M&A: Bỏ vốn hay buông xuôi?

27/05/2013 06:16

Chiếc phao cứu sinh của nhiều DN trong suốt thời gian vừa qua là M&A dường như đang giảm dần tác dụng. Tại VN, kết thúc quý I/2013, chỉ có 14 thương vụ với giá trị đạt 646 triệu USD.

M&A: Bỏ vốn hay buông xuôi?

Chiếc phao cứu sinh của nhiều DN trong suốt thời gian vừa qua là M&A dường như đang giảm dần tác dụng. Tại VN, kết thúc quý I/2013, chỉ có 14 thương vụ với giá trị đạt 646 triệu USD.

Con số các DN phá sản đang ngày một tăng cùng với đó là số lượng và giá trị các thương vụ M&A trên toàn cầu sụt giảm mạnh. Trong tháng 1 và 2/2013, chỉ có 1.540 thương vụ được ghi nhận trên toàn cầu với tổng giá trị 293,3 tỷ USD, giảm 30% so với năm ngoái. Riêng đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sụt giảm tới 16% khối lượng giao dịch trong tháng 2.

Sự kéo dài và dai dẳng của khủng hoảng được cho là nguyên nhân chính gây nên sự chững lại của hoạt động M&A vốn diễn ra vô cùng sôi động trước đó. Còn tại VN, kết thúc quý I/2013, chỉ có 14 thương vụ với giá trị đạt 646 triệu USD. Vậy, điều gì đang xảy ra với các DN và thị trường M&A?

Nguy và cơ

Để một thương vụ có thể đi đến “chung kết” thì cả bên bán lẫn bên mua đều phải đối diện với rất nhiều thách thức và rào cản khiến thời gian đàm phán, thương lượng kéo dài. Thậm chí không ít thương vụ bị dừng lại giữa chừng như trường hợp Cty CP giấy Sài Gòn với đối tác Nhật Bản. Bên cạnh đó, những diễn biến phức tạp và các vấn đề mới nảy sinh của các thương vụ giai đoạn hậu M&A thời khủng hoảng càng khiến cho hoạt động này kém sôi động và hấp dẫn.

Theo CEO của Cty Bibica thì nguyên nhân khiến kế hoạch kinh doanh năm 2012 không như mong đợi là do các vấn đề nẩy sinh trong điều hành và định hướng phát triển giữa Bibica với Lotte – cổ đông lớn nhất của Bibica, đang nắm giữ tỉ lệ 38,6%. Trong khi đó, khoản lỗ 1.105 tỉ đồng của Ngân hàng SHB trong 9 tháng đầu năm 2012 là do sau khi sáp nhập với Habubank, SHB đã phải trích lập quỹ dự phòng cho các khoản nợ xấu của Habubank.

Đặc biệt, nan giải hơn một số DN còn đứng trước quyết định vô cùng khó khăn trong việc bỏ thêm một khoản tiền lớn để giải cứu đối tác của mình do họ làm ăn thua lỗ lớn. Như trường hợp Thủy hải sản Hùng Vương từng đứng trước câu hỏi có nên bỏ thêm vốn để cứu đối tác là Cty Lâm Thủy sản Bến Tre do bị thua lỗ lớn hay không. Những vấn đề đầy phức tạp này khiến DN rơi vào tình thế dở khóc, dở cười. Bởi trong bối cảnh khủng hoảng như hiện nay, việc bỏ ra một khoản tiền lớn vào một DN thua lỗ - dù đó là đối tác chiến lược và quan trọng thế nào đi chăng nữa thì vẫn mang lại nguy nhiều hơn cơ cho DN.

Kỹ năng bỏ vốn

Nhưng nếu không bỏ thêm vốn để giải cứu và đối tác phá sản thì DN cũng phải hứng chịu hậu quả nặng nề không kém. Trong chương trình Chìa khóa thành công - CEO số 13 với chủ đề “Mua bán và sáp nhập – Bỏ thêm vốn hay buông xuôi” phát sóng vào 10h00 sáng Chủ nhật ngày 19/5/2013 trên VTV1, các doanh nhân đã có nhiều tranh cãi để tìm giải pháp cho các DN nói trên.

Theo đó, CEO của chương trình cho rằng nên bơm vốn và tìm cách giải cứu đối tác đang thua lỗ nhưng cần phải thương lượng với đối tác để đưa một mức vốn giải cứu hợp lý. Đồng thời cần hỗ trợ đối tác tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, kêu gọi cán bộ nhân viên giảm lương để chia sẻ khó khăn. Về trung hạn, DN cần phối hợp với đối tác để đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường và đào tạo nguồn nhân lực. Dài hạn, cần thành lập bộ phận nghiên cứu phát triển cho cả hai bên.

Đồng thời có các dự án phát triển sản phẩm ra nước ngoài. HĐQT đồng ý với đề xuất này của CEO. Tuy nhiên, HĐQT lưu ý rằng: Cty vẫn cần tính toán lại hiệu quả việc đầu tư vào đối tác này. Cần xem xét xem một cách kỹ lưỡng giải cứu đối tác có lợi hơn hay tập trung đầu tư cho Cty có lợi hơn. Bên cạnh đó, DN cần phải có sự phân tích các yếu tố vĩ mô, môi trường kinh doanh và lĩnh vực hoạt động của đối tác để nắm rõ hơn khi tiếp tục đầu tư vào cho đối tác này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
M&A: Bỏ vốn hay buông xuôi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO