% sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam được bán ở dạng thô và 60% sản phẩm bị ép bán giá thấp.

Nông nghiệp công nghệ cao: Làm mới để cạnh tranh

Có thế mạnh về xuất khẩu nông sản nhưng gần 90% sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam được bán ở dạng thô và 60% sản phẩm bị ép bán giá thấp.

Đọc E-paper

Hội chợ Nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ thực phẩm 2012

Vào khít, ra hẹp

Theo TS. Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam khi gia nhập WTO là khả năng cạnh tranh khốc liệt của hàng nông sản trong nước và hàng ngoại nhập có chất lượng cao.

Theo ông An: "Các nhà sản xuất nông nghiệp do thực thi quyền sở hữu trí tuệ sẽ phải mua giống, vật tư, tư liệu sản xuất nông nghiệp với giá cao đã làm tăng thêm chi phí sản xuất. Các nước giàu tiếp tục duy trì trợ cấp cho nông nghiệp và các rào cản đối với thị trường nông sản khiến ngành nông nghiệp khó có thể sử dụng các biện pháp tự vệ đặc biệt để đối phó. Hiện vẫn còn tồn tại những hàng rào phi thương mại áp dụng đối với gạo, đường, phân bón...".

Với những điểm yếu trên, nông sản Việt Nam lâm vào thế khó cũng là điều dễ hiểu, nhưng đứng ở góc độ nhà đầu tư, lĩnh vực này cũng không phải là "điểm đến" hấp dẫn họ.

Minh chứng từ kết quả mời gọi vốn FDI đầu tư vào các dự án trọng điểm quốc gia (giai đoạn 2006 - 2010) cho thấy, gần 26 tỷ USD đầu tư vào 94 dự án, chỉ có 1 dự án dành cho nông nghiệp - chăn nuôi - lâm nghiệp và 4 dự án cho thủy sản, đã thể hiện sự mất cân đối rõ rệt giữa khu vực công nghiệp - xây dựng với nông nghiệp - nông thôn.

Theo TS. Nguyễn Thế Bình, Phó phân viện trưởng Phân viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp thuộc Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), áp dụng công nghệ cao vào sản xuất là con đường tất yếu để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, hướng đến tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm và phòng chống dịch bệnh.

Còn TS. Nguyễn Hải An lại cho rằng, phát triển nông nghiệp phải hướng tới ba lĩnh vực chủ yếu là chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là các thành tựu về công nghệ sinh học trong nông nghiệp; tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho kinh tế nông thôn; xây dựng các cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cho nông nghiệp và nông thôn.

Song, đứng ở góc độ doanh nghiệp (DN), ông Nguyễn Hồng Phong, chủ trang trại Phong Thúy (Lâm Đồng), đầu ra sản phẩm mới là vấn đề thúc đẩy DN, cá nhân tham gia phát triển sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Bởi, hiện tại sản phẩm phát triển theo mô hình này đang khó đầu ra.

"Do chi phí đầu tư cao đã đẩy giá thành sản phẩm luôn cao hơn sản phẩm cùng loại được sản xuất theo phương pháp truyền thống. Vì thế, sản phẩm vẫn chưa thể là sự chọn của đại đa số người tiêu dùng, dù có đạt tiêu chuẩn về chất lượng", ông Phong cho biết.

Một nghiên cứu mới đây từ Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật DN nhỏ và vừa TP.HCM về trình độ công nghệ của các DN, cho thấy, chỉ có 8% DN có công nghệ tiến tiến (phần lớn trong số này là các DN có vốn đầu tư nước ngoài), trên 50% xác định công nghệ của DN đang sử dụng là trung bình và 42% DN đang thừa nhận đang sử dụng công nghệ lạc hậu.

Trẻ tay nghề, non kinh nghiệm

Đi đầu trong việc xây dựng mô hình khu nông nghiệp công nghệ cao là TP.HCM, được hình thành từ năm 2004, nhưng đến năm 2010 mới chính thức đi vào hoạt động.

Chủ yếu tập trung nghiên cứu lĩnh vực nông sản như: rau, hoa kiểng, nấm và dược liệu. Đến nay cũng đã hoàn thiện được 17 quy trình canh tác công nghệ cao đối với các loại rau ăn lá, rau gia vị, rau ăn quả, hoa lan..., đồng thời cũng đã chuyển giao 15 mô hình cho hơn 20 cá nhân, tổ chức trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận đưa vào áp dụng sản xuất.

Theo ông Từ Minh Thiện, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, hiện TP.HCM đã kêu gọi được 14 dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao với tổng vốn đầu tư là 460 tỷ đồng trên diện tích triển khai là 56ha.

Các dự án tập trung chủ yếu vào lĩnh vực ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo - nhân giống, giảm dịch bệnh trên cây trồng; công nghệ xử lý nông sản sau thu hoạch bằng nhiệt; công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học từ các vi sinh vật thân thiện với môi trường; sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu, nấm kiểng...

Từ nay đến năm 2015, TP.HCM sẽ mở rộng và phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao phục vụ cho 2 ngành mới đó là chăn nuôi và thủy sản. Cụ thể, diện tích mở rộng dự kiến là 245ha tại huyện Củ Chi, Cần Giờ và Bình Chánh.

Trong đó, tại Củ Chi sẽ phát triển thêm chăn nuôi bò công nghệ cao; tại Cần Giờ phát triển nuôi thủy sản nước mặn, nước lợ; tại huyện Bình Chánh đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm và trồng trọt.

Trên thực tế, lợi ích từ việc ứng dụng mô hình nông nghiệp công nghệ cao là có. Tuy nhiên, để đưa công nghệ vào thực tiễn quả là chuyện không dễ.

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Ngô Quang Vinh, Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam, cho biết, hiện, nông dân tại Đà Lạt vốn đã có kinh nghiệm vận dụng kỹ thuật vào sản xuất nhưng để áp dụng kỹ thuật công nghệ cao đúng nghĩa, và có thể sánh ngang được với trình độ các nước trong khu vực cũng phải cần khoảng 20 năm phấn đấu, học hỏi; còn đối với DN cũng phải mất khoảng 10 năm.

"Bởi suy nghĩ cũng như việc áp dụng trình độ kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ở VN vẫn còn là vấn đề rất mới. Hầu hết các phương thức sản xuất còn mang nhiều tính truyền thống, nên dù có điều kiện tự nhiên thuận lợi, phát triển sản xuất đa dạng cũng vẫn chưa đạt được hiệu quả kinh tế cao", ông Vinh nhận định.

Thời gian qua, một số tỉnh, thành trên cả nước cũng triển khai mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhưng hiệu quả thành công bước đầu chưa nhiều.

Song, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khuyến khích các tỉnh, thành cùng phát triển nhiều mô hình, diện tích ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau và hoa. Bởi, dù muốn dù không thì việc áp dụng quy trình kỹ thuật cao cũng sẽ là xu hướng tất yếu cho ngành nông lâm, thủy sản Việt Nam nếu muốn cạnh tranh trên thị trường quốc tế trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nông nghiệp công nghệ cao: Làm mới để cạnh tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO