Nghệ nhân

KHẢI LY| 26/11/2009 08:44

Chẳng biết công chúa Ngọc Lan có ngâm ngợi bài thơ nào không khi bà thả chân trên từng bậc đá lên Vọng Giang Đài.

Nghệ nhân

Chẳng biết công chúa Ngọc Lan có ngâm ngợi bài thơ nào không khi bà thả chân trên từng bậc đá lên Vọng Giang Đài. Cành vàng lá ngọc, em gái vua Minh Mạng đã quyết chọn Ngũ Hành Sơn xây một cái am nhỏ nhìn ra sông Trường Giang để tụng kinh niệm Phật.

Gần 200 năm trước, vua Minh Mạng cũng từng đến đây. Ông đã đặt tên cho núi, cho các hang động, chùa chiền. Không ai biết những cái tên như Ngũ Hành Sơn, Huyền Không, Hóa Nghiêm, Lăng Hư, Tàng Chân, Vân Nguyệt, Thiên Long... đã làm nhà vua phải suy nghĩ mất biết bao nhiêu thời gian, nhưng có một điều chắc chắn, giữa những lo toan quốc kế dân sinh, trong tâm hồn đấng vương giả này, cảnh trí Ngũ Hành Sơn đã chiếm một phần quan trọng, như niềm tự hào về một miền đất xinh đẹp nơi xứ Quảng.

Một trăm lẻ tám bước lên chùa Tam Thai lưng chừng núi, nếu như khách vãng lai chợt nhớ mấy câu thơ của Tuệ Trung Thượng Sĩ, qua bản dịch của Trúc Thiên, hẳn lại ngậm ngùi thốt: Thẹn bao mình đục, sinh thời đục/ Nhờ chút lòng yên, gặp nước yên/ Đêm mộng Quan Âm vào cỏ nội/ Sông thu trong vắt dáng sương huyền.

Sân chùa Tam Thai trên Ngũ Hành Sơn nghi ngút khói hương. Bên gốc mai già xanh lá, nghệ nhân đang thả bước trong không gian thiền tịnh. Để bắt đầu một tác phẩm mới, những nghệ nhân già núi Ngũ Hành ăn chay niệm Phật, để cho đất trời thanh thản ngấm vào tận trong sâu thẳm tâm hồn, để đủ nội lực đưa đẩy nhát đục trên khối đá hoa cương. Nhưng càng ngày cõi nhân gian dưới chân núi càng ồn ào, bụi trần tưởng đã bay lên nhuốm trọn cả cây cỏ lưng chừng hòn Thủy, nghệ nhân phải dưỡng tâm cả tháng. Ba mươi tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp của Phật được nghệ nhân cảm nhận mỗi phần khác nhau và thể hiện theo tâm thức riêng.

Trên một tác phẩm trước vườn nhà nghệ nhân, một khối đá đen tuyền hơn 10 tấn nặng trĩu nỗi niềm nhân sinh, nghệ nhân đã trút hết những cảm xúc và tài năng của nghiệp tổ năm đời vào đó, biến thành pho tượng quý. Đêm đêm nghệ nhân đọc kinh Phật để vượt thoát những giằng co trần thế, để đủ tài năng thể hiện cái khoảnh khắc xuất thần nhất trên gương mặt đấng từ bi. Đôi khi trong một cửa hàng nghèo nàn bán đồ đá mỹ nghệ, ta bỗng thấy lòng chợt dịu lại trước ánh mắt từ bi xuyên thấu của Phật Bà Quan Thế Âm và tự mỗi người cảm nhận được sự chia sẻ những nỗi buồn, chợt cảm được giá trị của những phút giây yên lặng bên nhau, có nhau trong cuộc sống.

Hàng ngàn, hàng vạn tác phẩm đã ra đời trong những giây phút từng nghệ nhân cảm nhận được sự giao thoa của nghệ thuật bay bổng và ánh sáng của Phật pháp, hướng tới sự tu tập thực tế của từng người. Nếu như một lúc đứng lặng trước pho tượng Phật Bà Quan Âm ở lưng núi, nghệ nhân có thể giúp ta cảm được chữ “nhẫn”, nhận chân được cái địa ngục mỗi người tự vướng vào bằng thiển cận, nhỏ nhen, tranh giành lợi lộc phù phiếm, biết đâu ai đó đã thoát được những nỗi nặng nề chốn nhân gian...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghệ nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO