Muốn giảm nợ công, phải giảm chi ngân sách

TS. VŨ ĐÌNH ÁNH| 09/12/2015 06:30

Muốn cân đối, giảm thâm hụt và giảm nợ công thì không thể tiếp tục tăng thu mà chỉ có thể giảm chi, nhất là giảm chi đầu tư phát triển từ nguồn NSNN và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Muốn giảm nợ công, phải giảm chi ngân sách

Chiến lược nợ công được xây dựng dựa trên những chỉ tiêu, giả định về tăng trưởng kinh tế, GDP, thu ngân sách nhà nước (NSNN), kế hoạch sử dụng vốn của các bộ, ngành, địa phương.  

Đọc E-paper

Theo đó, kế hoạch huy động vốn tăng từ 297.000 tỷ đồng năm 2013 lên đến 563.000 tỷ đồng năm 2020 để bù đắp bội chi NSNN; đầu tư từ trái phiếu chính phủ; cho vay lại, vay theo chương trình. Các khoản vay của Chính phủ, bảo lãnh vay trong nước cho VDB, Ngân hàng Chính sách xã hội, các dự án trọng điểm cũng tăng theo từng năm.

Theo kế hoạch huy động và sử dụng vốn vay trong năm 2014, vay trong nước 367.000 tỷ đồng, trong đó để bù đắp bội chi NSNN là 197.000 tỷ đồng, phát hành trái phiếu cho đầu tư là 100.000 tỷ đồng và đảo nợ khoảng 70.000 tỷ đồng. Rút vốn vay ODA, vay ưu đãi và vay thương mại nước ngoài của Chính phủ trên cơ sở các hiệp định vay đã ký, dự kiến 4.520 triệu USD, tương đương 95.800 tỷ đồng.

Hạn mức vay trong nước được Chính phủ bảo lãnh tối đa là 70.492 tỷ đồng, còn hạn mức vay thương mại nước ngoài của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được Chính phủ bảo lãnh là 2.800 triệu USD. Nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ năm 2014 là 208.883 tỷ đồng, bao gồm trả nợ trong nước 159.683 tỷ đồng và trả nợ nước ngoài 49.200 tỷ đồng.

So với năm liền trước, dư nợ công năm 2011 tăng 24,8%, năm 2012 tăng 17%, và năm 2013 tăng 17,4%, trong đó có nguyên nhân từ việc huy động và sử dụng vốn vay chưa hợp lý, phân bổ sử dụng vốn vay còn dàn trải và tập trung vào việc tăng quy mô mà chưa đề cao hiệu quả.

Thêm vào đó, xu hướng nhiều công trình được Chính phủ bảo lãnh hoặc cho vay lại gặp khó khăn trả nợ gia tăng, làm tăng nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, đồng thời tiếp tục tạo ra tâm lý dựa dẫm vào sự bảo đảm của NSNN của các DN được bảo lãnh.

Quỹ tích lũy trả nợ phải ứng ra trả thay cho các công trình có xu hướng tăng lên trong các năm gần đây, năm 2010 là 1.676 tỷ đồng, năm 2011 là 2.437 tỷ đồng, năm 2012 là 2.588 tỷ đồng và năm 2013 là 3.072 tỷ đồng.

Hiện nay Việt Nam đã bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, nên huy động vốn vay ODA đang có xu hướng giảm dần với thời hạn ngắn hơn, lãi suất tăng lên dẫn đến nghĩa vụ trả nợ công, nợ Chính phủ có xu hướng gia tăng.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) (7/2015), nghĩa vụ thanh toán nợ công của Việt Nam đã tăng từ 22% năm 2010 lên gần 26% tổng thu ngân sách năm 2014 và riêng chi trả lãi vay hiện chiếm gần 7,2% chi ngân sách, lấn át các khoản chi tiêu khác.

Mặc dù tỷ lệ trả nợ của Chính phủ/tổng thu ngân sách đã vượt ngưỡng 25% nhưng Bộ Tài chính cho rằng, trong đó có trên 10% là vay để đảo nợ và khoản này không làm phát sinh nghĩa vụ nợ nên nếu trừ khoản 10% này thì vẫn nằm ở mức 20 - 21%, tức dưới mức 25% cho phép.

Vì thế, nghĩa vụ phải trả nợ hằng năm từ nay đến 2018 vẫn nằm trong giới hạn an toàn. Theo kế hoạch năm 2014, số chi trả nợ công lên đến 208.883 tỷ đồng, chiếm gần 21% tổng chi, tương ứng 26,7% tổng thu cân đối ngân sách theo dự toán năm 2014.

Phần chi trả nợ của Chính phủ trong cân đối ngân sách năm 2013 ước đạt 103.700 tỷ đồng, theo Chính phủ vẫn đảm bảo trong giới hạn quy định của Việt Nam là dưới 25% thu NSNN và nằm trong giới hạn an toàn theo thông lệ quốc tế.

Khả năng trả nợ công của Việt Nam liên quan đến hàng loạt yếu tố kinh tế - tài chính, trong đó yếu tố NSNN đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Thứ nhất, tình hình nợ công và khả năng trả nợ không thể cải thiện nếu thâm hụt NSNN vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao và không có triển vọng thu hẹp, dừng lại và chuyển sang thặng dư.

Thứ hai, vay để trả nợ cũ (đảo nợ) là hậu quả tất yếu của không có nguồn trả nợ và khiến cho qui mô nợ tích tụ ngày càng cao, tất yếu dẫn đến khủng hoảng nợ.

Theo thông báo của Bộ Tài chính, tổng thu NSNN tháng 11 ước đạt 78,7 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 11 tháng, tổng thu đạt hơn 860 nghìn tỷ đồng, bằng 94,4% dự toán, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2014. Trong khi đó, chi NSNN tháng 11 ước đạt 97,3 nghìn tỷ đồng. Lũy kế chi 11 tháng đạt 1.015,7 nghìn tỷ đồng, bằng 88,5% dự toán, tăng 7,4% so cùng kỳ năm 2014. Trong đó, chi trả nợ và viện trợ 142 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2014. Lũy kế 11 tháng, bội chi ngân sách đạt xấp xỉ 155,6 nghìn tỷ đồng.

Thứ ba, nguồn bù đắp bội chi NSNN chuyển từ vay nước ngoài sang vay trong nước trong bối cảnh thị trường tài chính trong nước tiềm ẩn không ít rủi ro như rủi ro về kỳ hạn, lãi suất, tỷ lệ nợ xấu cao và mức độ an toàn của hệ thống tài chính sẽ tác động tới khả năng vay và trả nợ công.

Thứ tư, chi trả nợ gốc thường vượt dự toán còn trả nợ lãi lại thường thấp hơn dự toán NSNN không chỉ chứng tỏ hạn chế trong công tác lập dự toán mà còn cho thấy công tác quản lý nợ, nhất là quản lý trả nợ còn bất cập và hạn chế. Những rủi ro về tỷ giá hối đoái, khả năng vay nợ mới trả nợ cũ, biến động lãi suất chưa được quản lý tốt.

Thứ năm, quy mô vay để cho vay lại tăng mạnh và chi đầu tư từ nguồn trái phiếu chính phủ tăng nhanh trong bối cảnh sử dụng vốn vay và quản lý đầu tư nhà nước còn thiếu hiệu quả, tỷ lệ thất thoát, lãng phí còn lớn sẽ làm giảm khả năng trả nợ cả trực tiếp từ các công trình sử dụng vốn vay nợ công và gián tiếp từ tác động tới tăng trưởng kinh tế của các công trình đầu tư này.

Chi NSNN của Việt Nam đã và đang ở mức rất cao, muốn cân đối, giảm thâm hụt và giảm nợ công thì không thể tiếp tục tăng thu mà chỉ có thể giảm chi, nhất là giảm chi đầu tư phát triển từ nguồn NSNN và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Hơn nữa, kỷ luật chi NSNN cần được củng cố để chấm dứt tình trạng chi vượt quá cao so với dự toán trong khi dự toán NSNN đã có khoản chi dự phòng và dự trữ tài chính.

>DNNN làm tăng gánh nặng nợ công

>Chính phủ xác nhận nợ công 110 tỷ USD

>“Túi tiền” quốc gia: Hụt thu và... bội chi

>7 tháng bội chi ngân sách ước 8.695 tỷ đồng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Muốn giảm nợ công, phải giảm chi ngân sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO