Làng Sình hồi sinh

HỒ NGỌC MINH| 23/01/2014 05:09

Tranh làng Sình (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) vốn là dòng tranh dân gian nức tiếng hàng trăm năm qua. Những ngày Xuân về, làng tranh này lại rộn ràng khoe màu như chưa từng có sự đứt gãy của thời gian.

Làng Sình hồi sinh

Tranh làng Sình (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) vốn là dòng tranh dân gian nức tiếng hàng trăm năm qua. Những ngày Xuân về, làng tranh này lại rộn ràng khoe màu như chưa từng có sự đứt gãy của thời gian.

Đọc E-paper

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước với nghệ thuật chế tác tranh làng Sình

Màu xưa, giấy cũ

Làng Sình còn có tên gọi khác là làng Lại Ân, nằm ở hạ nguồn sông Hương, phía bên kia là bến Thanh Hà. Đây là một cảng sông nổi tiếng thời các Chúa Nguyễn xây dựng Đàng Trong. Làng Sình không chỉ nổi tiếng với các món võ vật, mà dòng tranh nơi đây từng nức tiếng có thể sánh cùng các dòng tranh dân gian ở phía Bắc.

Bên ấm nước chè xanh, nghệ nhân Kỳ Hữu Phước (65 tuổi), người duy nhất giữ được những mộc bản in tranh được truyền từ hàng trăm năm trước, tâm sự: "Nghề làm tranh thờ cúng vốn đã có từ xưa, đến tôi là đời thứ chín. Không hiểu răng, hễ đến những ngày gần giáp Tết là bà con khắp trong Nam ngoài Bắc tấp nập tìm về làng Sình mua tranh dân gian để thờ cúng ông bà”.

Ngồi trò chuyện cùng ông, hỏi hết những "bí truyền" để chế tác tranh làng Sình, ông say sưa kể như nhà nghiên cứu tranh dân gian thực thụ. Theo ông Phước, nguyên liệu quan trọng làm nên tranh làng Sình là giấy dó cùng những chất liệu màu tự nhiên của cây cỏ, không lẫn bất kỳ hóa chất nào.

Bởi thế nên tranh làng Sình rất "sạch", xưa người dân dùng để thờ cúng rồi đốt đi. Xưa, trước nhà cư dân làng Sình thường có những tấm lưới vuông với nhiều kích cỡ khác nhau. Những người thợ lấy vỏ cây bìa lời bỏ vào cối giã, chắt lấy nước rồi trộn với bột giấy (chất liệu được làm từ cây dó), sau đó quét đều, tráng bằng lên từng vuông lưới.

Hợp chất trên sẽ tạo ra giấy dó. Giấy dó được dùng sò điệp quét lên trên làm cho giấy vừa cứng, không bị thấm ở mặt sau khi tô màu và tạo ra sắc màu óng ánh cũng là nét đặc trưng của tranh dân gian làng Sình.

Cứ tầm tháng 6, 7 Âm lịch, những thanh niên trai tráng trong làng men theo con nước về các vùng Tam Giang, Cầu Hai cào điệp (một loại thuộc họ sò, vỏ phẳng, có màu trắng) mang về bỏ vào tro nung ở nhiệt độ cao rồi bỏ vào cối giã nhuyễn, trộn với bột hồ (bột gạo).

Sau đó, họ dùng chổi kết bằng lá thông quét hợp chất đó lên giấy dó. Bột điệp lấp lánh kết hợp với hồ quết lên giấy dó sẽ cho ra một thứ giấy trắng lấp lánh ánh bạc. Ông Phước cho biết thêm: "Công đoạn tạo màu tự nhiên cho tranh cũng không kém phần gian nan.

Ngày xưa, chưa có màu công nghiệp như bây giờ, để làm ra vài bộ tranh, có khi mất cả tháng trời, nhưng người trong nghề xem đó là niềm đam mê, niềm vui công việc mình phải theo đuổi".

Các loại màu như: màu đỏ (lấy từ rễ cây vang), màu vàng (lá và hoa cây dành dành), màu cam (gạch mài nhuyễn trộn với da trâu tươi nấu thành keo)..., tất cả các loại cây trên đều được lấy từ vùng rừng núi phía Tây Thừa Thiên - Huế.

Thường mỗi nồi thuốc màu phải nấu đúng 4 ngày 3 đêm mới ra màu đạt chất lượng. Vì thế, đến nay, những bức tranh làm từ giấy, màu tự nhiên ông Phước chỉ làm theo đơn đặt hàng, chứ bán như tranh thị trường không được vì giá thành cao.

Vẽ tranh dưới hầm

Trước đây, làng Sình có hàng chục hộ làm tranh, chủ yếu phục vụ việc thờ cúng của dân làng và dâng lên triều đình phong kiến trong các dịp Quốc lễ. Đến những năm 75 - 80 của thế kỷ trước, nghề làm tranh bước vào "ngõ cụt" khi tranh làng Sình bị quy là một sản phẩm tuyên truyền cho mê tín dị đoan, gây lãng phí.

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước nhớ lại là cả mấy chục hộ trong làng đều bỏ nghề vì bị cấm làm, không có thu nhập. Ông Phước với tâm nguyện muốn giữ lại nghề truyền thống của cha ông, cũng vì kế mưu sinh mà đã tìm mọi cách vượt qua khó khăn giai đoạn này.

Ông tâm sự: "Hồi đó khổ lắm, chỉ làm trong nhà dùng khi có việc thôi, vì đa phần mộc bản đem lên đều mục ruỗng, hư hỏng cả. Tui bàn với vợ con, muốn giữ được nghề, có thu nhập thì phải vẽ tranh dưới... hầm".

Nói là làm, ban ngày ông đào cái hố trước sân nhà, cứ mỗi ngày vài thúng đất, "tích tiểu thành đại", đến khi đường hầm thông ra bên ngoài đã xong, đêm đến, ông cho bắc ván lên trên rồi phủ đất, cán bộ đi kiểm tra không hề hay biết.

Ông Phước cùng vợ và 5 người con "trú” dưới hầm để tiếp tục vẽ tranh, sáng ra, quấn tranh trong người mang đi đến từng nhà bán. Từ dưới lòng đất, với đôi bàn tay tài hoa của nghệ nhân Phước, dòng tranh dân gian làng Sình đã được giữ lại trước sự quên lãng của thời gian.

Không dừng lại ở việc giữ nghề, ông Phước còn cố gắng mở rộng, phát triển, làm cho nghề vẽ tranh làng Sình hồi sinh. Đặc biệt, 5 đứa con của ông đều theo nghề chế tác tranh của cha ông. Nhờ sự cố gắng của ông, từ một vài hộ lẻ tẻ, đến nay đã có 40 hộ trở lại làm tranh.

Tranh dân gian làng Sình

Kết hợp du lịch

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước cho biết: "Đến nay, đã có 8 công ty mở các tour du lịch cho khách nước ngoài về với làng Sình để thưởng lãm, mua tranh. Bên cạnh dòng tranh thờ cúng mình vẫn duy trì, chúng tôi còn kết hợp làm thêm tranh trang trí, các bộ lịch bán cho khách phương Tây.

Đây là mặt hàng du khách rất ưa chuộng bởi tính dân dã, mộc mạc". Phương án kết hợp với các tour du lịch tại địa phương đã mang lại hiệu quả cao. Lúc cao điểm như hiện nay, ngoài lao động trong nhà, ông Phước còn phải thuê thêm 20 lao động là những người thợ trong thôn mới làm kịp việc.

Nghệ nhân Phước tâm sự: "Dù đến nay đa phần các tranh vẽ đều dùng màu công nghiệp nên làm nhanh hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là người nghệ nhân đánh mất nét truyền thống của tranh làng Sình. Các bộ tranh Bài chòi, Kéo co nam nữ, Bịt mắt nam nữ, Bốn thế vật... vẫn tuân thủ các kỹ thuật vẽ truyền thống xưa nay của cha ông.

Ngoài ra, chúng tôi còn sáng tạo thêm những bức tranh phản ánh đời sống thường nhật như bộ Xuống vụ, Trò chơi, Bát âm...". Ông Trần Vãng, Phó chủ tịch UBND xã Phú Mậu, cho hay: "Để phục hồi tranh làng Sình, trong những năm qua, địa phương đã lập nhiều đề án giúp làng nghề mở rộng thị trường, thay đổi mẫu mã hướng đến du lịch.

Bên cạnh đó, địa phương cũng tranh thủ nguồn vốn khuyến công của huyện, tạo điều kiện cho bà con vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi. Bằng sự phát huy hiệu quả yếu tố văn hóa bản địa, tranh làng Sình đã thực sự hồi sinh".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làng Sình hồi sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO