Ngành dược: Áp lực cạnh tranh từ Ấn Độ

08/04/2015 05:00

Hiện tại, Ấn Độ có nhiều công ty dược nhất và có lượng sản phẩm đăng ký nhiều nhất tại Việt Nam.

Ngành dược: Áp lực cạnh tranh từ Ấn Độ

Thị trường dược phẩm Việt Nam có nhu cầu lớn nhưng thuốc nội địa chưa thể đáp ứng và đây được xem là mảnh đất màu mỡ cho các công ty nước ngoài. Đặc biệt, các tập đoàn dược phẩm Ấn Độ đang tìm nhiều cách để gia tăng sự hiện diện tại thị trường Việt Nam. Ngành công nghiệp dược trong nước đang đứng trước nhiều thách thức.

Dược Ấn Độ mở rộng thị trường

Ngày 19 và 20-3 vừa qua, hội chợ triển lãm ngành dược Ấn Độ diễn ra tại TPHCM với hơn 50 doanh nghiệp dược ở các lĩnh vực nguyên liệu, bán thành phẩm, các thành phần bào chế, dược phẩm sinh hóa và máy móc thiết bị... chưa từng có mặt tại thị trường Việt Nam.

Lần đầu tham gia triển lãm tại Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp chỉ trưng bày một vài sản phẩm thuốc thành phẩm đặc trưng của mình, có doanh nghiệp chỉ trưng bày catalog giới thiệu sản phẩm.

Hiện tại, Ấn Độ có nhiều công ty dược nhất và có lượng sản phẩm dược đăng ký nhiều nhất tại Việt Nam. Năm 2014 có 4.269 loại dược phẩm của Ấn Độ được đăng ký, chiếm 26% tổng số dược phẩm đăng ký tại Việt Nam.

Được biết đến năm 2016 sẽ có thêm một số nhà máy sản xuất dược, hóa dược của doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam. Họ sẽ tìm đối tác để thành lập công ty cổ phần liên kết và sẽ cử người sang vận hành, phát triển những công ty này.

Bên cạnh lợi thế đang dẫn đầu mảng dược phẩm nhập khẩu vào Việt Nam, các sản phẩm dược của Ấn Độ cũng được đề cập trong hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa khu vực ASEAN và Ấn Độ. Mức thuế ưu đãi từ 0-9% hiện nay đang thúc đẩy hoạt động nhập khẩu dược phẩm từ Ấn Độ vào Việt Nam mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Theo bà Roja Rani, Trợ lý giám đốc bộ phận của Hội đồng Phát triển xuất khẩu dược Ấn Độ (Pharmexcil) kiêm phụ trách thị trường châu Á, không chỉ nhập khẩu thuốc thành phẩm, trang thiết bị y tế, dược phẩm sinh hóa...,Ấn Độ còn là thị trường duy nhất mua cây dược liệu Artemisinin tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam để sản xuất thuốc điều trị sốt rét. Hiện có khoảng 60.000 nông dân trồng cây này.

... Nhưng dẫn đầu về thuốc kém chất lượng

Vấn đề đáng lo ngại hiện nay là tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng nhập từ các công ty Ấn Độ được phát hiện ngày càng nhiều. Theo Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế, từ ngày 1-1-2011 đến 23-8-2013, cục này đã phát hiện 37 công ty của 10 quốc gia có thuốc vi phạm chất lượng, trong đó có 25 công ty dược phẩm của Ấn Độ.

Kể từ ngày 1-10-2013, tất cả 100% lô thuốc nhập khẩu từ các công ty đều phải được kiểm tra trước khi lưu hành trên thị trường.

Theo công bố của Cục Quản lý dược, kết quả thanh tra đợt 8 (từ ngày 23-8-2013 đến 5-3-2014) có 63 công ty có thuốc vi phạm chất lượng, trong đó có 44 công ty của Ấn Độ, chiếm tới hai phần ba. Bà Roja Rani cho biết sắp tới Ấn Độ sẽ cử đoàn kỹ thuật viên đến các nhà máy xem tại sao để xảy ra tình trạng thuốc kém chất lượng như vậy, và Ấn Độ sẽ cố gắng cải thiện tình trạng này.

>Doanh nghiệp dược: Nội tăng tốc để đuổi kịp ngoại
>
Thị trường dược phẩm: Cuộc chiến trụ hạng

Công nghiệp dược trong nước buộc phải chuyển mình

Theo các nhà quản lý dược, ngành công nghiệp hóa dược của Việt Nam hiện còn rất nghèo nàn, nói đúng hơn là chưa có. Nếu các nhà máy đầu tư nghiên cứu về hóa dược thì chi phí sẽ cao hơn so với việc nhập nguyên liệu, và dám chắc là công nghiệp dược trong nước không thể cạnh tranh được với Ấn Độ.

Để phát triển, từ năm 2013, Công ty Dược Traphaco đã liên kết với một đối tác Nhật Bản nhằm mở rộng năng lực sản xuất, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới và nhân rộng hệ thống phân phối.

Dược Hậu Giang (DHG) đã có nhà máy mới tại khu công nghiệp Tân Phú Thạnh (Cần Thơ) trên diện tích hơn 8 héc ta với tổng vốn đầu tư 556 tỉ đồng. Định hướng của DHG là tập trung phát triển sản phẩm có nguồn gốc dược liệu thiên nhiên. Trước mắt, DHG đã sản xuất Spivital từ tảo Spirulina và Naturenz chiết xuất từ dược liệu thiên nhiên và cả hai sản phẩm này đều có tiềm năng tăng trưởng cao.

Ông Huỳnh Trung Chánh, Phó chủ tịch thường trực HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Domesco, cho rằng các hội chợ triển lãm dược Ấn Độ tại thị trường Việt Nam giúp sự hòa nhập giữa ngành công nghiệp hai nước tốt hơn, đồng thời, đòi hỏi ngành dược Việt Nam phải có sức cạnh tranh mạnh mẽ hơn nữa về công nghệ mới và chất lượng sản phẩm.

Theo ông Chánh, Ấn Độ là một trong những quốc gia cung cấp nguồn nguyên liệu dược chính trên thế giới và đứng thứ hai ở Việt Nam. Ngành sản xuất nguyên liệu dược trong nước hiện là con số 0, khi một số mặt hàng sản xuất được thì không đi tới đâu và nguồn dược liệu vẫn rất phân tán, có thể nói khó rất cạnh tranh với nguồn dược liệu của Ấn Độ và Trung Quốc.

Nhiều công ty dược Việt Nam như Dược Hậu Giang, Imexpharm, Domesco, Dược Cửu Long, Pharmedic, S.P.M (chuyên về tân dược), Traphaco, Dược OPC và Dược Phong Phú (Đông dược)... tuy đã sản xuất được nhiều sản phẩm thuốc có chất lượng cạnh tranh được với những mặt hàng thuốc generic của nhiều quốc gia, đạt tiêu chuẩn GMP, Gis, WHO... và có mặt hàng đã xuất khẩu ra nước ngoài, nhưng giá thành còn cao và còn lãng phí trong quá trình sản xuất. Do đó, doanh nghiệp trong nước cần đưa công nghệ mới vào sản xuất để hạ giá thành.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó trưởng phòng dược, Sở Y tế TPHCM, sự mở cửa của các hiệp định FTA buộc doanh nghiệp Việt Nam phải cố gắng hơn nữa. Về phía quản lý ngành, thời gian qua, Bộ Y tế và Sở Y tế TPHCM đã tập trung lấy mẫu kiểm tra chất lượng nghiêm khắc hơn đối với những sản phẩm giá rẻ để bảo vệ sản xuất trong nước.

Đặc biệt, Việt Nam hiện không có công nghệ hóa dược nên nguồn nguyên liệu cần phải được kiểm soát chặt chẽ hơn. Ông Dũng cũng lo lắng về vấn đề hàng rào kỹ thuật trong nhập khẩu thuốc và những tồn tại hiện nay của hoạt động đấu thầu thuốc. Theo ông, nếu dễ dàng để các công ty dược nhỏ, kém chất lượng tràn vào thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Ông Lê Văn Sơn, Giám đốc Công ty Dược phẩm Trung ương 2 thì lại cho rằng khi Việt Nam chưa thể sản xuất được nguồn nguyên liệu cũng như việc đầu tư về con người, về công nghệ hóa dược còn yếu, thì việc Ấn Độ thúc đẩy mở rộng thị trường ở Việt Nam là điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp dược trong nước.

Bởi vì không phải tất cả thuốc và nguyên liệu nhập khẩu từ Ấn Độ đều kém chất lượng, cũng như không phải tất cả thuốc, nguyên liệu hóa dược nhập từ Mỹ, Canada hay Pháp, Đức... đều an toàn 100%.

Vấn đề đặt ra là cơ quan quản lý ngành cần có các quy định quản lý thuốc chặt chẽ hơn nữa để đảm bảo thuốc lưu hành trên thị trường không những được kiểm nghiệm về chất lượng mà còn được chứng minh về hiệu quả điều trị.

>Tận thu rừng dược liệu
>
Estrogen thảo dược - cội nguồn tuổi xuân cho phụ nữ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành dược: Áp lực cạnh tranh từ Ấn Độ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO