Nâng cao vị thế của Đồng bằng sông Cửu Long

Q.TOÀN| 30/06/2016 06:12

Phát biểu tại Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long - 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vị thế và vai trò của Đồng bằng sông Cửu Long.

Nâng cao vị thế của Đồng bằng sông Cửu Long

Phát biểu tại Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long - 2016 (vừa diễn ra tại TP.HCM với chủ đề Vì Đồng bằng sông Cửu Long thịnh vượng và thích ứng khí hậu), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vị thế và vai trò của Đồng bằng sông Cửu Long.  

Đọc E-paper

Theo đó, Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là vựa lúa lớn nhất cả nước mà phải trở thành khu vực phát triển nền nông nghiệp thông minh, bền vững, có giá trị gia tăng cao của Đông Nam Á và rộng hơn là châu Á.

Thủ tướng khẳng định: "Nếu thực hiện được tầm nhìn này coi như đã hoàn thành một trong những sứ mệnh khó khăn nhất của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền nông nghiệp Việt Nam nói riêng".

Thủ tướng cũng đồng thời nêu lên quan ngại về sự sụt giảm sản lượng lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long trong những năm gần đây do tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, đặt ra nguy cơ cho cả Việt Nam và thế giới về an ninh lương thực. Hiện, Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất đến 50% tổng sản lượng lúc gạo của Việt Nam và 70% sản lượng thủy sản của cả nước.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) nêu tại Diễn đàn, hạn hán và xâm nhập mặn năm 2016 đã tác động mạnh tới nông nghiệp và sinh kế của người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Hơn 208.000ha lúa, 9.400ha cây ăn quả bị mất trắng, sản lượng lúa vụ đông xuân toàn vùng giảm gần 1 triệu tấn, sản xuất thủy sản, chăn nuôi gặp khó khăn. Hạn hán đã qua, bắt đầu xuất hiện lo ngại về mưa lớn và lụt lội.

Để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long bền vững, theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát, bên cạnh việc làm tốt hơn công tác quan trắc, dự báo tác động của biến đổi khí hậu, Đồng bằng sông Cửu Long cần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới có tính đến các yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, chú trọng hỗ trợ phát triển sản xuất bền vững, nâng cao thu nhập của người dân, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, tổ chức lại sản xuất theo hướng ứng dụng nền nông nghiệp thông minh, huy động các nguồn lực nâng cao cơ sở hạ tầng, nhất là thủy lợi.

>>31 di sản thế giới nguy cơ bị hủy hoại do biến đổi khí hậu

Bà Victoria Kwakwa - Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nhấn mạnh, chủ đề chính của Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long 2016 chính là hợp tác, xây dựng mối quan hệ đối tác cùng phát triển và đây là yêu cầu rất quan trọng nếu muốn giải quyết các thách thức ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Mối quan hệ đối tác trước tiên là giữa Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và chính quyền địa phương, giữa các địa phương và giữa các bộ, ngành, và giữa các cơ quan Việt Nam với các tổ chức phát triển, các nhà tài trợ quốc tế. "Chúng ta đã xây dựng những mạng lưới này và bây giờ cần đẩy mạnh, làm tốt hơn nữa", bà Kwakwa nói.

Về giải pháp để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh một số vấn đề cơ bản. Trước tiên, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và chính quyền các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phải phối hợp cùng Chính phủ tập trung xây dựng liên kết vùng, xây dựng chiến lược phát triển để phát huy thế mạnh của từng địa phương, đồng thời xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng địa phương trong việc tạo ra chuỗi liên kết về sản xuất và dịch vụ để nâng cao năng lực cạnh tranh, tránh tình trạng cạnh tranh nội bộ.

Các trường đại học ở miền Tây có thể chủ động liên kết với các trường ở Hà Nội, TP.HCM, trường quốc tế để nâng cao chất lượng nghiên cứu nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, nuôi trồng.

Thêm nữa, phải ưu tiên phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp gắn với đối phó biến đổi khí hậu bằng giải pháp công trình và phi công trình cũng như quy hoạch hệ thống đê điều, hồ chứa để đảm bảo khả năng dự phòng khi có diễn biến bất thường của thời tiết. Song song đó là việc chuyển đổi cây trồng, tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng bền vững, đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân. Điều này, các địa phương có thể học hỏi mô hình của Israel, Nhật Bản.

>>Israel hỗ trợ TP.HCM phát triển nông nghiệp công nghệ cao

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nâng cao vị thế của Đồng bằng sông Cửu Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO