Lạm bàn chuyện giàu nghèo

TRẦN TRỌNG THỨC/DNSGCT| 17/02/2016 06:43

Làm giàu là khát vọng muôn đời không chỉ của một người mà của bất cứ dân tộc nào, trong khi sự phân hóa giàu nghèo là một thực tế không ngăn chặn được.

Lạm bàn chuyện giàu nghèo

Làm giàu là khát vọng muôn đời không chỉ của một người mà của bất cứ dân tộc nào, trong khi sự phân hóa giàu nghèo là một thực tế không ngăn chặn được mà chỉ có thể làm giảm nhẹ. Đó là sự khắc nghiệt trong quá trình phát triển của một đất nước.

Đọc E-paper

Báo cáo Thịnh vượng 2015 được Công ty nghiên cứu Knight Frank (Anh) công bố gần đây cho thấy năm 2014 Việt Nam có 116 người siêu giàu, tăng 6 người so với năm 2013. Knight Frank cũng dự báo, trong một thập niên tới, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh nhất thế giới, lên đến 300 người gồm những cá nhân có tài sản từ 30 triệu USD trở lên.

Thế nhưng số liệu thống kê về số người siêu giàu trong trường hợp của chúng ta chưa thể phản ánh sự phát triển của nền kinh tế hay sự giàu có của đa số người dân.

Cũng như ở nhiều nước, số người giàu ở Việt Nam phần lớn nhờ có khả năng dự báo sự biến động nhiệt độ thị trường địa ốc, nắm vững luật chơi của thị trường chứng khoán. Nhưng cũng có không ít người giàu lên nhanh chóng nhờ lợi dụng cơ chế chính sách và biết cách lách luật để tích lũy tài sản.

Dù vận tốc giàu có và xuất phát điểm thế nào đi nữa thì thành quả phát triển kinh tế của một đất nước mà chỉ tập trung vào một số quá ít người là biểu hiện của một xã hội không công bằng.

TS. Đỗ Thiên Kính, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội, trong một báo cáo có tên “Xu hướng bất bình đẳng về mức sống ở Việt Nam trong 20 năm đổi mới” dựa trên số liệu của các nguồn chính thống cho thấy sự phân hóa giàu nghèo ở nước ta là rất rõ nét.

Cụ thể là nhóm đầu là số hộ giàu, khoảng 20% dân số, chiếm 54,4% tổng thu nhập toàn quốc. Nhóm giữa – tạm gọi là trung lưu – với 60% dân số chỉ chiếm 40,9% thu nhập toàn quốc. Còn lại nhóm thứ ba là các hộ nghèo, tức 20% dân số còn lại, chỉ chiếm 4,7% tổng thu nhập toàn quốc.

Đây là lần đầu tiên một báo cáo chi tiết về tình trạng giàu nghèo trong xã hội được thực hiện nên có thể vẫn chưa thật chính xác, tuy vậy cũng đã giúp chúng ta hình dung bức tranh toàn cảnh về sự phát triển của một nền kinh tế còn không ít khuyết tật. Vấn đề là làm sao tăng thu nhập cho nhóm ở giữa gồm 60% dân số là thành phần trung lưu có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển hài hòa, bền vững của một đất nước, là yếu tố tạo nên một cấu trúc ổn định của xã hội hiện đại.

>>Tầng lớp trung lưu châu Á sẽ thay đổi sâu rộng kinh tế thế giới

Cách đây hơn một phần tư thế kỷ, khi đất nước đi vào đổi mới và sự phân hóa giàu nghèo bắt đầu ló dạng, không ít người cho rằng hễ một người giàu lên thì ắt phải có một người khác nghèo đi. Cách suy nghĩ hẹp hòi như thế khiến chúng ta liên tưởng đến hình ảnh một chiếc bánh phải chia đều cho mọi người, mà hậu quả là người ta nhân danh công bằng để chia đều với nhau sự nghèo khó.

Giờ đây chúng ta đã nhìn nhận khác đi, chiếc bánh được chia đều không phải là hình ảnh nói lên sự công bằng trong xã hội nữa, mà những người tạo ra một giá trị cao hơn hoàn toàn có quyền được hưởng phần bánh nhiều hơn để làm ra chiếc bánh lớn hơn hoặc có thêm chiếc bánh khác cho nhiều người cùng hưởng.

Quan niệm này thể hiện một sự tiến bộ về nhận thức theo đó tâm lý đố kỵ người giàu đã giảm dần, trong khi yêu cầu công bằng trong phân phối thu nhập ngày càng được cổ xúy. Như tác giả một bài báo đã ví von “chúng ta nên quan tâm nhiều đến phần bánh mà người nghèo nhận được là bao nhiêu, hơn là phần bánh họ nhận được bằng bao nhiêu so với phần mà người giàu nhất có được”.

Làm giàu không dễ, nhiều người phải trả giá rất cao, vật lộn với biết bao khó khăn để đạt được khát vọng của mình. Cho nên nhiều nhà kinh tế học khuyên chúng ta đừng quá gay gắt với khoảng cách giàu nghèo – miễn là đừng quá lớn – mà nên quan tâm nhiều hơn đến việc làm sao cho chất lượng cuộc sống của mọi người trở nên tốt hơn.

Xã hội có nhiều người giàu nhờ làm ăn chính đáng cũng như biết tận dụng thời cơ là điều đáng mừng. Nhưng khi ấy để rút ngắn khoảng cách giàu nghèo thì phải cần đến vai trò các công cụ điều tiết như luật pháp nghiêm minh để tạo công bằng và đặc biệt là các chính sách an sinh xã hội. Về điều này thì hình như chúng ta đang còn kém.

Báo cáo của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) gần đây cho thấy các hộ trong nhóm 20% giàu nhất của chúng ta nhận được khoảng gần 40% lợi ích an sinh xã hội, trong khi nhóm 20% nghèo nhất chỉ nhận được 7%. Nhóm giàu nhất được hưởng tới 35% trợ cấp giáo dục còn nhóm nghèo nhất chỉ được 15%.

>>Doanh nhân trẻ với trách nhiệm an sinh xã hội

Quá trình phát triển của các nền kinh tế đã cho chúng ta nhiều đúc kết quý giá.

– Quốc gia nào có GDP đầu người thấp mà chênh lệch giàu nghèo cũng thấp, thì người ta gọi đó là sự trì trệ của tăng trưởng do chính sách vĩ mô không phù hợp, duy ý chí.

– Quốc gia nào GDP bình quân đầu người thấp mà chênh lệch giàu nghèo cao, thì đó là do khung pháp lý bảo đảm tự do kinh doanh chưa hoàn chỉnh khiến không vận dụng được số đông người tham gia vào đời sống kinh tế. Đây là mảnh đất màu mỡ cho độc quyền và tham nhũng.

– Quốc gia nào GDP bình quân đầu người cao trong khi chênh lệch giàu nghèo thấp, thì đây là biểu thị của một nền kinh tế tăng trưởng bền vững, chính sách vĩ mô hợp lý và các công cụ quản lý làm tròn chức năng tái phân phối thu nhập quốc gia trong đó có việc điều tiết phúc lợi xã hội.

Đây chính là mục tiêu nhắm đến của hầu hết các nước trên thế giới, mà theo kinh nghiệm để đạt được điều này thì tự do kinh doanh phải được sự bảo đảm của luật pháp, người làm giàu chính đáng ngày càng được khuyến khích qua đó tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho những người nghèo hơn.

Về vấn đề này thì thể chế kinh tế, chính trị có vai trò quyết định. Thể chế tốt biểu hiện qua việc phân bổ tài nguyên quốc gia bao gồm đồng vốn, tài nguyên thiên nhiên, nhân lực, đúng người đúng việc để những con người có năng lực tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho xã hội và đương nhiên họ xứng đáng được hưởng những thành quả mang lại. Đó là những người làm giàu chính đáng đang được xã hội tôn vinh mà thể chế kinh tế – chính trị cần tạo thêm nhiều cơ hội cho họ, bởi dân giàu thì nước mới giàu.

Thực tế của hơn 30 năm kinh tế chuyển đổi cho thấy mục tiêu này đang dần ló dạng. Năm 1986 thu nhập bình quân đầu người của chúng ta chỉ 86 USD thì nay đã lên đến 2.200 USD và đang nhắm đến con số 3.500 USD trong vòng 5 năm tới.

Mức tăng trưởng kinh tế cũng tăng theo tương ứng từ 4,4% của năm 1986, có lúc lên tới 7,2% vào đầu thiên niên kỷ, làm thay đổi chất lượng cuộc sống người dân rất nhiều. Đáng tiếc là tỷ lệ này đã không được duy trì do nhiều lý do khách quan từ bên ngoài, nhưng cũng có yếu tố bên trong là chiếc áo chúng ta đang mặc – tức thể chế – đã chật chội và không còn phù hợp.

Điều này giải thích tại sao thời gian gần đây yêu cầu cải cách thể chế được đánh động như một điều kiện để nền kinh tế cất cánh, mà mục tiêu cuối cùng cũng chỉ để dân giàu nước mạnh.

>>Cải cách thể chế kinh tế: Điều quan trọng số 1

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lạm bàn chuyện giàu nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO