Ngân hàng Nhà nước có đủ công cụ để can thiệp tỷ giá

MINH PHƯƠNG| 30/07/2018 06:35

Tỷ giá có tăng nhưng nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế vẫn được đáp ứng đầy đủ.

Ngân hàng Nhà nước có đủ công cụ để can thiệp tỷ giá

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM. Theo ông Minh, gần đây tỷ giá diễn biến phức tạp, có tăng nhưng Việt Nam không thiếu ngoại tệ, do có những nguồn cung ngoại tệ từ FDI, xuất khẩu, du lịch, kiều hối và đặc biệt có nguồn dự trữ ngoại hối không nhỏ.

Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm áp dụng cho phiên giao dịch ngày 23/7 ở mức 21.644VND/USD, giảm 14 đồng so với cuối tuần trước. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các NHTM được áp dụng ngày 23/7 là 23.323 đồng/USD và tỷ giá sàn là 21.965 đồng.

Đồng thời, NHNN đã nâng giá bán USD: mua vào ở mức 22.700 đồng và bán ra là 23.273 đồng, tăng 268 đồng so với phiên giao dịch ngày 21/7, cao hơn nhiều so với giá bán của các NHTM. Đây được xem là thông điệp chính thức cho biết NHNN dừng bán USD giá thấp cho các thành viên tham gia thị trường.

* Thưa ông, đến thời điểm này, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng ra sao?

- Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng 17,5% cho các ngân hàng thương mại (NHTM) tại TP.HCM. Chúng tôi đánh giá đây là chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khá cao và ngành ngân hàng phải rất nỗ lực mới đạt mục tiêu này. Tính đến cuối tháng 6/2018, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng tại TP.HCM đạt 7,5%, với mức dư nợ 1.900.000 tỷ đồng, chiếm 1/3 tổng dự nợ của cả nước.

Như vậy, từ nay đến cuối năm, tăng trưởng tín dụng còn 10%, với tổng vốn tín dụng hơn 1.900.000 tỷ đồng nữa. Với dư địa này thì các ngân hàng thương mại không thiếu vốn cung cấp cho doanh nghiệp, kể cả vào thời điểm cuối năm, vốn có nhu cầu vốn rất cao. Về lãi suất, theo thống kê của NHNN, cho vay ngắn hạn với tiền đồng phổ biến trên dưới 7 - 8%/năm, cho vay trung và dài hạn xoay quanh mức 9 - 10%.

ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM

ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM

* Vấn đề nợ xấu hiện nay liệu có ảnh hưởng đến kinh doanh của các ngân hàng?

- Thống kê của NHNN về tình hình nợ xấu của các NHTM trên địa bàn TP.HCM cho thấy nợ xấu chỉ chiếm khoảng 3,2% trong tổng dư nợ. Mà nếu trừ đi nợ xấu của ba ngân hàng thương mại được NHNN mua lại với giá 0 đồng, gồm Ngân hàng Đại dương, Xây dựng và Dầu khí toàn cầu thì nợ xấu của các NHTM tại TP.HCM chỉ còn 1,7%. Đây là con số thấp nhất trong 10 năm qua mà các NHTM trên địa bàn TP.HCM đạt được.

Đạt được mức nợ xấu thấp là do sự nỗ lực của toàn ngành ngân hàng. Chúng tôi đánh giá cao Nghị quyết 42/2017/QH14 Về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng của Quốc hội, có hiệu lực vào tháng 8/2017, cho phép các NHTM được xử lý tài sản đảm bảo đã thế chấp vay vốn ngân hàng và nếu tài sản này không có tranh chấp và đang thi hành án thì ngân hàng có thể xử lý thu hồi nợ. Điều này giúp các ngân hàng dễ dàng xử lý nhanh tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, từ đó giảm nợ xấu.

Thời gian tới, chúng tôi vẫn quyết liệt xử lý nợ xấu dựa trên tinh thần Nghị quyết 42, đặc biệt cho phép hình thành thị trường buôn bán nợ, mà TP.HCM có nhiều điều kiện để phát huy tối đa vấn đề này.

Mặt khác, chúng tôi cũng yêu cầu các ngân hàng phải thẩm định chặt chẽ các khoản vay ở những lĩnh vực có nhiều rủi ro như bất động sản, BOT giao thông để không phát sinh nợ xấu hoặc nợ xấu ở mức độ thấp, chấp nhận được, kiểm soát được để từ đó đảm bảo được thanh khoản, và nợ xấu trong nền kinh tế thấp nhất.

* Vừa rồi tỷ giá có nhiều biến động. Ông đánh giá điều đó như thế nào?

- Chính sách tỷ giá và điều hành tỷ giá của NHNN thời gian qua là điểm sáng của cách chỉ đạo, điều hành và đã đóng góp tích cực vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối. Tuy nhiên vừa qua, đặc biệt vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7 thì tỷ giá có những diễn biến phức tạp, theo chiều hướng tăng.

Theo đánh giá của NHNN, tỷ giá tăng có nguyên nhân do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, và dự kiến từ nay đến cuối năm FED tăng lãi suất từ 2 - 3 lần nữa. Và khi FED tăng lãi suất thì đồng USD diễn biến khá phức tạp và sẽ tác động đến các đồng ngoại tệ khác, từ đó tác động đến tỷ giá và ảnh hưởng đến thị trường vàng.

Qua theo dõi sát diễn biến thị trường, chúng tôi nhận thấy tỷ giá có tăng nhưng nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế vẫn được đáp ứng đầy đủ. Hằng ngày NHNN đưa ra tỷ giá trung tâm, các ngân hàng thương mại căn cứ vào đó để niêm yết tỷ giá mua, bán và được phép chênh lệch với tỷ giá trung tâm tối đa 3%. Song, vừa qua chưa thấy NHTM nào niêm yết kịch trần tối đa 3%.

Do đó, chúng tôi đánh giá tỷ giá diễn biến phức tạp, có tăng nhưng không căng thẳng về ngoại tệ. Và chúng tôi khẳng định, với nguồn cung ngoại tệ như hiện nay từ FDI, xuất khẩu, du lịch, kiều hối và đặc biệt có nguồn dữ trự ngoại hối không nhỏ, ở mức 63,5 tỷ USD (hơn 12 tuần xuất khẩu), thì NHNN có đầy đủ công cụ để can thiệp thị trường khi cần thiết.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngân hàng Nhà nước có đủ công cụ để can thiệp tỷ giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO