Khi VN là điểm tăng trưởng nóng nhất của thế giới

NGỌC THẠCH| 05/07/2011 00:41

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng nhẹ trong sáu tháng đầu năm 2011, ở mức 5,6%. Tuy nhiên, kinh tế vẫn còn phải đối mặt với thách thức kìm hãm lạm phát. Chính phủ chính thức đề nghị mức tăng lạm phát của cả năm 2011 từ 15-17%, trong khi tăng trưởng GDP ở mức 6%.

Khi VN là điểm tăng trưởng nóng nhất của thế giới

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng nhẹ trong sáu tháng đầu năm 2011, ở mức 5,6%. Tuy nhiên, kinh tế vẫn còn phải đối mặt với thách thức kìm hãm lạm phát.

Chính phủ chính thức đề nghị mức tăng lạm phát của cả năm 2011 từ 15-17%, trong khi tăng trưởng GDP ở mức 6%. Như vậy, tỷ lệ lạm phát có thể gấp ba lần tăng trưởng, dồn gánh nặng khó khăn cho người nghèo, người nông dân, người ăn lương...

Thực tế, nhìn vào con số tăng trưởng, ngoài yếu tố sản xuất, kinh doanh tạo ra thì phần lớn lại nằm ở tăng giá, đồng tiền mất giá. Chính vì thế mà ông John Hendra, Trưởng phái đoàn Liên Hiệp Quốc (UN), lo ngại tỷ lệ lạm phát quá cao của Việt Nam có thể gia tăng tỷ lệ đói nghèo lên 1 hoặc 2%.

Mới đây, báo cáo của The Economist (Anh) về những nền kinh tế mới nổi có đề cập tốc độ tăng trưởng “nóng nhất”. Trên cả 6 chỉ số (lạm phát, tăng trưởng GDP trung bình, tăng trưởng GDP tiềm năng, tăng trưởng tín dụng, lãi suất và cán cân vãng lai), Việt Nam đều đứng ở thứ hạng “nóng”.

Nhóm nghiên cứu DBS ở Singapore cho rằng, Việt Nam cần duy trì “cán cân tinh tế” giữa khát vọng tăng trưởng và sự ổn định của nền kinh tế. Bản báo cáo của nhóm này công bố nhận định “nền kinh tế Việt Nam nay có vẻ đang theo hướng ổn định, cho dù đường đi có gập ghềnh”.

Nhưng DBS cảnh báo, nếu lạm phát lại leo thang thì đồng tiền quốc gia sẽ phải chịu áp lực mới. Do đó, việc kiểm soát lạm phát tiếp tục là vấn đề cốt yếu để đạt được mục tiêu ổn định nền kinh tế.

Phó chủ nhiệm Nguyễn Văn Phúc phân tích, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tăng lãi suất là nguyên nhân của lạm phát, nhưng ngân hàng thương mại lại giải thích, do lạm phát cao nên phải tăng lãi suất.

Tại sao những nước cũng có điều kiện như Việt Nam lại không có mức lạm phát cao? Và các nước đặt ra chỉ tiêu lạm phát đều tìm giải pháp để kéo lạm phát xuống đúng chỉ tiêu đặt ra, vậy tại sao nước ta lại không làm được?

Có lẽ một lần nữa phải nhắc đến căn bệnh “dự báo không sát tình hình”. Do dự báo chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 6 - 7% nên đầu năm Nhà nước đã quyết định thay đổi mặt bằng giá, từ đó tác động đến tâm lý người dân...

(Nguồn: The Economist)

Một nền kinh tế tăng trưởng “nóng” sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng suy thoái sau cơn “phát nhiệt”, đặc biệt khi có những cú sốc ngoại lai, nếu không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời để làm nguội dần nền kinh tế trước khi đưa nó về trạng thái phát triển cân bằng và ổn định.

Có thể thấy, sau thời gian dài tập trung cho mục tiêu tăng trưởng, năm nay, Chính phủ chủ yếu nhắm vào việc ổn định nền kinh tế.

Đưa việc chống lạm phát là ưu tiên hàng đầu, hồi đầu năm Chính phủ Việt Nam đã tăng lãi suất chỉ đạo, tuyên bố sẽ cắt giảm 10% chi tiêu công, và ra lệnh tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, tức tăng nợ, phải ở dưới mức 20%.

Bên cạnh đó, Chính phủ còn cố gắng kiểm soát giao dịch vàng và giảm lưu hành đồng đô la trong nền kinh tế.

Nguyên nhân lạm phát cũng nằm ở nội tại nền kinh tế kém hiệu quả, dựa quá nhiều vào tăng trưởng tín dụng, cung tiền mà thiếu cải thiện hiệu quả.

Khi đó nếu đổ thêm nhiều đầu tư vào mà tăng trưởng không tương ứng thì dấu hiệu lạm phát tăng trở lại rất nhanh. Hội thảo do Ngân hàng Thế giới tổ chức tại Hà Nội mới đây nhấn mạnh, các nhà đầu tư nước ngoài đang mất dần sự kiên nhẫn tại Việt Nam do tốc độ cải cách chậm trễ của Chính phủ.

Ngoài lạm phát ở mức 20% so với cùng kỳ năm ngoái, trong tháng 6 Việt Nam cũng bị thâm hụt ngân sách và thương mại lớn. Dự trữ ngoại tệ của Việt Nam hiện cũng chỉ còn ở mức đủ để nhập khẩu hàng hóa cho sáu tuần.

Ngoài những bất ổn vĩ mô này, các nhà đầu tư cũng cho biết mỗi ngành của Việt Nam lại có những vấn đề làm các nhà đầu tư đau đầu. Trong ngành điện thì đó là giá điện được quy định bởi Nhà nước thay vì theo giá thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khi VN là điểm tăng trưởng nóng nhất của thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO