Ký ức Sài Gòn

KTS Nguyễn Ngọc Dũng| 27/03/2019 00:35

Áp lực xe cộ trên từng con đường dẫn vào trung tâm thành phố ngày càng khủng khiếp. Xe bus, xe hai bánh, taxi... tràn lên lề đường, đẩy lùi các xe thuốc lá, xe bán trái cây dạt vào hai bên nhà phố, các tường rào cao ốc đang xây dựng. Khu đất trống, nhà biệt thự, công sở nào được ở mặt tiền đường trung tâm quận 1, quận 3 cũng trở thành đất vàng đất bạc. Sự bùng nổ của hàng loạt cao ốc gia tăng áp lực lên hạ tầng, giao thông hàng chục lần (với lượng người, lượng xe ra vào, ăn ở...).

Ký ức Sài Gòn

Trung tâm Sài Gòn thời Pháp thuộc, hơn 300 năm trước, được quy hoạch ô bàn cờ với những trục cảnh quan, công viên, sở thú. Những điểm nhấn công cộng như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP, Nhà hát lớn, chợ Bến Thành, trụ sở UBND thành phố, thương xá Tax, Eden, các sở ban ngành, kho bạc, ngân hàng... với tỷ lệ vàng về chiều cao, mật độ cây xanh và đường sá. Theo thống kê, hiện có khoảng 181 cao ốc đang mọc lên ở khu này và hàng loạt dự án đang, sẽ tiếp tục triển khai như dự án SJC Tower cao 58 tầng với diện tích khu đất 4.000m2, chiếm 4 mặt đường Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Thánh Tôn - Nguyễn Trung Trực. Dự án Sài Gòn Center giai đoạn 2 vừa được chủ đầu tư - Tập đoàn Keppel Land (Singapore) làm lễ khởi công, cao 45 tầng với 200 căn hộ, văn phòng, thương mại, gần chợ Bến Thành. Góc đường Lê Lợi - Huỳnh Thúc Kháng đang được rào lại xây khách sạn to đùng. Khu phức hợp của Công ty Du lịch Sài Gòn với Công ty Gemadept vốn là khu đất của Bệnh viện Sài Gòn trước đây, dài từ đường Lê Lợi đến góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa gồm một khách sạn 5 sao, 400 phòng và khu văn phòng rộng 30.000m2. Thương xá Tax, một kiến trúc tuyệt đẹp thời Pháp, độc nhất vô nhị được cải tạo ngày càng xấu đi và cuối cùng đã bị đập bỏ để làm một cao ốc 40 tầng. Và khu Eden đã bị xóa sổ, thay vào đó là khu phức hợp thương mại Vingroup...
Đó là những dự án đã và đang rào lại xây dựng. Nhưng danh sách những khu đất khác đang được lập hồ sơ, chờ phê duyệt còn dài hơn nữa.Với diện tích khiêm tốn vài trăm héc ta, có từ thời Pháp thuộc, được quy hoạch thành khu trung tâm hành chính và công cộng; nay nó đang được nén chặt thành căn hộ cao cấp, khách sạn, văn phòng, khu phức hợp, siêu thị, đường sá và bãi đậu xe cho hàng triệu lượt người ra vào mỗi ngày. Thậm chí có nơi mảng xanh, công viên cũng bị đánh đổi, thay vào đó là những công trình, nhà hàng, quán ăn... với những mảng bê tông khô khốc, vô hồn. Sài Gòn với “quy hoạch mới” đang làm mất dần đi cái chất của “hòn ngọc Viễn Đông” phải có. Nhưng biết làm sao được khi người ta chỉ đang cố gắng nong cái túi Sài Gòn cho rộng ra để chứa hết những gì gọi là nhu cầu và phát triển!
Sài Gòn xưa với những bản sắc vốn có và hồn đô thị của thành phố 320 năm tuổi đang cần được bảo vệ. Với những cao ốc mang tên Âu Mỹ, Tàu, Nhật, Hàn như Royal, Garden, Eva Royal Plaza; với căn hộ “Tây” type 2A, 3A, type Penthouse... Rồi Sunrise City, Kenton Residence, Dragon City, Gemadept Tower... Đôi khi tôi tự hỏi, tại sao Sài Gòn - TP.HCM không phải là một phố đông hiện đại ngăn nắp và một phố tây cổ kính hoài niệm cùng phát triển, bổ sung cho nhau? Tôi (và có lẽ cùng rất nhiều người Sài Gòn khác) tiếc những kỷ niệm xưa đang dần biến mất. Không chỉ là công trình mà cả những con đường, lề đường lát đá với hàng cổ thụ rợp bóng - những “di chỉ” vô giá mà không biết bao giờ người Sài Gòn còn có thể tìm thấy lại.

ky-uc-sai-gon-5258-1553655104.jpg

Sài Gòn xưa đang dần thu nhỏ lại và biến thành hình ảnh “bảo tàng” trong các nhà hàng “phố cổ”, “phố xưa”. Và nếu cần chiêm nghiệm một thời đã qua, có lẽ chẳng bao lâu nữa, người Sài Gòn chỉ có thể vào các nhà hàng đó để xem lại hình ảnh còn lưu lại và ngậm ngùi cho một “hồn đô thị”. Tôi yêu thành phố này vì sự hào sảng, vì quá khứ hào hùng, vì cuộc sống hiện tại đem lại. Và vì nó còn là một thành phố mở, thành phố đầu tàu, thành phố văn hóa, thành phố giao lưu và cũng là thành phố đậm nét di sản. Tôi ước lãnh đạo thành phố hãy bắt tay ngay vào việc bảo vệ di sản, để các thế hệ tiếp nối hiểu và cùng nhau góp sức tôn tạo một Sài Gòn - TP.HCM bản sắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ký ức Sài Gòn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO