Lại mạn đàm về "tiên học lễ, hậu học văn"

Lý Quí Trung| 16/01/2022 09:00

Thiết nghĩ bất kỳ câu tục ngữ nào dù có hay và đúng cách mấy đi nữa cũng có một số mặt không đúng hoặc hạn chế nếu nhìn ở một góc độ nào đó và mức độ phản biện dành cho nó có dao động theo sự phát triển cập nhật của xã hội. Câu "tiên học lễ, hậu học văn" cũng không là một ngoại lệ.

Lại mạn đàm về

Nhưng ý nghĩa lớn nhất của nó thì dường như vẫn giữ nguyên giá trị. Đó là làm gì thì làm, học gì thì học, giỏi giang bao nhiêu đi nữa cũng phải có đạo đức, nhân cách, biết đối nhân xử thế thì mới thành công đúng nghĩa. Nói khác đi, học lễ và học văn, hay tu dưỡng nhân cách và kiến thức là công việc xảy ra song song cả đời.

Có ý kiến cho rằng, nếu trong giáo dục mà còn đề cao việc "học lễ" thì e rằng các thế hệ trẻ của Việt Nam sẽ mãi có khuynh hướng "khiêm tốn", "nhún nhường", không dám tự tin đứng ra làm điều cải cách, khác biệt của người tiên phong.

Quan điểm kết nối yếu tố "khiêm tốn", "lễ phép", "nhún nhường" với yếu tố "thiếu tự tin", "thiếu sáng tạo", "không dám làm nên sự khác biệt" xem ra chưa được ổn lắm. Người Nhật nổi tiếng là ăn nói, cư xử vô cùng lễ phép, lúc nào cũng biết trên biết dưới, chào hỏi nhau là cúi đầu hay cúi người rạp xuống, nhưng đâu có ngăn họ tự tin, nói ra chính kiến của mình. Bao nhiêu phát minh hay ho trên thế giới cũng là của người Nhật.

Còn nói về tính nhường nhịn thì người Nhật cũng là số một, bởi vậy trên thế giới chỉ có người Nhật mới cho rằng đứa con sinh đôi nào được đẻ ra trước là làm em - chứ không phải làm anh. Đơn giản vì đứa con sinh đôi đẻ ra sau đã nhường cho em mình ra trước! Do đó, sự nhường nhịn đối với người Nhật là cao chứ không phải là thấp, là tự tin chứ không phải là e dè, yếm thế. Và như ai cũng biết, nền kinh tế nước Nhật thuộc loại hàng đầu của thế giới.

Cho nên, ý nghĩa của từ "lễ" trong câu tục ngữ "tiên học lễ, hậu học văn" có thể nhìn từ nhiều góc độ khác nhau và nó cũng cần được bổ sung, định nghĩa lại cho bắt kịp với thời đại - nếu ý nghĩa cổ điển, truyền thống của nó có thể thiếu sót.

Và một trong những ý nghĩa cập nhật thú vị của chữ "lễ" ở đây có thể là cách ứng xử với những người xung quanh, với đồng nghiệp, bạn bè, đối tác, cấp trên, cấp dưới và với cộng đồng, xã hội nói chung. Đó chính là kỹ năng mềm "soft skill" góp phần làm nên sự thành công của một con người.

Cho nên câu tục ngữ trên suy cho cùng vẫn còn nguyên giá trị và rất thời thượng, nhưng có điều nó cần được hiểu một cách cập nhật và rộng rãi hơn so với ý nghĩa quen thuộc, truyền thống. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lại mạn đàm về "tiên học lễ, hậu học văn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO