Nơi khai nguyên người mở cõi

HÀN THƯ| 08/07/2010 05:58

Miền đất Quảng Bình đã sinh ra bậc huân hiền Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700). Ông có công mở cõi về phía miền Nam, định hình vĩnh viễn đất nước xuống mũi Cà Mau.

Nơi khai nguyên người mở cõi

Miền đất Quảng Bình đã sinh ra bậc huân hiền Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700). Ông có công mở cõi về phía miền Nam, định hình vĩnh viễn đất nước xuống mũi Cà Mau. Nhân lễ kỷ niệm 310 năm ngày mất của ông, chúng tôi về nơi chôn nhau cắt rốn của ông ở xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình - về nơi khai nguyên ấy mới biết nhiều chuyện lý thú về ông và dòng họ Nguyễn Hữu trứ danh.

Tìm mộ từ giấc mộng

Nguyễn Hữu Cảnh sau khi mất được cải táng ở nhiều nơi, nhưng cuối cùng được đưa về địa táng tại thác Ro, Trường Thủy, huyện Lệ Thủy năm 1802 theo câu sấm của tiền nhân dòng họ: “Thượng Yên Mã, hạ đùng đùng, trung trung nhất huyệt" (Trên là núi Yên Mã, dưới có phá Hạc Hải, giữa nhất quyết hạ huyệt). Sau đó, đại học sĩ Nguyễn Hữu Bài, thượng thư thời Bảo Đại, là hậu duệ của Nguyễn Hữu Cảnh, lập bia cao 2m để tưởng nhớ ông vào năm 1930.

Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh tại quê hương

Thời gian bể dâu, đất nước chiến tranh, vết tích của ngôi mộ bị cây cối phủ lấp, con cháu dòng họ Nguyễn Hữu không còn ai nhớ rõ mộ của ông ở đâu. Một cuộc tìm kiếm kéo dài gần 30 năm được bắt đầu bởi ông Nguyễn Hữu Chương, là hậu duệ đời thứ 9 của Nguyễn Hữu Cảnh. Năm 1978, ông Chương ở Vạn Ninh lội bộ hơn 30km vào Trường Thủy tìm mộ bậc kiệt tướng.

Lăn lộn ba năm giữa rừng theo hướng dẫn của bản gia phả cổ, nhưng cuối cùng lại về tay không. Lao tâm khổ tứ tìm mộ, ông mang trọng bệnh, trước khi mất có mơ thấy một người mặc áo choàng gấm, mắt sáng, râu dài cùng hai người hầu xuất hiện: “Đến di duệ thứ 10 sẽ tìm ra”. Ông Chương kể lại cho con là Nguyễn Hữu Tiến, cháu đời thứ 10 của kiệt tướng Nguyễn Hữu Cảnh, rồi di nguyện: “Dòng họ trông chờ ở con, phải tìm cho ra để không thẹn với dòng giống tổ tiên”.

Năm 1995, một trưa hè, ông Tiến ra bờ ao mắc võng ngủ, mơ thấy vị tướng thân hình vạm vỡ, đeo gươm oai vệ, nói: “Con sẽ tìm được mộ tổ từ một người trong làng”. Hôm sau, có cựu chiến binh Nguyễn Phúc Thuần ở cùng xã, đến nói: “Hôm qua đi mần ruộng về, mệt quá ngủ sớm, ai ngờ mơ thấy một ông già người to cao, tóc bạc trắng, mặc áo choàng gấm, tay cầm kiếm đi cùng hai người hầu tiến đến gần giường, bảo: "Ngày mai dậy sớm đưa theo một ít gạo để nấu ăn". Lúc đó có bóng một người đàn bà và đứa trẻ chăn trâu đi từ trong nhà đi ra”.

Ông Tiến nghe vậy liền lên đường cùng ông Thuần. Đến nơi, khát, đi tìm nước, xuống suối liền gặp người đàn bà mò cua. Ông Tiến đưa bức hình vẽ bia mộ cụ Cảnh dò hỏi. Người phụ nữ chỉ tay nói có một tấm ở đằng tây, gần nhà dân. Tìm một lát, lại gặp đứa bé chăn trâu, hai người nhìn nhau nói “giấc mơ hiển linh”, liền hỏi.

Đứa bé nói trong làng có ông Trần Mạc Hy (sinh năm 1930, trú tại xã Trường Thủy, Lệ Thủy) biết. Hai người tìm nhà cụ Hy, đưa sơ đồ vẽ tấm bia, cụ Hy nhận ra và bảo: “Ngôi mộ ấy tui vẫn thường xuyên hương khói vào mỗi dịp Tết, rằm, nhưng không biết của ai”. Ông Tiến vui mừng rơi nước mắt.

Hay tin, GS. sử học Trần Quốc Vượng vào đọc bia mộ: “Vĩnh an hầu Nguyễn Hữu Cảnh chi mộ”. Sau nhiều năm tìm kiếm, con cháu họ Nguyễn Hữu mới cúi đầu vái lạy được tổ tông. Lúc đó ngôi mộ của ông chỉ còn một nhúm đất nhỏ dưới bóng bia đá rêu phong. Nay đã được UBND tỉnh Quảng Bình đầu tư xây dựng khang trang.

Nơi khai nguyên có ống tre cổ

Nguyễn Hữu Cảnh lúc mất được phong Vĩnh an hầu, Chúa Nguyễn Phúc Chu ban cấp 8 mẫu ruộng, sai cắt 12 tá điền khỏe nhất trong vùng chăm bón, dùng hoa lợi đó cúng bái ông hằng năm và lo toan sửa chữa đền Vĩnh an hầu. Trải qua bao biến thiên dâu bể, đền Vĩnh an hầu bị tàn phá. Năm 2001, UBND tỉnh Quảng Bình tiến hành phục dựng lại ngôi đền ba gian bằng gỗ gõ, tuy không tráng lệ như xưa nhưng cũng đủ đầy uy nghi thờ phụng người đi mở cõi phương Nam. Trông coi phần đất hương hỏa của ông là hậu duệ đời thứ 10 Nguyễn Hữu Tiến.

Ống tre đựng gia phả

Sống khiêm nhường bên lũy tre làng, tiếp chúng tôi, ông Tiến trịnh trọng thắp tuần hương, vái lạy đấng tổ xin rước ống tre đựng gia phả dòng họ cho hậu thế cung nghinh. Gia phả mấy trăm năm, màu giấy dó đã ố cũ, trang đầu bị thời gian gặm nhấm sờn rách nhưng những dòng chữ cổ vẫn lừng lững uy nghi về dấu tích dòng họ Nguyễn Hữu sinh ra bậc kiệt tướng Nguyễn Hữu Cảnh.

Theo ông Tiến, chiếc ống tre này có tuổi trên dưới 150 năm, đã được xử lý chống mối mọt. Trước đây được làm bằng ống quyển sơn son thiếp vàng, nhưng để tránh sự soi ngó của phường trộm cắp, chính tông dòng họ Nguyễn Hữu đã lấy ống tre giản dị đựng gia phả. Thời bom đạn của Mỹ, đền Vĩnh an hầu bị cháy, cha con ông lao vào lửa, bất chấp tính mạng, lấy bằng được gia phả gốc ấy để truyền lại cho muôn đời sau.

Số phận mộ phần thân phụ và bào huynh

Nguyễn Hữu Cảnh có cha là Nguyễn Hữu Dật, anh cả Nguyễn Hữu Hào đều được nhà Nguyễn sắc phong là bậc đại khai quốc công thần, có công lớn với nước, được nhà Nguyễn ban dựng đền Tĩnh quốc công, đưa hai cha con vào đền thờ, hằng năm đến xuân thu nhị kỳ (tháng Ba, tháng Bảy), địa phương cúng linh đình tưởng nhớ hai bậc danh tướng.

Nhưng mộ của thân phụ và anh cả của Vĩnh an hầu Nguyễn Hữu Cảnh lại có một số phận vô cùng bi thương. Năm 1950, rộ lên nạn đào trộm mộ cổ, mộ của Chiêu quận công Nguyễn Hữu Dật và Hào lương hầu Nguyễn Hữu Hào bị bọn bất lương quật lên, chúng đào nát cả một vùng đồi để tìm vàng bạc, châu báu. Nhưng những bậc tiền nhân dũng tướng họ Nguyễn Hữu mất đi, không táng theo mình bất cứ thứ gì, sống giản dị, ra đi cũng bình sinh, không muốn làm ma tham lam.

Mộ kiệt tướng Nguyễn Hữu Cảnh

Bây giờ, người trực tiếp hương khói cho Nguyễn Hữu Hào, Nguyễn Hữu Dật là ông Nguyễn Hữu Phúc (85 tuổi) ở thôn Bến, xã Vạn Ninh. Năm 1962, ông Nguyễn Hữu Phúc lên Trường Thủy. Ông dựng lại tấm bia mộ dựng chung cho hai cha con Nguyễn Hữu Hào bị xô đổ gãy đôi, khi lật tấm gạch ba sàng lên xem, liền phát hiện một cái tìm (hũ).

Theo những gì cha ông truyền lại, mộ ngài Hào, ngài Dật đã được bốc vào hai cái tìm. Lúc đó ông khấn lạy xin ngài cho mở ra, và thấy trong đó toàn nước đỏ như huyết, sau mấy phút biến thành màu vàng óng. Ông Nguyễn Hữu Phúc xem đó là sự linh thiêng hiếm có nên xin rước về cát táng tại làng Lòi, xã Vạn Ninh.

Tấm bia đá uy nghi bị vỡ đôi, ông đưa về nhà, dựng trước vườn, lấy sắt buộc vào trụ gỗ cho vững chãi rồi đặt lên đó bát hương thờ cúng. Đền Tĩnh quốc công đã bị giặc Pháp san phẳng, nay chỉ còn lại nền đất hoang hóa, dòng họ Nguyễn Hữu làm nông nghiệp, đa phần nghèo nên ông Phúc đứng ra dựng lên ba cái bục trên nền đền thờ cũ để đặt ba bát hương thờ phụng.

Một gia đình sinh ra ba vị tướng, thiết nghĩ, tỉnh Quảng Bình đã phục dựng được đền Vĩnh an hầu cho con cháu của ngài khắp nơi về hương khói thì cũng nên dựng lại đền Tĩnh quốc công để con dân Nguyễn Hữu đỡ tủi thân, mà đó cũng là đạo uống nước nhớ nguồn.

Ông Nguyễn Hữu Phúc năm nay đã già, nhà nghèo, không đủ tiền sắm sanh lễ vật cúng bái, bảo quản bia đá, nên đành để tấm bia ấy cho mưa nắng bào mòn. Nhìn cảnh đó, ai nấy đều xót lòng cho Chiêu vũ hầu Nguyễn Hữu Dật và Hào lương hầu Nguyễn Hữu Hào một thời kinh bang tế thế.

Công trình tinh hoa về bậc huân hiền

Một người cháu ngoại hậu duệ dòng Nguyễn Hữu sinh sống ở TP. HCM đã tìm hiểu về bậc huân hiền Nguyễn Hữu Cảnh. Ấy là nhà văn Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền. Bà cùng chồng là học giả Thanh Vân đã dành nhiều tâm lực cho công trình nghiên cứu “Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh với công cuộc khai sáng miền Nam nước Việt cuối thế kỷ XVII”.

Bắt đầu từ năm 1991, bà ra vào miền Trung, miền Bắc, đi khắp miền Nam để điền dã, khảo cứu, truy nguyên về bậc mở cõi Nguyễn Hữu Cảnh. Lao động cật lực, vừa đi bà vừa viết, và hết ba năm sau, Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền đã hoàn chỉnh soạn phẩm tinh hoa cuộc đời, sự nghiệp Nguyễn Hữu Cảnh bằng công trình: “Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh với công cuộc khai sáng miền Nam nước Việt cuối thế kỷ XVII”.

Các nhà sử học đánh giá tập sách là bước đầu tiên khai sáng rõ ràng bước chân Nguyễn Hữu Cảnh trên đất phương Nam. Tập sách không chỉ nói về Nguyễn Hữu Cảnh mà còn vén nhiều bức màn bí ẩn bị bụi thời gian che khuất về hai nhân kiệt khác là Chiêu vũ hầu Nguyễn Hữu Dật và Hào lương hầu Nguyễn Hữu Hào. Từ đó đến nay sách đã 5 lần tái bản, một lần in bằng tiếng Anh và được các bậc thức giả đánh giá rất cao

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nơi khai nguyên người mở cõi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO